Thấy gì khi người Đài Loan buôn 6 triệu USD ma túy ở Việt Nam?
Một đường dây vận chuyển trái phép chất ma tuý 6 triệu USD từ Campuchia về Việt Nam để xuất đi Đài Loan qua đường biển với quy mô rất lớn, do các đối tượng người Đài Loan cầm đầu, vừa bị các lực lượng chức năng Việt Nam triệt phá. Từ đầu năm 2019 đến nay, Bộ Công an triệt phá và chặn đứng rất nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia do người có quốc tịch nước ngoài cầm đầu. Điều đáng nói ở đây là, vụ việc nào được khui, cất lưới cũng thu một số lượng lớn ma túy – con số trăm ký và số tiền hàng triệu USD.
Vừa mới đây, khi khám xét tại kho chứa hàng, xưởng sản xuất băng keo của đối tượng Yang Po Hung (A Hùng) và Yang Kai Chen (A Chen, cùng người Đài Loan) ở số A5/147E đường Láng Le Bàu Cò, ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh (TP.HCM), công an đã thu giữ 446 bánh heroin. Các đối tượng cất giấu, ngụy trang số ma tuý trên trong 6 bao tải, một số được để lẫn trong nhiều bao tải chứa hạt nhựa, để qua mặt cơ quan chức năng khi xuất khẩu đi nước ngoài.
Tội phạm ma túy “núp” trên lãnh thổ Việt Nam, lấy địa bàn Việt Nam để vận chuyển, trung chuyển ma túy ra thế giới đã trở thành thách thức với lực lượng chức năng. Tội phạm ma túy xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, thì bao giờ đường dây vận chuyển ma túy cũng chằng chịt, “chân rết” có mặt khắp nơi, thủ đoạn, hành động xảo quyệt. Để đấu tranh với tội phạm này, lực lượng công an Việt Nam vừa tăng cường công tác trinh sát triệt phá các đường dây sản xuất, buôn bán ma túy trong nước, vừa đẩy mạnh hợp tác với các các cơ quan chức năng trong nước và các nước khu vực cùng chung tay đẩy lùi.
Vào tháng 9-2019, công an đột kích kho sản xuất ma túy ở Kon Tum, bắt 7 người Trung Quốc cầm đầu, thu giữ ở đây hàng trăm lít dung dịch, khoảng 13 tấn hóa chất, tiền chất và khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị sản xuất trái phép tiền chất ma túy. Người Trung Quốc chọn vỏ bọc bằng cách thuê cơ sở của người Việt để làm “tổ” sản xuất, hòng qua mặt cơ quan chức năng. Đó là thách thức, cũng là nỗi lo rất lớn. Khi người Việt cho người nước ngoài thuê đất, thuê xưởng, nhưng không biết họ vào xưởng của mình, đất của mình để làm gì? Đến khi xảy ra việc thì không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến an ninh, xã hội và cuộc sống của biết bao gia đình.
Tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài hoạt động liều lĩnh, thủ đoạn tinh vi, manh động, đặt ra rất nhiều thách thức cho lực lượng chức năng Việt Nam. Có những vụ việc cất lưới trên đất liền, có những vụ việc Bộ Công an phối hợp cùng Tổng cục Hải quan cất lưới gần cửa khẩu, biên giới. Còn nhớ, một vụ việc khác, vào tháng 3-2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ trong và ngoài lực lượng Công an đã bắt, chặn đứng 11 đối tượng trong đó có 8 người Trung Quốc vận chuyển 300 kg ma túy từ TPHCM đi nước ngoài qua đường biển.
Điều đáng chú ý, 300kg ma túy mà đối tượng Huang Zai Wen (52 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) lưu trữ tại Công ty Hashan trong khu dân cư phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TPHCM) được ngụy trang rất tinh vi. Đối tượng Wen ngụy trang, xếp vào container hạt nhựa để xuất sang Đài Loan (Trung Quốc). Số ma túy trên được vận chuyển từ Lào qua khu vực cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), tập trung tại các kho ở đây rồi vận chuyển vào TPHCM.
Một điểm chung mà những vụ việc liên quan đến vụ việc ma túy nêu trên, thì yếu tố ma túy được vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam nổi cộm. Việt Nam trở thành nơi “trung chuyển” ma túy đi nước thứ ba. Và để đấu tranh với những tội phạm tinh xảo này, Bộ Công an Việt Nam đã chủ động tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, hợp tác với các nước có chung đường biên giới như Trung Quốc, Lào, Campuchia trong phòng ngừa, ngăn chặn ma túy ở cấp độ Trung ương và địa phương được các nhà lãnh đạo Việt Nam đã và đang đẩy mạnh, xúc tiến.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nhất trí nhận định tình hình sản xuất, vận chuyển, tàng trữ và mua bán ma túy bất hợp pháp trên thế giới tiếp tục gây nhiều quan ngại, ảnh hưởng tới trật tự, an toàn xã hội của cả ba nước cũng như các nước khác trong khu vực; khẳng định hoạt động sản xuất, vận chuyển, mua bán và sử dụng ma túy bất hợp pháp không chỉ làm suy yếu nền tảng xã hội của đất nước, gây tổn thất to tớn về kinh tế, sức khỏe mà còn là nguyên nhân làm nảy sinh các loại tội phạm khác, đe đọa tới sự ổn định của quốc gia, đòi hỏi các nước, đặc biệt các nước có chung đường biên giới, phải chia sẻ trách nhiệm chung, có các giải pháp kiên quyết ở cấp quốc gia và khu vực nhằm tăng cường hợp tác, hạn chế tối đa tội phạm sản xuất, mua bán, sử dụng ma túy bất hợp pháp ở mỗi nước.
Được biết, hiện nay, lực lượng an ninh của ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia đã và đang tập trung phối hợp đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới; đồng thời thường xuyên thực hiện các cuộc trao đổi, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống ma túy. Với kỳ vọng, sự gắn kết giữa ba nước sẽ là yếu tố quan trọng, đảm bảo sự thành công trong công tác phòng chống mà mỗi nước đã đặt ra.
Với sự chung tay hợp tác, siết chặt, và quyết liệt trấn áp tội phạm ma túy “núp” trên lãnh thổ Việt Nam của Bộ Công an, chắc chắn, thời gian tới, tội phạm ma túy sẽ bị truy quét nhiều hơn.
Tường Vi