+
Aa
-
like
comment

Thấy gì khi Mỹ mời Việt Nam tham gia Mạng lưới kinh tế thịnh vượng?

Tường Vi - 13/05/2020 14:22

Để dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, Mỹ đang lên kế hoạch thành lập “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” bằng cuộc đối thoại nhóm “Bộ tứ kim cương” (Nhóm QUAD), gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và mời thêm 3 quốc gia khác là Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand.

Sau khi điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Trump đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng cho sự phát triển kinh tế hai nước

Để khẳng định cho nguồn tin này, Reuters dẫn lời phát biểu của ông Mike Pompeo, Ngoại trưởng Mỹ, trên sóng truyền hình CNN về việc mở rộng thành viên đối thoại: “Chúng tôi đang làm việc cùng những người bạn để thúc đẩy phát triển chung kinh tế toàn cầu”.

Động thái của Mỹ và nhóm Bộ tứ mở rộng khiến truyền thông thế giới dậy sóng. Reuters hàm ý, Mỹ đang hướng đến việc xây dựng nhóm quốc gia “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng”, còn Đài Truyền hình CCTV của Trung Quốc cho rằng, Mỹ đang đặt ra mục tiêu chuyển dịch chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc càng nhanh càng tốt.

Reuters nhận định, chưa rõ những quốc gia nào sẽ nằm trong Mạng lưới kinh tế thịnh vượng, tuy nhiên, theo ông Pompeo đề cập, chính quyền Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Ấn Độ và Nhận Bản, thì đây sẽ là những quốc gia được Mỹ hướng đến nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Từ trước đến nay, các chuỗi cung ứng như nguyên liệu dược phẩm, thực phẩm, các thiết bị y tế, thiết bị điện tử… của Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc. Tờ Wall Street Journal chỉ ra rằng, COVID-19 đã phơi bày việc lệ thuộc của Mỹ vào nguồn cung ứng dược liệu thuốc, khi các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa, thì thị trường dược phẩm của Mỹ rơi vào tình trạng đóng băng. Do đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cần phải nhanh chóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Tại sao Mỹ chọn Việt Nam ngồi vào bàn tròn thương thảo xúc tiến cho “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng”? Ngoài yếu tố vị trí địa lý Trung Quốc có đường biên giới chung với Việt Nam, sẽ không nhiều khó khăn khi Mỹ chuyển dịch các cơ sở kinh tế từ Trung Quốc sang Việt Nam; thì phần quan trọng hơn để Mỹ có hành động này, chính vì Việt Nam có những điều kiện, tiềm năng phát triển và trên hết là uy tín trên trường quốc tế.

Việt Nam ngày hôm nay, phát triển ngày càng rực rỡ

Trong cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa mới đây, cả hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế – thương mại, tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hóa của nhau trong thời gian tới. Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về các biện pháp để đưa quan hệ toàn diện đi vào chiều sâu, nhất là trong dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, qua đó đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực.

Tổng thống Donald Trump khẳng định Mỹ coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, đánh giá quan hệ Việt Nam – Mỹ đã phát triển mạnh mẽ trong 25 năm qua và tin tưởng quan hệ sẽ tiếp tục phát triển ngày càng bền chặt hơn thời gian tới; đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ sớm được gặp lại Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Rõ ràng, cơ hội, cánh cửa cho Việt Nam phát triển, thăng hạng và ghi dấu ấn trên thương trường quốc tế đang rộng mở. Niềm hạnh phúc này chỉ có thể gói gọn trong hai từ: tự hào!

Tường Vi

Bài mới
Đọc nhiều