Thấy gì qua việc Apple mang dây chuyền sản xuất iPad và MacBook tới Việt Nam?
Dưới áp lực của chi phí nhân công cũng như các rủi ro khác xoay quanh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, cuối cùng Apple đã yêu cầu đối tác Foxconn chuyển một phần dây chuyền sản xuất iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Dự kiến, dây chuyền sản xuất iPad, MacBook ở Bắc Giang sẽ đi vào hoạt động vào nửa đầu năm sau và tai nghe không dây AirPods thế hệ thứ 3 cũng sẽ được sản xuất tại Việt Nam. Để hỗ trợ dây chuyền mới này tại Việt Nam, Foxconn thông báo khoản đầu tư lên tới 270 triệu USD để mở công ty con tên là FuKang Technology Co Ltd.
Có khá nhiều nguyên nhân sâu xa dẫn tới động thái lần này, nhưng nó diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khuyến khích các công ty Mỹ di chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, ngoài ra dưới thời của ông Trump, Mỹ cũng đã có sự phân biệt và áp mức thuế cao đối với các thiết bị công nghệ “made in China” cũng như hạn chế chuyển giao các linh kiện hoặc công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen thương mại. Ngoài ra, các dây chuyền sản xuất của Foxconn và các đối tác khác của Apple tại Trung Quốc lâu nay bị vướng vào nhiều chỉ trích về chế độ đãi ngộ, lạm dụng lao động và môi trường sinh hoạt, đây là lúc họ cần làm mới hình ảnh của mình trong mắt đối tác và truyền thông cũng như với giới đầu tư.
Do vậy, hành động này của Apple và đối tác của họ được cho là mang lại nhiều lợi ích, vừa giảm áp lực thuế nhập khẩu, giảm chi phí nhân công vốn đang tăng cao ở Trung Quốc, giảm thiểu rủi ro xoay quanh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Ngoài ra, đây còn là nước đi làm hài lòng giới cầm quyền Mỹ và tạm thời loại bỏ bớt các chỉ trích về môi trường lao động “u ám” trong thời gian qua.
Ngay từ trước đó, các nhà sản xuất Đài Loan đã cảnh giác với cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng của hai quốc gia Trung – Mỹ, họ đã chủ động khảo sát và xem xét chuyển một phần dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nước có môi trường ổn định hơn như Việt Nam, Mexico và Ấn Độ. Theo nguồn tin của Reuters, đây cũng là một yêu cầu của Apple nhằm đa dạng hóa sản xuất để giảm thiểu rủi ro.
Nhiều lợi ích và cũng không ít thách thức
Ngoài việc nhận được các lợi ích trực tiếp về mặt kinh tế và thuế doanh nghiệp thì Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì sau động thái này? Thực ra sự kiện lần này đã được dự báo từ trước sau khi rục rịch các thông tin về việc Apple khảo sát các sở sản xuất tại Bắc Giang vào hồi đầu năm, các báo chí và cơ quan truyền thông cũng từng bị “việt vị” vài lần nhưng cuối cùng thì nó đã được xác nhận. Văn phòng Chính phủ cũng vừa phát đi thông báo về việc Apple chuyển một phần dây chuyền sang Việt Nam, một động thái được dự báo sẽ tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến hệ sinh thái gia công phần cứng, chuỗi cung ứng cũng như môi trường đầu tư ở Việt Nam trong thời gian tới.
Ngay trước khi Apple vào Việt Nam mở xưởng sản xuất, chúng ta cũng từng đón nhận những làn sóng đầu tư dây chuyền công nghệ của hàng loạt tên tuổi lớn như Nikon, Canon, Microsoft/Nokia, Intel, LG… và đặc biệt là Samsung – đối thủ chính của Apple. Thậm chí, Apple cũng từng chuyển giao một phần dây chuyền sản xuất linh kiện của họ tại Việt Nam nhưng chỉ dừng lại ở những thành phần ít quan trọng như tai nghe có dây cho iPhone hay cáp sạc. Do vậy, việc Apple nghiêm túc đưa dây chuyền sản xuất những thiết bị quan trọng như iPad và MacBook cho thấy họ đã thấy được sự chín muồi của hệ sinh thái sản xuất và môi trường đầu tư tại đây.
Đã từ lâu, chúng ta mới lại tiếp tục đứng trước một cơ hội lớn để mở rộng đầu tư như vậy, khi mà các nhà máy Samsung, LG hay Intel đã phủ kín hết nhân lực và cơ hội việc làm thì giờ đây những lao động trẻ sẽ có thêm cơ hội và lựa chọn với các nhà máy mới của Foxconn để tham gia sản xuất các sản phẩm “đinh” cho Apple. Từ góc độ người tiêu dùng, sắp tới chúng ta sẽ có cơ hội sở hữu những sản phẩm iPad và MacBook sản xuất tại Việt Nam, bên cạnh các phụ kiện được sản xuất trong nước trước đó như tai nghe hay cáp sạc iPhone.
Đổi lại, để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của Apple, Việt Nam cũng phải cho thấy ngoài ưu đãi về đầu tư thì chúng ta có nguồn nhân lực trẻ có khả năng học hỏi và thích nghi nhanh, lao động chăm chỉ và chịu được áp lực công việc. Đó cũng là một bước trưởng thành tiếp theo của thị trường lao động và là phép đo khả năng cung ứng nguồn lực của các trường đào tạo ở Việt Nam, từ đội ngũ lao động nghề phổ thông cho tới các kỹ sư chất lượng cao. Nên việc Apple vào Việt Nam sẽ kéo theo nhiều thách thức và cơ hội cho cả chuỗi cung ứng trong nước, từ các công ty linh kiện cho tới chuỗi cung ứng nhân lực và đào tạo.
Sâu xa hơn, có thể coi động thái lần này cũng là một phép thử đối với Việt Nam, bởi nếu thành công có thể Apple sẽ tiếp tục dời dây chuyền sản xuất iPhone – một mặt hàng “nóng” hơn vào Việt Nam, một dây chuyền mà nhiều quốc gia muốn mời gọi Apple đem đến. Họ sẽ không cho không chúng ta điều gì cả, nhưng nếu Việt Nam là đất lành ắt hẳn Apple sẽ muốn “đến và sinh sôi nảy nở”. Về phần mình, nếu chúng ta thành công trong việc “tiếp đón” Apple, thì sẽ có nhiều cơ hội để đón thêm các nhà đầu tư lớn khác, bên cạnh hàng loạt đối tác lớn trong chuỗi cung ứng của Apple như Foxconn, Pegatron hay Compal Electronics tiếp tục nhảy vào hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Nếu vuột mất cơ hội này, chúng ta sẽ mất nhiều thứ hơn là Apple.
Hữu Thắng/ TNO