Hơn 70 cảnh sát cơ động luyện tập 8 tiếng mỗi ngày cùng ngựa trên thao thường, với các bài tập như vượt chướng ngại vật, đổ người lấy vật hay né đạn.
Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh và trường đào tạo, huấn luyện ngựa duy nhất trực thuộc Bộ Công an đang đóng tạm tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên – cách Hà Nội khoảng 90 km.
Trường huấn luyện ngựa nằm ở khu vực có những ngọn đồi thấp với bãi cỏ xanh. Tại đây có hơn 105 con ngựa trưởng thành, hầu hết từ 3 tuổi trở lên.
71 cảnh sát nghĩa vụ công tác tại Trường đào tạo, huấn luyện ngựa được tuyển chọn có sức khỏe, hiểu biết và yêu thích động vật. Hàng ngày, các chiến sĩ cho ngựa ăn từ 5h30 sáng rồi chuẩn bị đồ nghề yên ngựa, dây cương và công cụ hỗ trợ bắt đầu một buổi huấn luyện.
Trước khi ra thao trường, mỗi cảnh sát phải vệ sinh lông cho ngựa của mình bằng bàn chải. Nhẹ nhàng ôm qua cổ ngựa, thượng sĩ Trần Minh Anh, chải kỹ những vết bẩn, bùn trên đầu ngựa và liên tục trò chuyện với con vật để nó đứng nghiêm theo hiệu lệnh.
Theo thượng sĩ Anh, ngựa được thuần hóa từ khi mới đưa về, phải mất hàng tuần ngựa mới cho cưỡi rồi làm quen và tiếp xúc, dần biết nghe lời. “Ngựa này khá thông minh, chỉ thời gian ngắn sau khi vuốt ve, nói chuyện dường như nó hiểu được cảm xúc của người huấn luyện”, thượng sĩ Anh nói.
Sau khi vệ sinh cho ngựa, cảnh sát sẽ lắp yên, dây cương và kiểm tra móng. Các bài học này thường mất từ 2 tuần đến 2 tháng mới có thể thuần thục.
Thông thường việc kiểm tra móng ngựa, đóng móng ngựa được đưa vào lồng cưỡng bức, tuy nhiên trường đào tạo, cảnh sát cơ động huấn luyện ngựa làm quen với việc có thể kiểm tra và đóng móng trong bất cứ địa hình, hoàn cảnh nào. Mỗi con ngựa được buộc dây vào ba chân cho đi lại trên thao trường, cảnh sát sẽ kiểm tra móng chân còn lại. Cứ như vậy các chân khác được thay đổi luân phiên đến khi ngựa làm quen với việc kiểm tra móng không cần dây, không cần khung cưỡng bức.
“Hiện nay tại trung tâm có 71 con ngựa đã thành thục các bài huấn luyện và chuyển sang giai đoạn nâng cao. Trong quá trình này, nhiều con ngựa đã tung người hất văng cảnh sát ra ngoài, thậm chí có lần cả người và ngựa cùng ngã, ngựa đè lên cảnh sát nên việc bị thương, đau khi huấn luyện đã thành thường trực”, thượng sĩ Phạm Thanh Hải nói.
Bài huấn luyện ngựa đi đều hàng 4 trên. Để làm thành thục các động tác này, cảnh sát mất nhiều tháng huấn luyện.
Đại tá Nguyễn Huy Hạnh, Trưởng đoàn kỵ binh cảnh sát cơ động, cho hay việc huấn luyện ngựa đi theo hiệu lệnh có thể áp dụng vào nhiều mục đích khác nhau như tuần tra, vận chuyển vũ khí trên khu vực có địa hình khó khăn, phục vụ các buổi lễ, nghi thức.
Bài nhảy vượt rào cần ít nhất 2 tuần huấn luyện để thành thục. Kỹ thuật này giúp ngựa thích nghi mọi địa hình khi tham gia chiến đấu, tuần tra vượt suối, vượt rãnh, hào trong truy bắt tội phạm ở địa hình khó khăn, hiểm trở.
Bài tập mới nhất và khó khăn nhất với cảnh sát là màn đổ nhào nhặt đồ vật. Với bài học này, cảnh sát sẽ để nhiều chiếc gậy, dùi cui dưới đất, sau đó điều khiển ngựa theo hiệu lệnh phi nước đại rồi đổ người sang trái, sang phải để nhặt đồ vật. “Đây là bài học mới và có độ khó cao, lúc mới học liên tục bị ngã và không lấy được vật theo ý, tuy nhiên sau vài tuần, việc này trở nên dễ dàng hơn”, thượng sĩ Lê Quang Vinh chia sẻ.
Việc huấn luyện các bài kỹ, chiến thuật với kỵ binh mới chỉ là bước đầu. Đơn vị đang thử nghiệm các bài tập điều khiển cho ngựa nhấc người, nằm sấp né đạn và một số bài tập nâng cao khác phù hợp với quá trình chiến đấu. “Đơn vị sẽ tham khảo bài tập của các nước để xây dựng, hoàn thiện bộ giáo trình đào tạo giúp cảnh sát có thể sử dụng được tất cả các loại vũ khí khi ngồi trên lưng ngựa”, đại tá Hạnh nói.
Thượng sĩ Lê Quang Vinh ướt đẫm mồ hôi khi thực hiện các bài tập trên thao trường nắng nóng lên tới 39 độ C.
Cảnh sát cơ động điều khiển ngựa hành quân vượt cầu, đồi núi với địa hình đất đá.
Theo lãnh đạo đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh, giống ngựa được tuyển chọn đáp ứng yêu cầu chịu nắng, chống rét tốt, phù hợp với địa hình, khí hậu của Việt Nam. Ngoài ra, ngựa có thể hình phù hợp với người Việt, khi phi nước đại nhanh và rất dẻo dai, đáp ứng tính sẵn sàng chiến đấu cao.
Một con ngựa bị đau chân trong quá trình huấn luyện được bác sĩ thú y thăm khám, sau đó được tiêm thuốc giảm đau và chống viêm.
Ngựa ăn một ngày 3 bữa chính. Mỗi cảnh sát sẽ phục vụ riêng ngựa của mình bữa sáng lúc 5h30, 7h và bữa chiều cùng bữa phụ lúc 20h. Ngựa ăn ba loại thức ăn thô, tinh bột và cỏ tươi. Mỗi ngày trung bình ngựa ăn khoảng 30-40 kg thức ăn tùy con.
Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh là lực lượng mới, được biên chế cho Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) từ ngày 15/1. Lực lượng này ra mắt vào ngày 8/6.
Bá Đô – Giang Huy/ VNE