+
Aa
-
like
comment

Thành phố Thủ Đức – Mô hình mới đầu tiên của cả nước

19/11/2020 07:23

Mô hình “TP thuộc TP trực thuộc trung ương” là một mô hình mới, chưa có trong tiền lệ nhưng cơ sở pháp lý đã được đảm bảo.

Cuối tuần qua, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra Đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM. TP Thủ Đức dự kiến được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

TP Thủ Đức - mô hình mới đầu tiên của cả nước - ảnh 1
Một góc TP Thủ Đức đoạn qua cụm ĐH Quốc gia TP.HCM và Khu du lịch Suối Tiên. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đảm bảo cơ sở chính trị, pháp lý

Nêu quan điểm trong quá trình thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết thành lập TP Thủ Đức. Việc thành lập TP Thủ Đức nhằm thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị trên địa bàn TP, đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý hành chính trên địa bàn.

“TP Thủ Đức được thành lập sẽ là tiền đề quan trọng để hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao của TP.HCM; là hạt nhân, một cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TP và vùng kinh tế phía Nam phát triển” – báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật nêu rõ.

Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá việc sáp nhập ba ĐVHC cấp huyện để thành lập TP Thủ Đức là đúng chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC. Mô hình “TP thuộc TP trực thuộc trung ương” là một mô hình mới, chưa có trong tiền lệ nhưng đã được Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định.

Cụ thể, khoản 2 Điều 111 quy định: “Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, ĐVHC – kinh tế đặc biệt do luật định”.

Khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 cũng nêu rõ các ĐVHC của nước ta gồm có “huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh, TP thuộc TP trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện)”.

Như vậy, “Việc thành lập TP trên cơ sở sáp nhập ba ĐVHC cấp huyện là bảo đảm cơ sở chính trị, pháp lý” – báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận định.

TP Thủ Đức - mô hình mới đầu tiên của cả nước - ảnh 2
Cán bộ UBND quận Thủ Đức, TP.HCM đang giải quyết thủ tục cho người dân. Ảnh: THANH TUYỀN

Sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư sẽ ra sao?

Một trong những vấn đề quan tâm khi thành lập TP Thủ Đức là việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức. Theo số liệu, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của ba quận hiện có 981 người, hợp đồng lao động là 149 người.

Đề án Chính phủ trình dự kiến sẽ bố trí ở TP Thủ Đức 822 cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức và lao động dôi dư là 399 người. “TP.HCM đã có phương án bố trí, giải quyết cán bộ, công chức dôi dư bảo đảm lộ trình theo quy định” – đề án nêu rõ.

Liên quan đến lộ trình, phương án sắp xếp đội ngũ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi thành lập TP Thủ Đức, đề án cho biết sẽ được thực hiện theo quy định.

Cũng theo đề án, số lượng cấp phó, số lượng biên chế công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị liên quan do sáp nhập, hợp nhất trong khoảng thời gian đầu có thể cao hơn quy định, sau đó sẽ giảm dần để đảm bảo số lượng biên chế và bố trí đúng quy định. “Trường hợp dôi dư không bố trí, sắp xếp được sang các đơn vị khác thì động viên thôi việc và được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định chính sách của TP” – đề án nêu rõ.

Đối với lao động hợp đồng dôi dư, dự kiến sẽ bố trí, sắp xếp, điều chuyển sang các đơn vị khác trong TP còn thiếu. Trường hợp không bố trí, sắp xếp được sang các đơn vị khác thì động viên thôi việc và được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định chính sách của Nhà nước.

Về phương án bố trí, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản của các cơ quan, tổ chức, dự kiến trụ sở Thành ủy TP Thủ Đức đặt tại trụ sở UBND quận 2. Trụ sở MTTQ và các đoàn thể TP Thủ Đức đặt tại trụ sở UBND quận 9, còn trụ sở HĐND và UBND TP Thủ Đức đặt tại trụ sở UBND quận Thủ Đức…

“TP sẽ chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc tiếp nhận, bàn giao, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản, cơ sở vật chất các cơ quan, đơn vị thực hiện sắp xếp, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát tài sản, đất đai” – đề án cho hay.

TP Thủ Đức - mô hình mới đầu tiên của cả nước - ảnh 3

Cải cách hành chính, tăng cường côngnghệ

Tại phiên họp thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng sau khi thành lập TP Thủ Đức, khối lượng công việc quản lý nhà nước cũng như việc giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công hằng ngày cho hơn 1 triệu dân là rất lớn. Trong khi sau khi sáp nhập quận, số lượng cán bộ, công chức TP sẽ giảm 1/3 so với hiện tại. Do vậy, có ý kiến băn khoăn với nguồn nhân lực như vậy liệu có gây quá tải cho công tác quản lý nhà nước cũng như phiền hà, ách tắc trong quá trình giải quyết công việc của người dân hay không.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và TP.HCM nêu rõ giải pháp, phương hướng kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền TP Thủ Đức; đổi mới phương thức hoạt động, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử.

“Chính phủ, chính quyền TP.HCM xác định lộ trình, giải pháp cụ thể trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức và việc giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư. Cùng đó là kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức để có thể đảm đương được các công việc của chính quyền đô thị thông minh trong thời gian tới” – Ủy ban Pháp luật đề nghị.

Thành lập tám trung tâm quan trọng tại TP Thủ Đức

TP Thủ Đức sau khi sáp nhập có diện tích hơn 211 km2, quy mô dân số hơn 1 triệu người, với 34 phường trực thuộc. Khu vực dự kiến thành lập TP Thủ Đức đã được Thủ tướng công nhận kết quả rà soát đánh giá tiêu chí đô thị loại I (chưa có quyết định công nhận đô thị loại I).

Theo đề án của Chính phủ, TP Thủ Đức sau khi được thành lập dự kiến sẽ hình thành tám trung tâm quan trọng của khu đô thị sáng tạo, tương tác cao.

Cụ thể là Trung tâm tài chính gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao (khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, khu chế xuất); Trung tâm giáo dục, đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ trình độ cao (ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Fulbright, ĐH Nông Lâm và các đại học lân cận…); Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái – khu vực Tam Đa và Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng container Cát Lái; khu đô thị cảng Trường Thọ – đô thị tương lai. 

ĐỨC MINH/PL

Bài mới
Đọc nhiều