+
Aa
-
like
comment

Thấy gì qua văn hóa đi đường và xử phạt vi phạm giao thông trên khắp thế giới

Bảo Trâm - 21/02/2022 14:37

Mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ để có những bộ luật riêng nhằm thực thi pháp luật, bảo đảm trật tự cũng như sự an toàn của toàn dân. Trong đó, bộ luật về GTVT được xem là vô cùng quan trọng tại bất kỳ quốc gia nào. 

Theo đó, mỗi quốc gia có những phương pháp quản lý và xử phạt khác nhau nhưng đều chung một mục tiêu là nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân.

Ứng dụng công nghệ, minh bạch trong xử lý vi phạm giao thông 

Theo CNN, hầu hết các quốc gia Mỹ, Châu Âu đều đã áp dụng xử phạt thông qua các ứng dụng, camera trên đường phố. Đơn cử tại Pháp, việc xử lý vi phạm giao thông được hỗ trợ tối đa bởi công nghệ và được phân chia rõ ràng giữa chức năng xử phạt vi phạm với chức năng thu tiền phạt. Đây là điểm mấu chốt giúp cho hoạt động giao thông được kiểm soát an toàn và buộc người tham gia giao thông tuân thủ luật pháp mọi lúc, mọi nơi.

Theo đó, lực lượng cảnh sát không có thẩm quyền thu nhận tiền phạt đối với tất cả trường hợp vi phạm luật giao thông (kể cả giao thông tĩnh). Việc thu tiền phạt được giao cho một cơ quan chuyên trách (trung tâm tài chính công hoặc kho bạc) có vị trí pháp lý độc lập với cơ quan cảnh sát. Vì vậy, Chính phủ về cơ bản đảm bảo tiền phạt vi phạm giao thông luôn được thu về ngân sách.

Còn tại Hàn Quốc, nếu để ý kỹ khi tham gia giao thông, tài xế sẽ hiếm khi nhìn thấy sự có mặt của lực lượng CSGT nhưng các phương tiện đều di chuyển một cách tự giác, đúng trật tự. Bởi lẽ ở Hàn Quốc, hệ thống camera được bố trí dày đặc có thể giám sát mọi tình huống giao thông. Các camera hoạt động với Internet tốc độ cao, sẵn sàng ghi lại mọi tình huống vi phạm giao thông để xử lí “phạt nguội”. Khi có vi phạm, hệ thống sẽ ghi lại thông tin về chiếc xe. Từ những thông tin sơ bộ, ngay lập tức có thể tra ra thông tin về chủ sở hữu chiếc xe, sau đó gửi thông báo nộp phạt tới nhà của chủ xe.

Không ngoại lệ, Nhật Bản cũng sử dụng Hệ thống Giao thông Thông minh (lntelligent Transport System – ITS) ứng dụng công nghệ cao điện tử, tin học và viễn thông để điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải.

Theo đó, các thông tin về giao thông được cung cấp qua Hệ thống thông tin liên lạc 1 phương tiện giao thông (VICS). Đây là một 1 hệ thống dữ liệu số nhằm cung cấp cho các lái xe thông tin cập nhật về giao thông đường bộ. Sử dụng hệ thống này, thông tin chi tiết về đường bộ cần thiết cho lái xe được truyền đi từ cột tín hiệu đặt trên đường tới hệ thống thiết bị định vị đặt trên xe, theo Japan Today.

Sắp tới đây, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào xử phạt vi phạm trong dự luật GTVT mới của Việt Nam, cũng là một trong những điểm nhấn vô cùng quan trọng. Với giải pháp này, mức độ công khai minh bạch rất cao, rất khách quan và sẽ tiệm cận với kinh nghiệm, phù hợp với xu thế chung của nhiều nước trên thế giới.

Răn đe, phạt nặng để góp phần thay đổi ý thức

Phần lớn các nước đều coi việc điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia quá mức cho phép là một loại tội phạm với những chế tài xử phạt nặng để ngăn chặn. Tại nhiều nước, người đã uống rượu bia lái xe còn bị tước bằng lái vĩnh viễn hoặc thậm chí ngồi tù.

Quy định xử phạt lái xe sau khi uống rượu bia ở Đức rất nghiêm khắc. Người vi phạm không những bị phạt nặng về tiền mà còn bị thu bằng, ít thì 1 tháng, nhiều thì 5 năm, thậm chí suốt đời trong trường hợp số điểm lỗi đạt tới ngưỡng 8 điểm. Nhưng kể từ năm nay, Đức quy định nếu lái xe có nồng độ cồn vượt quá mức 0,5 phần nghìn sẽ bị phạt tiền 500 Euro, bị 2 điểm lỗi và cấm lái xe 1 tháng; vi phạm lần hai và lần ba sẽ bị phạt từ 1.000 – 1500 Euro, 2 điểm lỗi và cấm lái xe 3 tháng. Các trường hợp có biểu hiện gây nguy hiểm khi lái xe, dù nồng độ chỉ từ mức 0,3 phần nghìn, cũng sẽ bị phạt tiền, thu bằng lái, bị 3 điểm lỗi và chịu các hình phạt khác tùy theo mức độ vi phạm.

 

Chính phủ Singapore đã trình dự luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nhằm tăng khung hình phạt đối với các trường hợp uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông, trong đó đặc biệt là đề xuất cấm lái xe trọn đời và tăng gấp đôi thời gian ngồi tù đối với các trường hợp lái xe tái phạm do uống rượu bia. Hiện tại, những người bị kết án có thể phải ngồi tù tới 6 tháng hoặc bị phạt từ 1.000 đến 5.000 SGD, tương đương khoảng từ 17,2 triệu – 86 triệu đồng, cho lần vi phạm đầu tiên.

Luật Giao thông đường bộ sửa đổi của Hàn Quốc, có hiệu lực từ giữa năm ngoái, đã siết chặt tiêu chuẩn giám sát hành vi uống rượu lái xe, theo đó nếu nồng độ cồn trong máu của tài xế trên 0,03% thì sẽ bị treo bằng lái, thay vì 0,05% như trước. Tiêu chí hủy bằng lái là nồng độ cồn trên 0,08%, thay vì 0,1%. Viện Kiểm sát Hàn Quốc cũng siết chặt tiêu chuẩn kết án trong các vụ tai nạn do tài xế uống rượu lái xe gây ra, nâng mức án phạt cao nhất lên thành tù chung thân. Nếu tài xế có nồng độ cồn trong máu trên 0,08% rồi lái xe đâm chết người, hoặc gây thương tích nặng thì Viện Kiểm sát sẽ tiến hành điều tra bắt giam. Đặc biệt, Viện Kiểm sát Hàn Quốc sẽ đệ trình tòa án nước này ban hành lệnh bắt giam đối với tất cả các trường hợp uống rượu lái xe đâm chết người rồi bỏ trốn. Ngoài ra, Viện Kiểm sát cũng tăng mức xử phạt các tài xế bị phát hiện uống rượu lái xe trên hai lần trong 10 năm.

Không chỉ những hành vi vi phạm giao thông do sử dụng rượu bia mới bị xử phạt, ngay cả việc chạy quá tốc độ cũng khiến các tài xế dễ dàng nhận một vé phạt từ cảnh sát.

Theo Guardian, tại A rập Xêút, Chính phủ đã ban hành các hình phạt mới cứng rắn đối với các vi phạm giao thông bao gồm phạt tiền và phạt hình sự nếu gây nên tai nạn giao thông.

Người điều khiển xe ô tô sẽ bị thu phí tối đa 300 Riyal, (tức khoảng gần 80 USD) nếu không sử dụng đèn báo khi chuyển làn, lùi quá 20 m trên đường chính, lái xe không có giấy phép, bóp còi xe quá mức, xe không đăng kiểm đúng định kỳ, không thắt dây an toàn, không chừa khoảng cách vừa đủ giữa các phương tiện và gây ách tắc giao thông tại hiện trường vụ tai nạn.

Còn theo luật mới của Ireland được áp dụng từ khoảng một năm nay, các tài xế ở nước này sẽ phải giữ khoảng cách tối thiểu là 1 mét khi muốn vượt những người đi xe đạp trên đường với tốc độ dưới 5 km/giờ và giữ khoảng cách 1,5 m khi đi với tốc độ hơn 50 km/giờ. Những tài xế vượt ẩu, gây nguy hiểm cho người đi xe đạp sẽ bị coi là phạm luật. Theo Bộ Giao thông Vận tải, các tài xế nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính 120 Euro và nhận 3 điểm phạt. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ Ireland nhằm giảm số vụ tai nạn giao thông gây chết người do ô tô đâm vào người đi xe đạp và chủ yếu nhằm vào những lái xe có hành vi vượt ẩu, trang Guardian cho biết.

Bên cạnh hệ thống máy móc tự động, hoạt động giao thông ở Châu Âu cũng được tăng cường kiểm soát bởi hệ thống cảnh sát xa lộ và các đơn vị cảnh sát giao thông khác. Các lực lượng này có thể mở chiến dịch tuần tra, kiểm tra đột xuất đối với các phương tiện giao thông tùy yêu cầu nhiệm vụ. Các tổ công tác giao thông có thể đặt chốt chặn tại bất cứ thời điểm nào, địa điểm nào, kể cả chỗ khuất tầm mắt để thực hiện nhiệm vụ và người tham gia giao thông không có quyền khiếu nại, khiếu kiện vấn đề này. Trách nhiệm của người tham gia giao thông là tuyệt đối tuân thủ pháp luật bất kể cảnh sát triển khai nhiệm vụ tại địa điểm nào.

Tuy thể chế và tư duy xây dựng pháp luật của mỗi quốc gia đều có những đặc thù riêng, nhưng đối với chế định pháp lý bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ một số quốc gia đều có những điểm tương đồng với mục đích chung là bảo vệ an toàn của người tham gia giao thông.

Sắp tới, Luật GTVT mới của Việt Nam sắp được ban hành cũng sẽ có những điểm mới, phạm vi điều chỉnh bao quát nhiều vấn đề, nhưng nhìn chung các nội dung mới mang tính chắt lọc tinh hoa, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, nhưng vẫn bảo đảm áp dụng phù hợp với hệ thống Luật pháp Việt Nam.

Bảo Trâm (Theo Guardian, Korea Times, Japan Today, CNN, Euro News…)

Bài mới
Đọc nhiều