+
Aa
-
like
comment

Thật vô lý – Dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn rồi nói “nhân danh công lý”

23/10/2019 16:09

“Giết nhầm hơn bỏ sót” – trào lưu “nhân danh công lý” của cộng đồng mạng vô tình khiến nhiều người ‘chết oan’. Đây đều là những hành động thể hiện thói côn đồ cũng như sự xem thường pháp luật của một bộ phận giới trẻ. Tuy nhiên, những hành động sai trái trên lại được đông đảo cư dân mạng cổ vũ khiến xã hội lo lắng.

Mới đây, thấy 4 khách nam lên xe nói chuyện rất to và chửi bậy, nữ phụ xe buýt nhắc nhở giữ trật tự thì bất ngờ bị nhóm người này lao vào hành hung, phải nhập viện.

Cụ thể, chiều 20-10, chị Đỗ Thúy H. (27 tuổi) là phụ xe tuyến buýt 103 lộ trình từ bến xe Mỹ Đình đi Chùa Hương, khi đến địa phận huyện Ứng Hòa (Hà Nội) thì chị này bị một nhóm khách hành hung gây thương tích.

Chị H. cho biết vào chiều cùng ngày, khi xe buýt số 103 từ Mỹ Đình về Chùa Hương qua địa phận cầu Xà Kiều (huyện Ứng Hòa) thì có 4 thanh niên lên xe.

Những kẻ bất tuân pháp luật ngang nhiên hành hung người nhân viên phụ xe bus
Những kẻ bất tuân pháp luật ngang nhiên hành hung người nhân viên phụ xe bus

Sau khi lên xe, cả 4 thanh niên này đã nói chuyện rất to và chửi bậy. Lúc này, chị H. tiến lại gần nhắc nhở với nội dung “trên xe buýt cần giữ trật tự” thì bị một thanh niên trong nhóm này xông vào đánh. Bị đánh bất ngờ, chị H. đưa tay đỡ thì 3 thanh niên còn lại cũng ập vào tìm cách hành hung chị.

Thấy nữ phụ xe bị đánh, tài xế xe buýt dừng xe lại can ngăn cũng bị 4 thanh niên này đấm vào mặt. Sau đó, nhóm thanh niên này xuống xe tại khu vực nhà thi đấu thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa.

Xe buýt là phương tiện công cộng đã là phương tiện công cộng thì phải tôn trọng những người xung quanh, khi bị nhắc nhở là đánh người ta mà lại đánh phụ nữ. Chưa cần biết thương tích bao nhiêu %, đối với hành vi côn đồ xem thường pháp luật, coi thường tính tính mạng và nhân phẩm của người khác thì nên cho đi tù hết để xã hội được trong sạch hơn.

Trước đó không lâu, từ một video clip trên mạng quay lại cảnh người đàn ông say rượu liên tục chửi mắng và tát đứa con trai nhỏ của mình, bỗng dưng hình thành “nhóm chuyên đòi lại sự bất công cho phụ nữ, trẻ em” ra tay nghĩa hiệp một cách vô lối.

Cụ thể, nhóm này đã tìm được danh tính người đàn ông trong video clip là anh Đoàn Văn Tí đang tạm trú tại xã Trung An, thành phố Mỹ Tho – Tiền Giang và quyết tâm thực hiện hành vi trừng phạt đối tượng.

Dù anh Đoàn Văn Tí đã sợ hãi trốn vào phòng trọ, rồi nhờ người khác khóa cửa từ bên ngoài, thì nhóm “anh hùng tự phong” kia vẫn phá khóa, đạp cửa và lôi anh Đoàn Văn Tí ra ngoài để đánh đập và mạt sát.

Sự thật, việc bạo hành của anh Đoàn Văn Tí là có thật, nhưng video clip ấy đã có từ 2 năm trước. Hiện nay, vợ chồng của anh Đoàn Văn Tí đã ly dị, và đứa con trai trong video clip cũng theo mẹ đi nơi khác. Thế nhưng, với sự hung hãn của “nhóm chuyên đòi lại sự bất công cho phụ nữ, trẻ em”, thì anh Đoàn Văn Tí bị một trận đòn nhừ tử, phải van lạy xin tha thứ.

Rõ ràng, “nhóm chuyên đòi lại sự bất công cho phụ nữ, trẻ em” là một loại “giang hồ mạng” gây rối trật tự và gieo nguy hiểm đời sống cộng đồng. Cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra và xác minh để có phương pháp xử lý thích đáng.

Hành hung người cha tát con là trào lưu ‘nhân danh công lý’ của cộng đồng mạng
Hành hung người cha tát con là trào lưu ‘nhân danh công lý’ của cộng đồng mạng

Thời gian qua đã xuất hiện một số hiện tượng hành động theo cảm tính. Điều đáng nói là có một bộ phận không nhỏ lại có xu hướng chạy theo đám đông, đưa ra những ý kiến đi ngược lại tinh thần thượng tôn pháp luật. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, nếu như pháp luật không được thực hiện nghiêm minh, không xử đúng người, đúng tội thì sẽ tạo tiền lệ xấu, tác hại lâu dài.

Lý giải về thói quen sử dụng vũ lực để dàn xếp những mâu thuẫn đang diễn ra phổ biến hiện nay trong xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn cơn sâu xa của những quyết định bốc đồng trên đều xuất phát từ tâm lý nóng nảy, thích thể hiện giữa đám đông của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Tình trạng này xảy ra khá phổ biến, nhất là với những đối tượng là lao động nhập cư, lao động nghèo đang bế tắc, thiếu niềm tin vào cuộc sống và chính bản thân họ khi áp lực mưu sinh gia tăng.

Vì thế, khi xảy ra va chạm, tranh chấp hoặc không thỏa mãn được nhu cầu, nhiều người không kiểm soát được bản thân và phản xạ đầu tiên để giải tỏa sự bức xúc, giận dữ là nghĩ ngay đến bạo lực và hung khí.

Qua câu chuyện thứ 2 ở trên, việc “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” là điều cần được nêu cao. Nhưng người ta lại nhầm lẫn giữa nghĩa hiệp và hành vi côn đồ. Hành vi nghĩa hiệp không có nghĩa là chúng ta được phép xâm phạm đến nơi ở, danh dự và thân thể người khác khi chưa được người đó và pháp luật cho phép. Đó hoàn toàn là phạm pháp.

Điều đáng nói ở đây là xã hội đang xuất hiện những kẻ có thái độ tự cho mình quyền duy trì và bảo vệ công lý bằng bạo lực. Điều mà trước nay chỉ có tòa án, nơi đại diện cho pháp quyền nhà nước mới có quyền phán xét ai có tội và mức độ đền tội. Ngoài ra, khi chưa có lệnh của cơ quan hành pháp, thì không ai được phép xâm nhập chỗ ở cá nhân để cố ý gây thương tích và làm nhục người khác.

Rõ ràng, những vụ việc đó cho thấy, không ít lĩnh vực, một số vị có chức trách, có địa vị tìm mọi cách vô hiệu hóa pháp luật một cách thô bạo. Nếu không xử lý thật nghiêm, đặc biệt là những người có chức quyền hoặc trực tiếp, hoặc đứng sau bảo kê, chống lưng cho những sai phạm thì những tiêu cực sẽ tiếp diễn, ngày càng phức tạp.

Hồng Đinh

Bài mới
Đọc nhiều