Thành phố Thủ Đức sẽ đón sóng đầu tư mới ?
Nếu được áp dụng cơ chế đặc thù phù hợp, TP.Thủ Đức sẽ trở thành bệ phóng giúp “đầu tàu kinh tế” của cả nước bứt phá trong tăng trưởng và phát triển.
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo kết luận của Ủy viên Bộ Chính trị – Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đồng ý chủ trương thành lập khu đô thị sáng tạo phía đông, theo đề xuất trước đó của TP.HCM.
Hình thành một “Singapore” trong TP.HCM
Cụ thể, căn cứ các quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đồng ý chủ trương thành lập TP.Thủ Đức trên cơ sở sắp xếp 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021. Việc thành lập TP.Thủ Đức theo định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao được đánh giá là phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo. Để thu hút đầu tư vào TP.Thủ Đức, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình lưu ý TP.HCM cần làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt so với các TP trong nước cũng như các trung tâm tài chính, công nghệ trong khu vực châu Á.
Cần vốn mồi để phát triển
TS Huỳnh Thế Du hiến kế: Cần một cơ chế đặc thù, đột phá dành cho Thủ Đức giống như Trung Quốc đã làm với Thượng Hải, Bắc Kinh và Phố Đông. Đơn cử, có thể ưu tiên cho đô thị này giữ lại nguồn thu ở mức tỷ lệ tối đa, thậm chí giữ lại toàn bộ nguồn thu trong 10 – 20 năm đầu để đầu tư cho phát triển, đặc biệt là hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đây được gọi là vốn mồi để Thủ Đức phát triển, thu hút nguồn lực từ xã hội và khuyến khích đầu tư từ nước ngoài.
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright VN, cho rằng: Việc thành lập một “đặc khu” cho TP.HCM rất quan trọng trong bối cảnh kinh tế VN hiện nay. TP.HCM là đô thị lớn và quan trọng nhất cả nước, nhưng đang gặp phải nhiều vấn đề. Muốn có những thử nghiệm cải cách sẽ rất khó và rủi ro. Thành lập một TP mới như Thủ Đức sẽ giải quyết hết các vấn đề hiện hữu, tạo ra cơ chế đặc biệt, vượt trội giúp TP.HCM nói riêng, cũng như VN nói chung nâng cao năng lực cạnh tranh với các đô thị lớn trong khu vực.
So sánh với kinh nghiệm triển khai những ý tưởng tương tự tại các nước như Gangnam (phía nam sông Hàn) ở Seoul (Hàn Quốc) và Phố Đông ở Thượng Hải (Trung Quốc), ông Du đánh giá TP.Thủ Đức ra đời trong bối cảnh thuận lợi hơn nhiều, thiên thời và địa lợi. Cụ thể, xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu khỏi Trung Quốc đang diễn ra, mà tác động của dịch Covid-19 sẽ làm cho tiến trình xảy ra nhanh hơn. Thủ Đức có thể hướng tới việc đón làn sóng đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc, sắp xếp lại chuỗi giá trị toàn cầu. Về địa lợi, Thủ Đức thuộc TP.HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất nước với truyền thống đi đầu về những ý tưởng đột phá, đang mong muốn lấy lại vị thế của mình. Hạ tầng bên trong và kết nối đã rất cơ bản, phần đất sẵn sàng cho các dự án có thể xây dựng còn rất nhiều. Dư địa không gian, dư địa phát triển, mức độ phát triển là rất lớn.
“Năm 1990, Thượng Hải thành lập Phố Đông với diện tích khoảng hơn 200 km2, dân số hơn 1 triệu người, tương đương khu đông của TP.HCM hiện nay. Sau gần 30 năm, Phố Đông đã trở thành “một Singapore” của Thượng Hải với dân số khoảng 5,5 triệu người, thu ngân sách ở mức rất cao. Hướng đi của chúng ta cũng nên như vậy, xây dựng “một Singapore” trong lòng TP.HCM. TP.HCM hiện đang là mắt xích quan trọng trong chuỗi đô thị, chuỗi kinh tế toàn cầu. TP.Thủ Đức cũng phải đặt trong tầm như vậy, nhưng nổi trội hơn. Cần khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư của các nước phát triển đưa những doanh nghiệp lớn, toàn cầu tới đây theo một dạng “đặc khu”. Thể chế, cấu trúc, chính quyền của TP.Thủ Đức phải so sánh được với các đô thị mức độ tiên tiến cao trong khu vực, cũng như trên thế giới”, vị này kỳ vọng.
Trao quyền tự chủ, đột phá cơ chế
Lợi thế là vậy nhưng để thành công, TP.Thủ Đức sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Thực tế, TP.HCM với vai trò đầu tàu kinh tế, được trao cơ chế đặc thù nhưng thời gian qua cũng vấp phải rất nhiều khó khăn. Ngân sách hạn hẹp, giao thông, hạ tầng cơ sở “khát vốn”, TP chật vật bao nhiêu năm vẫn chưa thoát khỏi hàng loạt “vấn nạn” như kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm… Vì thế, để TP.Thủ Đức có thể bứt phá, cần rất nhiều yếu tố.
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh thành lập TP.Thủ Đức không chỉ đơn giản là gom 3 quận thành 1 trên cơ sở địa giới hành chính. Để xây dựng khu đô thị mới sáng tạo phía đông trở thành động lực phát triển kinh tế, nâng cao tri thức, đời sống của người dân theo đúng kỳ vọng, cần tiến hành quy hoạch khu đông trên phạm vi 2 bờ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai với quy mô một đô thị xứng tầm, không cắt nhỏ ra để xây dựng, dẫn đến quy hoạch loang lổ kiểu da beo. Bên cạnh đó, cần xác định Thủ Đức là TP nằm ở cửa ngõ phía đông, kết nối với toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam nên định hướng phát triển không thể tách rời các đô thị lân cận như Biên Hòa, Bình Dương, Dĩ An, Long Thành, Nhơn Trạch… Phát triển Thủ Đức phải nhìn trên quan hệ liên vùng, liên tỉnh.
“Để thành công, phát huy được hết tiềm năng của TP.Thủ Đức, cần giao cho đô thị này một không gian và quyền tự chủ đủ lớn trên 2 phương diện: tự chủ kế hoạch, quy hoạch trong đầu tư; tự chủ về quản lý nhà nước trên lĩnh vực hạ tầng như xây dựng, đất đai, tổ chức bộ máy con người và thẩm quyền tổ chức lo phúc lợi của người dân. Một số việc liên quan nhiều lĩnh vực mà hiện nay chính quyền thực thi có thể thông quyền cho đô thị này để thực sự phát huy tính năng động, giúp Thủ Đức có điều kiện phát triển nhanh hơn các địa bàn khác”, ông Lịch lưu ý.
Hà Mai/ TNO