+
Aa
-
like
comment

Thất bại từ chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi chỉ mới bắt đầu

Tuệ Ngô - 22/08/2022 14:15

Mới đây, trang Nikkei Asia Review đã có bài viết nhận định, những cố gắng “ghi điểm” của bà Nancy Pelosi trong chuyến thăm Đài Loan dường như đã mở ra “sự thất bại” của Mỹ.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tại Đài Loan

“Sự thất bại của chuyến thăm dường như chỉ mới bắt đầu” chính là tiêu đề và cũng là cảnh báo mà Nikkei nhận định, đang dần khiến nước Mỹ chịu những đòn giáng nghiêm trọng từ chính quyền Trung Quốc.

Ngay từ thời điểm nổ ra thông tin bà Nancy Pelosi  sẽ đến Đài Loan trong hành trình công du Châu Á, hàng loạt quan chức Trung Quốc đã cảnh báo “Mỹ đừng đùa với lửa!”.

Những người ủng hộ bà Nancy Pelosi chỉ ra rằng đã có tiền lệ cho một chuyến thăm như vậy từ trước đó. Được biết, từ một phần tư thế kỷ trước, chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là Newt Gingrich cũng đã phớt lờ những lời cảnh báo chói tai từ Bắc Kinh và đến Đài Bắc. Thời điểm đó, Trung Quốc đã “im lặng”.

Nhưng nhiều điều đã thay đổi trong 25 năm. Sức mạnh quân sự toàn cầu của Mỹ vẫn là vô song, nhưng sức mạnh quân sự của chính Trung Quốc hiện đã lớn hơn nhiều so với trước đây. Trong những năm 1990, Trung Quốc đã phải chấp nhận rằng những lời đe dọa đối đầu trực tiếp với Hải quân Mỹ sẽ không tạo thêm nhiều sức mạnh cho đòn bẩy đàm phán của họ. Ngày nay, sự cân bằng lực lượng đã không còn rõ ràng.

Giới chuyên môn cho rằng, hiện tại sức mạnh quân sự Mỹ và Trung Quốc đang ngang tài ngang sức

Và thời điểm hiện tại trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều bởi vì Trung Quốc chỉ còn vài tuần nữa là diễn ra đại hội Đảng lịch sử, với dự đoán sẽ phá vỡ những quy tắc lịch sử chính trị của Trung Quốc từ xưa đến nay. Vì thế, đây hẳn không phải là thời điểm mà nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ nhún nhường trước hành động được cho là vượt quyền của Mỹ.

Điều quan trọng nhất mà chuyến thăm của bà Nancy Pelosi đem đến chính là việc cả Mỹ và Trung Quốc đã cho cả thế giới thấy rõ sự phi lý giữa thỏa thuận Mỹ-Trung về Đài Loan.

Theo Nikkei, sự thiếu nhất quán trong việc thừa nhận chính sách “Một Trung Quốc” của Mỹ đang khiến nước Mỹ mắc kẹt trong việc nên hay không nên để Đài Loan thật sự chịu sự cai trị của Trung Quốc. Điều này thể hiện rõ qua việc công nhận “Một Trung Quốc” nhưng ngang nhiên ủng hộ Đài Loan thể hiện rõ “Đài Loan độc lập”. Đặc biệt là tuyên cáo của Tổng thống Joe Biden, nhấn mạnh việc Mỹ sẽ chiến đấu với Trung Quốc để bảo vệ Đài Loan đến cùng.

Nỗi lo lớn nhất là chuyến thăm của bà Nancy Pelosi đã đặt ra tiền lệ mới. Các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật của Trung Quốc ở vùng biển mà Đài Loan cho là thuộc lãnh thổ của mình sẽ khiến các hành động khiêu khích lớn hơn trong tương lai có khả năng xảy ra nhiều hơn. Giờ đây, ông Tập Cận Bình có nhiều khả năng sẽ đặt ra những ranh giới mới đối với Đài Loan sau chuyến thăm đầy bất ổn của bà Nancy Pelosi.

Câu chuyện của nhiều năm về trước lặp lại. Trung Quốc phóng róc két trong cuộc tập trận quanh Đài Loan.

Sau chuyến thăm, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đương nhiên sẽ tăng cao hơn nhiều, nhưng việc xảy ra chiến tranh hai bên đương nhiên là điều không thể xảy ra. Bởi cả hai chính phủ đều nhận ra rằng trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, không có “bức tường Berlin” nào để bảo vệ an ninh và sự thịnh vượng của một bên khỏi những xáo trộn tiềm tàng của bên kia. Và chiến tranh chính là liều thuốc độc “giết chết” cả 2 nền kinh tế lớn nhất hành tinh.

Dù vậy, chuyến đi khiêu khích của bà Nancy Pelosi cho phép quân đội Trung Quốc diễn tập cho một cuộc chiến trong tương lai, thúc đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc giữ thể diện bằng cách vẽ ra các ranh giới mới với Đài Loan và làm dấy lên những nghi ngờ mới về sự ổn định lâu dài của nền kinh tế của hòn đảo.

Ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden trong cuộc gặp năm 2015. (Ảnh: AP)

Về phía Mỹ, đương nhiên chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng sẽ không ngồi yên chịu trận sau những đòn trừng phạt mà Trung Quốc đang thực hiện. Vì thế, có lẽ cuộc “chiến tranh mới” có lẽ mới chỉ bắt đầu!

Tuệ Ngô (Theo Nikkei Asia Review)

Bài mới
Đọc nhiều