+
Aa
-
like
comment

Thấy gì qua phân tích của PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn đối với vụ tấn công ở Đắk Lắk

Phạm Khoa - 08/07/2023 14:31

Cuộc phỏng vấn với PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn – Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, ĐHQG Hà Nội xoay quanh vụ tấn công trụ Đắk Lắk đã cho thấy nhiều nhận định quan trọng, cần được quan tâm.

Một đối tượng bị bắt sau khi tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur (H.Cư Kuin, Đắk Lắk)

Một tháng đã trôi qua từ sau vụ tấn công ở Cư Kuin, các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi khủng bố, tiếp tay cho hành vi khủng bố đã bị bắt và một số ít đang bị truy nã. Tuy vậy, dư âm của vụ việc vẫn đang được truyền thông hải ngoại có xu hướng chống phá chính quyền ra rả với tần suất cao.

Từ trước đến nay, Tây Nguyên luôn là địa bàn an ninh chiến lược của Việt Nam, nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Người dân khu vực này đa phần là người đồng bào dân tộc, với 47/54 dân tộc cùng sinh sống, phổ biến nhất là người Ê Đê, Bana, Gia Rai, Xơ Đăng, M’nong, Cơ Ho, Mạ, Kinh… Sự đa dạng các dân tộc này chính là cái cớ béo bở cho nhiều thế lực phản động tuyên truyền luận điệu gây chia rẽ, hằn thù.

Ngoài yếu tố dân tộc, tôn giáo cũng là một vấn đề được các thế lực thù địch triệt để khai thác. Trước đây, tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc ở Tây Nguyên là tín ngưỡng đa thần, tiêu biểu là các loại hình tín ngưỡng thờ thần (Yang), tín ngưỡng liên quan đến sản xuất, tín ngưỡng vòng đời người.., nhưng hiện nay, đạo Tin Lành đang là tôn giáo có tỷ lệ tín đồ là đồng bào dân tộc cao nhất trong các tôn giáo ở Tây Nguyên.

Núp bóng tôn giáo này, hàng loạt các tổ chức tôn giáo tự xưng được các thế lực phản động lưu vong tài trợ tài chính, lồng ghép tư tưởng chống phá chính quyền đã xuất hiện, lôi kéo người dân tham gia.

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn đã phản biện lại cái gọi là; ‘hành động phản kháng của người Tây Nguyên theo Tin lành bị áp bức về đức tin”. Theo ông, Việt Nam có Luật Tôn giáo Tín ngưỡng, với hàng loạt các quy định minh bạch,rõ ràng cho thấy mọi công dân trong cộng đồng 54 dân tộc cư trú trên lãnh thổ Việt Nam đều được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng.

Chỉ có các tà đạo mượn danh đạo Tin lành, đi ngược lại truyền thống văn hoá tốt đẹp của người dân Tây Nguyên mới bị tẩy chay, chứ đạo Tin lành luôn được luật pháp công nhận và bảo hộ. Vì thế, sẽ không có câu chuyện chính quyền đàn áp đạo Tin lành hay giáo dân đạo Tin lành. Thực tế là việc hành đạo và hoạt động của giáo hội đã diễn ra rất tốt trong thời gian qua. Ngay sau vụ tấn công, hàng loạt các mục sư Tin lành trên địa bàn Cư Kuin và Đắk Lắk đã lên tiếng ủng hộ cơ quan an ninh truy bắt các đối tượng khủng bố, lên án hành vi tội ác trên.

Theo nhận định của PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, việc xuất hiện nhiều nhóm phản động theo kiểu “Fulro” hay ‘Người Thượng vì công lý’ gần đây là tàn dư của tư tưởng “chia để trị” của các chính quyền tay sai cũ. Có điều lần này, các thế lực phản động dùng các tổ chức này cho mục đích “gây chia rẽ để chống phá chính quyền”.

Theo đó, không thể xem thường sự nguy hiểm của các tổ chức phản động kiểu này. Vì chúng không còn chống phá bằng miệng, hay các thông tin xuyên tạc, mà đã chuyển sang hình thức khủng bố, xâm hại đến tính mạng của người dân, cũng như tài sản của người dân và Nhà nước.

Vụ việc tấn công ở  Đắk Lắk sẽ sớm được đưa ra xét xử, nhưng rất nhiều bài học quý báu được đánh đổi bằng xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Đắk Lắk phải được thấm nhuần từ bây giờ.

Trong đó, bài học về lấy dân làm gốc, và nâng cao dân trí cho người dân vẫn sẽ là những bài học quan trọng nhất, mãi mãi không được phép quên. Tây Nguyên có ổn định và phát triển hay không phụ thuộc rất lớn vào việc áp dụng những bài học này vào thực tiễn.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều