+
Aa
-
like
comment

Vì sao RFA đòi Việt Nam phải can thiệp vào chính sự ở Myanmar?

Đặng Trường - 08/03/2021 17:15

Trước những biến động dữ dội do cuộc đảo chính quân sự gây ra ở Myanmar, ASEAN đã có cuộc họp không chính thức giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhằm tạo cơ hội tốt để lắng nghe từ phía Myanmar và thảo luận về cách ASEAN xây dựng, đưa ra giải pháp hòa bình cho tình hình Myanmar. Tại đây, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tránh mọi hành động bạo lực, bảo đảm an toàn cho người dân, tổ chức đối thoại hòa bình nhằm sớm đưa tình hình trở lại bình thường. Ngay sau đó, trang RFA Tiếng việt đã đăng tải bài viết “ASEAN họp về Myanmar: Việt Nam im ắng” cho rằng: “Việt Nam không dám hoà đồng cùng tiếng nói với xu thế dân chủ và tiến bộ của các nước thành viên, không thể hiện rõ lập trường ủng hộ người dân Myanmar biểu tình hay chỉ ra kẻ nào gây ra bạo lực và giải pháp giảm căng thẳng của Myanmar”; “Việt Nam không gắn kết và chủ động thích ứng”,…

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức (IAMM) theo hình thức trực tuyến lắng nghe Myanmar.

Myanmar, những ngày qua, súng đã nổ, có hàng chục người biểu tình thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Dân chủ và nhân quyền ở Myanmar có lẽ giờ đây chỉ là những dòng chữ được viết trên giấy hoặc là niềm mong ước xa vời của người dân Myanmar. Nhưng cho dù các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) bị chính quyền quân đội bắt giữ, cho dù quân đội ngăn chặn dòng người tiến vào thủ đô trấn áp người dân Myanmar biểu tình, thậm chí cho dù chúng ta biết được lý do quân đội cướp chính quyền vì nghi ngờ gian lận bầu cử thì nói thẳng ra chúng ta cũng không được phép can thiệp. Đơn giản là vì từ đầu tới cuối, đây là vấn đề nội bộ của đất nước và người dân Myanmar, là cuộc đảo chính của các thế lực, phe phái Myanmar, là cuộc xung đột của những người dân Myanmar thì chỉ có duy nhất người Myanmar mới có thể giải quyết triệt để vấn đề của họ.

ASEAN nói chung hay Việt Nam nói riêng hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng không thể tháo gỡ nút thắt thay cho người dân Myanmar. Điều mà tất cả chúng ta mong mỏi, đó là Myanmar sẽ giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình, sớm chấm dứt hành vi bạo lực, bạo động để người dân Myanmar trở lại cuộc sống bình thường, mọi hoạt động ngoại giao của Myanmar sẽ diễn ra xuyên suốt, đóng góp thiết thực vào hòa bình chung của các nước trong khu vực và trên thế giới giống như lời Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã nhận định: “Tình hình bạo lực và căng thẳng gia tăng gây tổn thất sinh mạng người dân trong những ngày gần đây tại Myanmar đã ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định không chỉ của Myanmar mà cả khu vực”. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, các bên cần kiềm chế tối đa, tránh mọi hành động bạo lực, bảo đảm an toàn cho người dân thay vì để xảy ra cảnh tang tóc như hiện nay. Các bên cần tổ chức đối thoại hòa bình nhằm sớm đưa tình hình trở lại bình thường. Còn vấn đề một số nước đã và đang vô tình hoặc cố ý tác động vào vụ biểu tình, bạo loạn ở Myanmar chính là đổ thêm dầu vào lửa, làm nội bộ Myanmar chia rẽ ngày càng sâu sắc hơn, tình hình chỉ có tội tệ đi chứ không thể tốt hơn.

Biểu tình, bạo loạn ở Myanmar đang căng thẳng, đã có hàng trăm người thiệt mạng và bị thương.

PGS. TSKH Trần Khánh, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam nhấn mạnh: “Những xung đột ở Myanmar hiện nay không chỉ là cuộc chiến giữa chính quyền quân sự và người biểu tình ủng hộ chính quyền dân sự, mà còn là sự đối kháng giữa một bên là bảo vệ lợi ích mang tính truyền thống quân đội, một bên là quá trình dân trí và ý thức người dân về dân chủ đã tăng lên”. Vì vậy, càng không có lý do để Việt Nam can thiệp vào vụ việc ở Myanmar. Nếu ngày hôm nay, Việt Nam lên tiếng ủng hộ một trong hai bên, Việt Nam can thiệp vào chính sự ở Myanmar thì ai dám đảm bảo trong tương lai, các nước khác không được can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam? Liệu chúng ta có đủ tiếng nói hay hành động để ngăn chặn hay không nếu đã từng nhúng mũi vào chuyện của nước khác?

Trong rất nhiều câu chuyện cổ dân gian được Đức Phật thuyết giảng thì có chuyện như sau: Có một con chim thấy hai con dê đang húc nhau nên muốn can gián. Nó bay đến và can giữa vào hai con vật đang xô xát lẫn nhau và cuối cùng chính nó bị húc tan xác. Mặc dù câu chuyện dân gian nói về một con vật ngu dại bị thiệt mạng chỉ vì muốn can thiệp vào việc của người khác nhưng nó hoàn toàn có giá trị cảnh tỉnh với mỗi chúng ta và mỗi quốc gia rằng đừng dại can thiệp vào chuyện đối đầu, xung đột của người khác. Nó không chỉ làm phức tạp thêm mâu thuẫn của họ mà đôi khi còn khiến chính mình bị thương.

RFA Tiếng Việt đưa ra bài viết với đầy rẫy luận điệu xuyên tạc và kích động Việt Nam phải thể hiện rõ lập trường ủng hộ người dân Myanmar biểu tình, đồng thời cố tình gieo rắc hình ảnh biểu tình trong suy nghĩ người dân Việt Nam. Nhưng thật đáng trách khi những kẻ đứng sau trang RFA Tiếng Việt không quan tâm đến cái hậu của việc người dân xuống đường biểu tình. Những người chịu thiệt hại sau cùng cũng chỉ có người dân mà thôi. Chẳng lẽ, RFA không nhìn thấy bài học của Syria, Libya, Ucraina, thậm chí là của Myanmar hiện nay? Sau các cuộc cách mạng màu và những lần xuống đường biểu tình thì không chỉ máu của người dân đổ xuống mà các nước đều rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, đời sống người dân bị ảnh hưởng.

Bài đăng xuyên tạc của RFA Tiếng Việt.

Hơn ai hết, nhân dân Việt Nam đã quá hiểu rõ cái giá của “cách mạng màu” hay còn gọi là “cách mạng dân chủ”. Hoà bình, ổn định mới là mong mỏi, là cơ hội để phát triển, chứ không phải là chiếc bánh vẽ mang tên “dân chủ và nhân quyền” để cho RFA mang ra lợi dụng, đặt điều, hạ uy tín của chính quyền, tạo sự hoài nghi trong lòng dân, làm rạn nứt khối đại đoàn kết dân tộc. Suy cho cùng, không thể tin được bất kỳ thông tin hay hay lời nào từ RFA Tiếng Việt bởi mọi luận điệu họ đưa ra, cuối cùng chỉ mang đến tổn hại cho đất nước và dân tộc Việt Nam mà thôi.

Đặng Trường

Bài mới
Đọc nhiều