Thấy gì từ loạt cổ phiếu “hot” bị đình chỉ giao dịch?
Trước thông tin một loạt cổ phiếu “hot” bị đình chỉ giao dịch, thị trường chứng khoán đã phản ứng tiêu cực trong ngắn hạn nhưng…
Từ các cổ phiếu họ FLC như GAB (Công ty CP Khai khoáng và quản lý tài sản FLC) cho đến những doanh nghiệp trong các ngành như HVG của Công ty CP Hùng Vương một thời từng được mệnh danh là “vua cá tra”; NDF của Công ty CP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định; KAC của Công ty CP Đầu tư địa ốc Khang An; HLG của Công ty CP Tập đoàn Hoàng Long; VAT của Công ty CP VT Vạn Xuân; CTA của Công ty CP Vinavico; SGO của Công ty CP Dầu thực vật Sài Gòn; …
Chưa dừng lại, cuối tuần này, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) còn chỉ tên điểm mặt một loạt những doanh nghiệp chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư, đáng chú ý là trong đó có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản như Novaland, Hải Phát, Danh Khôi, Đất xanh miền Nam, Nam Land, Sunny World, Gotec Land, Quốc tế Sơn Hà, …
Thế nhưng đây là lại tín hiệu tích cực, bởi có thể thấy, sau nhiều nỗ lực như hoàn thiện các cơ chế, ban hành chỉ thị,… thì giờ đây các cơ quan chức năng đang lọc ra những doanh nghiệp vi phạm trên thị trường chứng khoán một cách hiệu quả và nhanh chóng hơn. Điều này cho thấy làn sóng thanh lọc đang dâng cao và các cơ quan chức năng đang có những động thái quyết liệt để minh bạch hóa, lành mạnh hóa thị trường chứng khoán. Mặc dù với thị trường chứng khoán, những thông tin trên chẳng mấy tích cực trong ngắn hạn. Thế nhưng, đây chính là cơ sở về dài hạn để các nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Một tín hiệu tốt để thị trường vốn phát triển bền vững.
Sẽ không chỉ có cổ phiếu
Bộ Tài Chính cũng đã có giải pháp để vực dậy thị trường vốn quan trọng này. Theo đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản có nguồn lực hạn chế nhưng vẫn được cấp phép triển khai nhiều dự án quy mô vượt nhiều lần so với năng lực tài chính, trong khi phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay, phát hành trái phiếu hoặc huy động của người mua nhà.
“Tình trạng này dẫn đến rủi ro về hoạt động kinh doanh cũng như rủi ro về dòng tiền, tiềm ẩn rủi ro mất thanh khoản trên thị trường tài chính, tín dụng ngân hàng cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, Bộ trưởng khẳng định.
Thê nên, để doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm tham gia thị trường vốn, thì theo đề xuất của Bộ trưởng, Bộ Tài Chính cần xây dựng các chỉ tiêu an toàn tài chính, qua đó ngăn các doanh nghiệp địa ốc ôm “núi nợ” để phát triển dự án.
Mặc dù chỉ mới đề xuất, song, có thể thấy đây là ý kiến sáng giá để thị trường trái phiếu có thể lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, mong rằng sau khi Bộ xây dựng xong các tiêu chí để đánh giá sức khỏe doanh nghiệp, thì sẽ thông tin làm rõ các tiêu chí này đến với các nhà đầu tư để cùng đánh giá. Để các nhà đầu tư có một công cụ đánh giá sức khỏe doanh nghiệp trước khi thực hiện việc mua bán. Chỉ như vậy thì thị trường trái phiếu mới lấy lại được niềm tin từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Huy Hoàng