Thanh tra xây dựng nhận hối lộ ở Vĩnh Phúc không phải là tham nhũng vặt
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định, vụ thanh tra xây dựng nhận hối lộ ở Vĩnh Phúc không phải là tham nhũng vặt.
Báo cáo về tình hình phòng chống tội phạm tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 của UB Tư pháp hôm nay, Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương cho biết, trong năm xảy ra 281 vụ vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ, giảm 0,35% so với cùng kỳ 2018.
Nhiều vụ nằm trong diện chỉ đạo nhưng không thấy hành vi tham nhũng?
Đặc biệt, các cơ quan đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ.
Bên cạnh đó, công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều tiến bộ, từng bước khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, tội phạm vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng phần mềm gian lận doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí tại các trạm thu phí BOT, như vụ xảy ra tại tuyến cao tốc TP.HCM Trung Lương.
Tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính công diễn ra tương đối phổ hiến, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân và DN.
Điển hình như vụ 3 cán bộ thuộc đoàn thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ khi tiến hành thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng vụ Thanh tra Xây dựng nhận hối lộ ở Vĩnh Phúc nói vặt nhưng đâu có vặt. Đây là vụ việc không phải không nghiêm trọng.
Ông Nghĩa nêu thực tế, một số vụ rất to nhưng khi xét xử lại ra tội cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ quyền hạn, không thấy tội tham nhũng đâu hoặc có thì rất ít. Nhiều vụ mặc dù nằm trong diện chỉ đạo phòng chống tham nhũng nhưng không thấy hành vi tham nhũng.
“Thực sự như vậy hay khó quá không điều tra ra?”, ĐB Nghĩa băn khoăn.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định, vụ thanh tra xây dựng nhận hối lộ ở Vĩnh Phúc không phải là tham nhũng vặt, tham nhũng vặt là nhũng nhiễu.
“Đó là cách nói thông thường, còn trong khái niệm của luật thì không có tham nhũng vặt. Vụ thanh tra bộ xây dựng mấy trăm triệu thì không thể là tham nhũng vặt. Mức khởi điểm của tội tham ô là 2 triệu đồng, dưới 100 triệu là hình phạt từ 2-7 năm”, Chủ nhiệm UB Tư pháp nói.
Tham nhũng trong cơ quan phòng, chống tham nhũng gây bức xúc
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Pha thay mặt nhóm nghiên cứu của UB Tư pháp nhận định, tội phạm về tham nhũng vẫn rất phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong các cơ quan và nhân viên nhà nước khi thực thi công vụ có liên quan trực tiếp đến người dân.
Ông đánh giá, tham nhũng trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng cũng gây bức xúc trong nhân dân và công luận. Tuy nhiên, việc phát hiện vẫn chưa được nhiều.
Nêu một số ý kiến nghiên cứu về báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao năm 2019, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Hoàng Văn Liên cho biết nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng đã được VKSND tối cao chỉ đạo tích cực, khẩn trương, đưa ra truy tố kịp thời, đúng người, đúng pháp luật được cử tri ghi nhận và đánh giá cao.
Cụ thể, vụ án Phan Văn Anh Vũ phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương; vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm bị kết án về các tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”;…
ĐB Nguyễn Thị Thuỷ, ủy viên thường trực UB Tư pháp cho biết, trong gần 1 năm, đã xét xử 240 vụ án, 517 bị cáo về tội phạm tham nhũng (tăng 83 vụ, 119 bị cáo).
Trong đó, tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của nhà nước, chủ trọng áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, biện pháp tư pháp để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản…
Vì sao toàn bộ vi phạm trong hoạt động tư pháp đóng dấu mật?
Tại phiên họp, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đề cập đền việc nhiều tài liệu đóng dấu mật, thậm chí lần này nâng lên cấp độ “tối mật”.
Cụ thể, báo cáo về công tác THA đóng dấu “tối mật” các tài liệu: Phụ lục thống kê số liệu phạm nhân vào/ra tại trại giam Bộ Công an; tình hình số liệu người bị kết án tù, số liệu phạm nhân, kinh phí đầu tư, cán bộ trại giam, trong đó có cả cán bộ trại giam vi phạm pháp luật…
Ngoài ra, tài liệu mật còn có số liệu điều tra viên, số đối tượng chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam.
Theo báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao, toàn bộ vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, VKS đóng dấu mật.
Bà Nga cho rằng, cần phải có một phiên họp để làm rõ với các cơ quan. Nếu toàn bộ các vi phạm trong hoạt động tư pháp đều đóng dấu mật cả thì vô lý.
“Ví dụ các vi phạm về giải quyết khiếu nại, vi phạm trong hoạt động thi hành án, dân sự, trong hoạt động bổ trợ tư pháp, trong hoạt động khởi tố, điều tra. Như vậy là đóng cửa tất cả các tiếp cận thông tin của công chúng về những vi phạm trong hoạt động tư pháp”, Chủ nhiệm UB Tư pháp đề nghị các trưởng ngành làm rõ vấn đề này.
(Theo Thu Hằng/Vietnamnet)