Thấy gì từ quyết định không dự G20 của ông Tập Cận Bình?
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Thủ tướng Lý Cường sẽ thay ông Tập dẫn đầu phái đoàn nước này dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ.
Theo lời mời của chính phủ Ấn Độ, Thủ tướng Lý Cường sẽ dự hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 18 được tổ chức tại New Delhi ngày 9-10/9″, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói trong cuộc họp báo hôm nay.
Khi được hỏi rằng thông tin này có nghĩa là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không tới Ấn Độ dự hội nghị thượng đỉnh G20 hay không, bà Mao nói “tôi vừa đưa ra thông báo về việc này”.
Theo bà Mao, Thủ tướng Lý Cường sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc dự hội nghị thượng đỉnh, đồng thời nhấn mạnh G20 là diễn đàn quan trọng cho hợp tác kinh tế quốc tế.
“Trung Quốc luôn coi trọng và tích cực tham gia và các sự kiện liên quan”, phát ngôn viên nói. Khi dự hội nghị, Thủ tướng Lý Cường sẽ “truyền đạt suy nghĩ và quan điểm” của Trung Quốc về hợp tác G20, bà Mao cho hay.
“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với mọi bên để cùng thúc đẩy thành công hội nghị thượng đỉnh G20, cũng như đóng góp tích cực vào thúc đẩy phục hồi ổn định kinh tế toàn cầu và phát triển bền vững”, bà nói thêm.
Việc ông Tập Cận Bình không tham dự G20 nói 3 điều: Tầm nhìn của Trung Quốc về tương lai thế giới, Mối quan hệ với Nga, Ấn Độ nói riêng và với BRICS nói chung, tổ chức mà Trung Quốc đồng sáng lập.
Thứ nhất, việc ông Tập Cận Bình không dự G20 chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Nga Putin tuyên bố không tham dự G20 cho thấy thái độ của 2 cường quốc khởi xướng BRICS đối với Hội nghị G20. Trong mắt Nga và Trung Quốc, G20 hay thu hẹp hơn là G7 không còn là sân chơi duy nhất và do đó cũng không còn quá quan trọng với họ. Điều này không khó hiểu khi trước nay cả hai đều nhìn nhận G7, G20 là cuộc chơi của phương Tây mà mình ít được xem trọng. Tuyên bố không tham dự G20 của ông Tập Cận Bình có thể xem như lời “đánh tiếng” rằng cuộc chơi đã thay đổi.
Thứ hai, G20 được tổ chức ở Ấn Độ. Dù là một thành viên của BRICS, Ấn Độ lại có xung đột với Trung Quốc về vấn đề biên giới tại dãy Himalaya. Ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng thảo luận về biện pháp hạ nhiệt quan hệ hai nước. Từ chối tham dự chưa hẳn có nghĩa vấn đề không có hướng giải quyết, nhưng cũng có thể xem đây như một phép thử của Trung Quốc để dò xét phản ứng của Ấn Độ trong quan hệ hai nước. Dù sao, một tín hiệu, dù là nhượng bộ hay cứng rắn, chắc chắn cũng sẽ không được phát đi tại G20.
Thứ ba, động thái vừa giống như đồng thuận với đối tác thân thiết là Nga (ít nhất là hơn Ấn Độ), cũng như một sự đánh tiếng ngầm với Ấn Độ cho thấy Trung Quốc cũng có những tính toán của riêng mình về BRICS. Một xung đột nội khối có thể nhằm tranh giành ảnh hưởng, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Ấn Độ, dường như đang diễn ra. Ít nhất, bài học quá khứ của mối quan hệ với Liên Xô cũng giúp Trung Quốc nhận ra rằng, ít nhất là vào lúc này, chỉ nên “nắn gân” với Ấn Độ chứ không phải là Nga.
Đông Duy