+
Aa
-
like
comment

Thanh tra phát hiện một âm mưu thâu tóm ngàn tỷ

30/10/2020 17:15

Những ngày miền Trung mưa bão, Saigon Co.op đã ra thông báo “Saigon Co.op nhận giao hàng ra tâm bão miền Trung”. Việc giao hàng này được giảm chi phí hoặc miễn phí nếu cá nhân, tổ chức gửi hàng có mục đích từ thiện.

Thanh tra TP.HCM xác định có sai phạm tại Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op).

Xuyên suốt lịch sử mấy mươi năm hoạt động của mình Saigon Co.op luôn chú trọng xây dựng bản sắc văn hóa của một Hợp tác xã (HTX) đặc thù. Không chỉ có vậy, tôi tình cờ chứng kiến một buổi training cho nhân viên mới của một co.op. 10 nhân viên làm bài tập là mở thùng và sắp xếp 10 thùng sữa lên kệ. Các thí sinh đi tìm dao, mượn kéo, mở được thùng thì bưng từng lốc sữa đặt nhẹ nhàng lên kệ vì sợ hư bể. Tuy nhiên, thời gian kéo dài, người phụ trách thị phạm móc chìa khóa cá nhân rạch một đường nơi dán băng keo, ép nhiều lốc sữa vào hai tay và dọn sạch 10 thùng sữa trong vài nốt nhạc.

Ngoài cửa kho, tổ trưởng, bảo vệ chỉ sờ vào thùng xe đông lạnh là biết tài xế của đơn vị vận chuyển thuê đã tắt máy lạnh dọc đường để ăn gian chi phí xăng dầu. Một nơi ăn nên làm ra và chuyên nghiệp như thế không thể không rơi vào các âm mưu thâu tóm. Chưa kể vị thế tài chính, nhà kho, đất đai,… mà Saigon Co.op đang sử dụng, đó là bảo vật thật sự.

Saigon Co.op thành lập năm 1989 theo quyết định của UBND TP.HCM với tên gọi Liên hiệp Hợp tác xã mua bán thành phố. Đến năm 1998, đơn vị này đổi tên thành Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM với 20 hợp tác xã thành viên. Năm 2019, doanh thu của Saigon Co.op đạt mức hơn 35.000 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với năm trước. Mặc dù số điểm bán lẻ của Saigon Co.op đứng sau Vincomerce nhưng doanh thu của chuỗi này cao áp đảo so với các đối thủ bán lẻ khác.

Tính đến tháng 4/2019, Saigon Co.op đã phát triển gần 700 điểm bán, trong đó có 112 siêu thị Co.op mart, 4 đại siêu thị Co.op Xtra cùng hơn 300 cửa hàng Co.op Food. Cũng trong năm này, Saigon Co.op tiếp quản hệ thống siêu thị Auchan Việt Nam sau khi nhà bán lẻ Pháp này quyết định rút khỏi thị trường Việt Nam.

Báo cáo cuối năm 2019, Saigon Co.op cho biết đã phát triển thêm hơn 200 siêu thị, trung tâm thương mại mới gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, 26 Cheers, Sense City và mô hình bán lẻ hiện đại cao cấp mới là Finelife. Bên cạnh công ty mẹ trực tiếp vận hành phần lớn các siêu thị, Saigon Co.op còn đầu tư vào hàng chục công ty công ty thành viên gồm cả các công ty kinh doanh siêu thị, kinh doanh cửa hàng tiện lợi (Co.op Food, Cheers), kinh doanh trung tâm thương mại (SCID, SC Vivo City, Sense City), nước chấm Nam Dương,….

Kết luận của thanh tra TP.HCM.

Đáng chú ý là trong khi hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ lớn vẫn lỗ triền miên thì công ty mẹ Saigon Co.op vẫn duy trì được mức lợi nhuận cả nghìn tỷ đồng mỗi năm trong nhiều năm trở lại đây.

Một phi vụ thâu tóm rất táo bạo, manh động từ chính một số lãnh đạo Saigon Coop đã được tiến hành rất nhanh, rất nguy hiểm.Kiểu đặt mọi việc vào sự đã rồi. Thế nhưng nhờ sự kiên quyết của lãnh đạo TP.HCM kế hoạch thâu tóm, chiếm đoạt Saigon Co.op đã được ngăn chận kịp thời.

Nay xin tóm tắt toàn bộ sự việc để chúng ta hình dung chân tướng của một loại tham nhũng mới gọi là tham nhũng thâu tóm mà hàng loạt cán bộ ngân hàng phải ra tòa trong thời gian vừa qua. Một cuộc thanh tra đã mở ra và phát hiện nhiều sai phạm. Đó là huy động vốn bên ngoài sai quy định. Theo kết luận thanh tra, khi kiểm tra việc tăng vốn điều lệ năm 2020 thì thấy sai phạm lớn nhất của Saigon Co.op là hợp tác xã (HTX) thành viên huy động nguồn vốn góp từ bên ngoài chứ không phải từ thành viên của các HTX để góp vốn vào Saigon Co.op. Điều bất thường trong góp vốn được kết luận thanh tra chỉ ra, đó là trong các năm 2018, 2019 có một số HTX hoạt động mức lợi nhuận đạt sau thuế dưới 6 tỉ đồng nhưng không tham gia góp vốn.

Trong khi đó, phần lớn các HTX lợi nhuận đạt được sau thuế chỉ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng lại tham gia góp với số vốn góp hàng trăm tỉ đồng. Có 6 HTX hoạt động kinh doanh không có hiệu quả.

Bên cạnh đó, do tỉ suất lợi nhuận sau thuế đạt được từ 26 – 39% trên vốn góp nên nhu cầu của các cá nhân, tổ chức muốn đầu tư vào Saigon Co.op là có cơ sở. Điều này cũng cho thấy nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên thì Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động. Đồng thời, có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung (tài sản không chia) và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP nói riêng và cả nước nói chung. Việc này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Qua thanh tra, các HTX thành viên không cung cấp các hồ sơ liên quan việc góp vốn, việc huy động vốn. Bên cạnh đó, các HTX thành viên thực hiện việc góp vốn trước cả khi HTX thành viên thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận là không đúng quy định. Saigon Co.op không chấp hành tạm dừng đại hội thành viên.

Ngoài ra, để quá trình thanh tra được chính xác, chặt chẽ, khách quan, đúng pháp luật, ngày ngày 24/7 Thanh tra TP có văn bản đề nghị chủ tịch HĐQT Saigon Co.op tạm đình chỉ việc tiến hành đại hội thành viên cho đến khi có kết luận chính thức và ý kiến chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền.

Tuy nhiên, Saigon Co.op không chấp hành, vẫn tiến hành đại hội biểu quyết các vấn đề liên quan làm ảnh hưởng đến hoạt động và nội dung kết luận thanh tra về công tác nhân sự, phương án huy động vốn, tăng vốn điều lệ, việc rút vốn của các HTX thành viên… là vi phạm pháp luật thanh tra. Ngoài ra, Saigon Co.op còn một số sai phạm khác về quản lý tài chính.

Hoàng Linh

*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều