Thất bại đau đớn nhất của tình báo Liên Xô
“Bê bối Đan Mạch” là một trong những thất bại đáng xấu hổ nhất của tình báo Liên Xô.
Vụ ám sát điệp viên hai mang Sergei Skripal năm 2018 đã đặt ra một câu hỏi về chất lượng chuyên môn của các cơ quan tình báo Nga, vốn theo truyền thống, được coi là rất chuyên nghiệp. Các nhà phê bình của Tổng Cục Tình báo Bộ Tổng Tham mưu – GRU (ГPY) viết nhiều về sự sụt giảm chuyên môn của tình báo Nga so với thời Liên Xô. Tuy nhiên, trong thời kỳ Xô viết, các cơ quan tình báo cũng từng phạm sai lầm – nhiều thất bại thảm khốc và các vụ tai tiếng từng xảy ra.
Một trong những sự cố đó là vụ “bê bối Đan Mạch” đáng xấu hổ và Jan Karlovich Berzin – người đứng đầu GRU lúc đó, đã bị bay chức. Năm 1935, cảnh sát Đan Mạch phanh phui toàn bộ mạng lưới “cư dân Liên Xô” tại Đan Mạch, vì vậy, đất nước này trong một thời gian dài đã không còn được sử dụng làm kênh liên lạc và trở thành khu vực không có sự hiện diện của các điệp viên bí mật của Liên Xô. Tháng 2/1935, người Đan Mạch ở Copenhagen đã bắt giữ 4 sĩ quan tình báo – những người được cho là đang đi du lịch tới đó, và 10 điệp viên khác của Liên Xô.
Các chuyên gia Đan Mạch đã phát hiện ra họ do thực tế là các nhà lãnh đạo “cư dân” liên lạc ở Đan Mạch là A.P. Ulanovsky và D. Mink – người Mỹ (cũng là một điệp viên Liên Xô) đã tuyển mộ những người Cộng sản địa phương Đan Mạch (các quan chức cảnh sát và những người dưới quyền) cho công việc của họ, mạo hiểm mở rộng mạng lưới. Phương pháp này đã bị cấm, nhưng ở Đan Mạch, nó tiếp tục được thực hiện trái với lệnh cấm và bị che giấu.
Những người Cộng sản nước ngoài thường nói nhiều, không có kỹ năng nghiệp vụ và bỏ bê những yêu cầu của cấp trên – điều cũng đã xảy ra ở Đan Mạch. Cảnh sát biết nơi để tìm, bởi vì họ có người cung cấp thông tin trong Đảng Cộng sản và dễ dàng tìm ra “cư dân” Liên Xô. Giới chức Đan Mạch đã giám sát ngôi nhà Ulanovsky và thực hiện một vụ bắt giữ khi đối tượng đến gặp gỡ nhau ở đó (Ulanovsky cũng bị bắt).
“Cư dân Liên Xô” thoải mái, coi Đan Mạch là một quốc gia trung lập và an toàn (không có cáo buộc nghiêm trọng nào đối với Liên Xô), không chuẩn bị các hành động cực đoan chống lại Đan Mạch. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả mọi quy định có thể bị bỏ qua. Berzin – người đã nhiều lần phải đích thân bào chữa cho những thất bại trước Stalin, đã từ chức sau vụ việc ở Đan Mạch và Uritsky – một phóng viên có kinh nghiệm về tình báo ở Tiệp Khắc, đã ngồi vào ghế của ông.
Sai lầm của GRU đã có trước đó. Chẳng hạn, sau năm 1927, khi quan hệ giữa Liên Xô và Anh trên đà xấu đi, người Anh đã tấn công mạng lưới tình báo Liên Xô. Trong vài tháng, các nhóm tình báo Liên Xô đã bị phát hiện ở Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Áo và Pháp. Các nhà sử học tình báo A. I. Kolpakidi và D. P. Prokhorov trong cuốn “Tiểu luận về Lịch sử Tình báo Quân sự Nga” viết rằng, các nhà lãnh đạo tình báo của Liên Xô thời đó quá “tự mãn”, đóng cửa và không kiểm soát các đặc vụ ở mức độ cần thiết.
Kết quả là thất bại nối tiếp thất bại, một số sĩ quan tình báo Liên Xô khác đã bị bắt tại Vienna năm 1932. Một năm sau, điều đó đã lặp lại ở Latvia (những người là phản gián địa phương cũng được chiêu mộ). Tiếp theo, một đặc vụ (là cộng sản Đức) đã bị bắt tại Hamburg; sau đó, một vài người nữa ở Romania và Thổ Nhĩ Kỳ, và một nhóm “cư dân Liên Xô” đã bị người Ba Lan lật mặt nạ. Năm 1933 kết thúc bằng việc bắt giữ các nhóm điệp viên Liên Xô ở Phần Lan và Paris.
Cơ quan tình báo đã phải tự điều chỉnh rất nhiều trong công việc của mình. Trước hết, đã tạo ra các nhóm “cư dân” độc lập nhỏ với các kênh liên lạc độc lập về Trung tâm. Ngoài ra, người ta đã quyết định tạo ra các trường tình báo đặc biệt cho khoảng 200 người (cho đến năm 1935, điều này không tồn tại ở Liên Xô). Việc giám sát việc thực hiện các yêu cầu của lãnh đạo trở nên khó khăn hơn, bao gồm cả những yêu cầu liên quan đến việc không sử dụng những người cộng sản nước ngoài.
Nhưng Liên Xô không còn thời gian để chấn chỉnh công tác tình báo toàn diện: một vài năm sau đó, Bộ Nội vụ đã giáng một đòn mạnh khác vào ngành tình báo. Vì “hoạt động chống phá nhà nước Xô viết”, Berzin và nhiều tình báo viên hoạt động sau năm 1935 đã bị xử bắn, và rồi chiến tranh bắt đầu. Stalin vẫn không thực sự tin tưởng vào sự chuyên nghiệp của tình báo đến mức đã bỏ qua nhiều báo cáo, theo đó, Đức đã lên kế hoạch, sẽ bắt đầu tấn công Liên Xô vào ngày 22/6/1941, vì cho rằng những báo cáo đó không đáng tin cậy.
Lịch sử của các hoạt động GRU thành công và vinh quang bắt đầu từ thời kỳ sau của Thế chiến II và thời kỳ hậu chiến – khi không ai đánh giá, như K. Voroshilov vào những năm 1930, rằng tình báo “đã khập khiễng trên cả bốn chân”.
Lê Ngọc/VOV