Thấy gì từ quyết định nới biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) từ ±3% lên ±5%. Điều này đồng nghĩa với mức chênh lệch giữa giá sàn hoặc giá trần mà các ngân hàng được phép niêm yết là ±5% so với mức tỷ giá trung tâm. Ngay sau khi nới biên độ, NHNN cũng nâng tỷ giá bán ra cho các ngân hàng thương mại lên 24.380 VND, tức tăng gần 2% so với phiên thứ 6 tuần trước.
Như vậy, về thực chất, ở đây, trong bối cảnh đồng tiền của các nước đều bị mất giá so với USD, thì quyết định này cho thấy NHNN đã chấp nhận để VND có sự mất giá thêm nữa so với USD. Và thực vậy, tính đến sáng 18/10, tỷ giá ở các ngân hàng thương mại đã được niêm yết quanh mức mua vào 24.540 – bán ra 24.600 VND/USD.
Về lý do cho việc nới biên độ tỷ giá như vậy, thì không có gì là quá khó hiểu cả.
Từ đầu năm nay, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ bằng cách tăng lãi suất một cách rất quyết liệt và nhanh chóng, khiến đồng USD lên giá mạnh so với đồng tiền các nước khác. Thực tế đồng tiền của nhiều quốc gia như Nhật, Anh hay Liên minh châu Âu (EU) cũng đã mất giá nhiều so với USD.
Trong khi đó, mục tiêu ưu tiên của Việt Nam là bình ổn lạm phát nên NHNN đã nỗ lực kiểm soát tỷ giá, nhằm hạn chế hiện tượng nhập khẩu lạm phát. Để làm được điều này, trên thực tế, NHNN trước hết đã bán ra một lượng lớn USD từ dự trữ ngoại hối. Đến nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm đáng kể xuống mức 89 tỷ USD và dư địa chính sách đã dần bị hạn chế hơn trước. Tiếp đó, đến cuối tháng 9 vừa qua, NHNN tiếp tục chuyển hướng sang sử dụng công cụ lãi suất với quyết định tăng lãi suất điều hành. Tuy nhiên, điều này ngay sau đó đã tạo cơ sở cho các ngân hàng thương mại (NHTM) đua nhau tăng lãi suất một cách rất nhanh chóng.
Như vậy, để hóa giải phần nào áp lực lên tỷ giá thì trước đó NHNN đã can thiệp với các công cụ và chính sách đa dạng. Nhưng với những chính sách ấy – dựa vào dự trữ ngoại hối và dựa vào lãi suất – thì lại có những vấn đề nảy sinh từ những hướng khác. Không thể cứ bán mãi USD từ dự trữ ngoại hối được, vì còn phải đảm bảo cho khả năng thanh toán cho các hoạt động nhập khẩu. Và lãi suất cũng không thể quá cao trong giai đoạn hiện nay, sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phục hồi sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch Covid – 19.
Trong khi đó, so với mức độ mất giá của nhiều đồng tiền khác trong khu vực so với USD thì sự mất giá của VND là khiêm tốn hơn nhiều. Do đó, việc có những điều chỉnh về tỷ giá, biên độ tỷ giá của NHNN cơ bản là phù hợp tình hình hiện nay.
Về mặt tích cực, có mấy điểm có thể nhận thấy ngay được.
Thứ nhất là biên độ rộng hơn sẽ tạo điều kiện để tỷ giá điều chỉnh linh hoạt hơn, phản ánh sát tình hình cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Vì khi điều chỉnh biên độ giao ngay, thì việc đầu tiên là chênh lệch giá USD ở thị trường chính thống và thị trường chợ đen sẽ giảm. Và sự thật là tỷ giá bán USD của NHNN đã được nâng lên xấp xỉ bằng với mức tỷ giá giao dịch ngoài thị trường tự do. Như vậy, hoạt động đầu cơ USD được giảm đi. Các hoạt động mua bán USD từ ngân hàng để tuồn ra chợ đen để giao dịch lại sẽ được hạn chế.
Thứ hai, với việc chấp nhận một sự mất giá thêm của VNĐ, thì NHNN sẽ có thêm nhiều dư địa để thực hiện các giải pháp tiền tệ khác nữa nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt là có thể có thêm thời gian trì hoãn việc tăng lãi suất, khi đây dường như là công cụ cuối cùng còn có thể vời đến trong giai đoạn cuối năm nay và cả sang năm 2023.
Tất nhiên, việc tăng tỷ giá cũng tác động đến các doanh nghiệp trong nước bởi vì kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở rất cao. Nhìn chung, những doanh nghiệp nào có vay nợ ngoại tệ lớn, nhất là những khoản vay ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Áp lực nhập khẩu lạm phát cũng sẽ gia tăng và từ đó có thể lại tác động liên đới lên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Các doanh nghiệp có nguồn nguyên vật liệu đầu vào phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu trong khi đầu ra chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ chịu tác động bất lợi.
Mạnh Hải