Thành phố Thủ Đức cần một Thị trưởng?
Đó là kiến nghị tại buổi tọa đàm “Những điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa TP.Thủ Đức – Thành phố sáng tạo: Thuận lợi, thách thức và lộ trình” do Báo SGGP – Đầu tư Tài chính tổ chức ngày 4.9.
Theo ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, TP.HCM nổi tiếng về sự năng động, sáng tạo, phát triển và là đầu tàu kinh tế, có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo… Tuy nhiên, TP đang đứng trước những thách thức không nhỏ để tiếp tục duy trì vai trò đầu tàu vốn có của mình cũng như đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của đất nước.
Do đó, việc đặt mục tiêu lớn nhất xây dựng một đô thị năng động, sáng tạo, thông minh, tương tác cao là tạo ra môi trường sống tốt nhất cho người dân TP, tạo ra những động lực phát triển để cho nền kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, những ý kiến của các chuyên gia, các doanh nghiệp, các nhà quản lý tại buổi tọa đàm sẽ là những tư liệu quý cho lãnh đạo TP tham khảo, lắng nghe với tinh thần cầu thị để cân nhắc thật kỹ lưỡng vì lợi ích của người dân TP, vì sự phát triển của TP.
“Đích đến cuối cùng là sau này chúng ta nói được rằng TP.Thủ Đức phải là một nơi rất đáng sống, chất lượng sống rất cao, môi trường sống thân thiện, năng suất lao động cao và có thể đóng góp thực sự cho nền kinh tế Việt Nam. Còn nếu chúng ta nói toàn những lời mỹ miều mà cuối cùng kết quả không ra gì thì trở nên vô ích, thậm chí là có hại bởi vì chúng ta sẽ tốn rất nhiều công sức”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói và mong rằng trong thời gian tới, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thành phố tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp… cho đề án này.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam (Bộ Xây dựng), cho rằng thành phố mới cần có một thị trưởng, một ê kíp điều hành, quản lý thành phố và đặc biệt phải có quyền quyết định thì mới bắt kịp cơ hội. Nếu không được, theo ông Hải, TP.HCM phải đề xuất với Quốc hội thành lập một khu kinh tế đặc biệt nằm trong TP.HCM hoặc xác lập một thành phố chính quyền đô thị độc lập.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nhận định tương lai TP sẽ theo chế độ thị trưởng được tự quyết ngân sách.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa tài chính Đại học kinh tế TP.HCM, ngân sách cho TP.HCM hiện nay còn rất ít dù liên tục có kiến nghị tăng ngân sách giữ lại. Nếu cứ theo kiến nghị cũ là tăng ngân sách giữ lại sẽ rất khó, nhân cơ hội này nên thay đổi mô hình ngân sách từ tập trung sang phi tập trung bằng cách khoán ngân sách, sau khi hoàn thành chỉ tiêu sẽ được giữ lại để đầu tư cho hạ tầng.
PV/TN