Tháo gỡ nút thắt cho bài toán hạ tầng giao thông ở TP. Thủ Đức
Là địa phương có vị trí quan trọng giúp kết nối vùng tam giác kinh tế TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu, tuy nhiên TP. Thủ Đức lại chưa thể bứt phá bởi hệ thống hạ tầng giao thông hỗn độn và chưa được đầu tư đúng mức. Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo thành phố đã quyết liệt triển khai và đưa vào khởi công nhiều dự án cầu, đường đã bị “trùm mền” từ nhiều năm nay.
TP. Thủ Đức không chỉ là cửa ngõ quan trọng để giúp TP.HCM kết nối với các vùng kinh tế ở phía đông mà còn là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Mặc dù, có vị trí chiến lược quan trọng tuy nhiên TP. Thủ Đức lại được đánh giá là có tốc độ phát triển kinh tế chậm, hạ tầng yếu kém và không có nhiều khả năng thu hút đầu tư như các địa phương khác.
Trong khi đó theo các chuyên gia để phát triển mạnh, TP. Thủ Đức cần có tính kết nối và tương tác cao cùng với nhiều địa phương khác trong khu vực, đặc biệt là TP.HCM. Thực tế trong năm đầu tiên thành lập, TP. Thủ Đức chỉ đóng góp hơn 8.300 tỷ đồng chiếm 2,3 tổng thu ngân sách của TP.HCM. Bên cạnh việc đóng góp cho ngân sách, TP. Thủ Đức cũng lên kế hoạch khởi công xây dựng nhiều công trình hạ tầng mới cho địa phương như đầu tư hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân và QL13 cũ, mở rộng đường Lã Xuân Oai, xây dựng đường Lương Định Của, cầu Nam Lý, vành đai 3…
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có một số ít dự án là được hoàn thành và đi vào hoạt động, còn lại đa phần các dự án đều bị “đắp chiếu” bởi sự thiếu hụt về kinh phí cũng như mặt bằng sạch để khởi công. Trong khi về cơ bản, TP. Thủ Đức là địa phương sở hữu nhiều tiềm lực mạnh mẽ nhất tại TP.HCM như cảng Cát Lái, Khu công nghệ cao, các Khu công nghiệp, khu chế xuất… Điều này, hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng đưa TP. Thủ Đức trở thành động lực tăng trưởng mới của TP.HCM.
Sự khó khăn, bất cập trong cơ cấu hạ tầng giao thông cũng khiến cho nhiều dự án bất động sản tại TP. Thủ Đức trở nên im lìm hoặc gần như đóng băng. Bởi thực tế không một người dân nào lại muốn sở hữu các căn hộ hoặc nhà ở tại những vị trí giao thông ách tắc hoặc không được được đầu tư, chú trọng. Điển hình như khi dạo một vòng quanh đường song hành cao tốc TP.HCM – Long Thành, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra hàng loạt các căn nhà phố liền kề tại Lake View bị bỏ trống mặc cho giá trị căn nhà hiện đang được bán với giá rất cao.
Tuy nhiên chủ sở hữu lại không thể khai thác hoặc sử dụng cũng chỉ bởi vì tuyến đường này vẫn ì ạch và chậm tiến độ thi công suốt nhiều năm gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân. Hay như dự án xây dựng cầu Nam Lý với tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng có vai trò quan trọng giúp giảm tải giao thông và kết nối khu vực phía Đông TP.HCM (gồm quận 9, quận 2, cao tốc Long Thành – Giầu Dây và xa lộ Hà Nội) cũng đành chịu cảnh dang dở nhiều năm.
May mắn là mới đây Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết trong thời gian tới hàng loạt dự án cầu, đường trên địa bàn TP. Thủ Đức sẽ được tái khởi công trở lại để đáp ứng cho nhu cầu đi lại của người dân. Đây là một tín hiệu đáng mừng dành cho người dân TP. Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung. Đồng thời là dấu hiệu cho thấy “sự hồi sinh” của thị trường bất động sản tại khu vực này. Trong đó, nhiều dự án nhà phố có quy mô lớn như The Global City, Flora Anh Đào, The Art, Jamila Khang Điền… cũng đã rục rịch trở lại và dự kiến sẽ tăng giá trong thời gian tới. Từ đó, tạo tiền để đóng góp cho sự phát triển chung của toàn thành phố.
Minh Thanh