Bên cạnh công việc chuyên môn ứng phó với dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các cấp chính quyền TP.HCM dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác an sinh xã hội, nhất là những người yếu thế, công nhân, hoàn cảnh khó khăn…
Không để ai lâm vào cảnh cùng cực
Quan điểm xuyên suốt đó được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhắc đi nhắc lại trong nhiều cuộc giao ban với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và các buổi làm việc với cấp ủy trực thuộc, nhất là sau khi TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội (từ ngày 31.5). Theo ông Nên, trong quá trình thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, đời sống và sinh hoạt người dân bị ảnh hưởng, nhất là người dân trong khu cách ly, khu phong tỏa đã phải chấp nhận khó khăn trước mắt nhằm giúp các lực lượng chức năng truy vết F0 để điều trị, khoanh vùng, dập dịch.
Ông Nên nhận định việc chăm sóc đời sống tinh thần, an dân vào thời điểm này là đặc biệt quan trọng, bởi người dân chịu sức ép về giãn cách, cuộc sống bị đảo lộn, nhiều nơi khó khăn cần sự tiếp sức của xã hội. “An dân không chỉ bằng lời nói mà bằng việc làm cụ thể, giải quyết kịp thời nhu cầu bức thiết của người dân. TP.HCM đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ đầy tình nghĩa từ các tỉnh, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, sự đồng tâm hiệp lực của người dân thành phố… Do vậy, chính quyền các cấp cần bám sát chăm lo, không để trường hợp nào lâm vào khó khăn cùng cực do tác động của các biện pháp giãn cách”, ông lưu ý.
Với mục tiêu đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận, huyện và TP.Thủ Đức thành lập Tổ hỗ trợ và phản ứng nhanh tại địa phương, vận hành ngay đường dây nóng để tiếp nhận và điều phối giải quyết ngay tất cả phản ánh của người dân nhằm chăm lo chu đáo, đầy đủ, kịp thời cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh.
“Trách nhiệm của hệ thống chính trị là hỗ trợ tối đa người dân cùng vượt qua khó khăn, bất tiện trong thời gian giãn cách xã hội; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phiền hà về thái độ giao tiếp, ứng xử với người dân”, ông Phong yêu cầu và lưu ý cần quan tâm chăm lo các trường hợp chưa hoặc không thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ theo quy định, vận động nhà hảo tâm, người có điều kiện tốt hơn quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ người đang gặp khó khăn sinh sống xung quanh.
Quan tâm đến từng bữa ăn
Lan tỏa tinh thần thành phố nghĩa tình, liên tục trong nhiều ngày qua, nhiều cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm trên địa bàn TP.HCM đã dốc sức thực hiện nhiều phần việc nghĩa tình. Không chỉ tặng nhiều vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch, nhóm thiện nguyện của chị Đặng Thị Trúc Giang (Công ty Nhà Gốm Nhật) và Lê Hoài Anh, vợ chồng anh Khánh – chị Điệp (ngụ TP.Thủ Đức) chung sức vận động, chuyên chở gần 200 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm từ Bình Thuận vào phát tặng lực lượng tuyến đầu, bà con khu phong tỏa, khu cách ly, bệnh viện dã chiến… Trong số đó, phần lớn hàng hóa, nhu yếu phẩm do chị Phạm Thị Xinh (Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Nguyên Thuận) hỗ trợ. Chị Cẩm Nhung (ngụ Q.Gò Vấp) cùng nhóm bạn tổ chức nấu cơm, cháo, hủ tiếu, làm bánh cuốn… phát tặng bà con khu phong tỏa, các hoàn cảnh khó khăn, vô gia cư. Anh Đình Sơn (ngụ H.Nhà Bè) cũng cùng bạn bè vận động hàng chục tấn rau củ quả phát tặng miễn phí.
Chiều 24.7, theo ghi nhận của PV, chiếc xe bán tải của công an phường đậu trước hẻm 13 Tân Hòa Đông, P.13 (Q.6); 3 người đi theo xe mang hơn 20 phần quà gồm: mì, xúc xích, khoai lang, củ cải, chuối, mướp, cà tím… đặt lên chiếc bàn trước hẻm. Con hẻm này bị phong tỏa cách đây 4 ngày. Ngay hôm đầu phong tỏa, Ủy ban MTTQ P.13 đã gửi mỗi hộ dân 10 kg gạo và một thùng mì. Ông Vương Quang Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ P.13, cho biết toàn phường có 14 điểm phong tỏa với hơn 300 hộ dân và 657 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Những hộ khó khăn sẽ được hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cơ bản như gạo, mì, trứng, nước mắm, dầu ăn…
Bà Lê Thị Thanh Thảo, Chủ tịch UBND Q.6, cho biết quan điểm của quận là không để một trường hợp nào bị đói, bị thiếu lương thực, thực phẩm hoặc nhu cầu tối thiểu. Đối với người dân trong khu phong tỏa, MTTQ và các đoàn thể Q.6 đáp ứng nhu cầu mua lương thực, thực phẩm giúp người dân, những hộ khó khăn được hỗ trợ lương thực, thực phẩm 1 lần/tuần, khu nào phong tỏa thời gian dài hơn thì 2 lần/tuần. Bếp ăn từ thiện cũng sẽ hỗ trợ thêm các suất ăn đến các hộ nghèo trong khu phong tỏa. Riêng các khu cách ly F0, F1, Q.6 cũng chuẩn bị thêm phần nước trái cây để người cách ly có thêm sức đề kháng.
Chính quyền Q.6 cũng chủ động chuẩn bị thêm nguồn lương thực dự trữ cho thời gian tới, chứ không chỉ chờ vào nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Ngay khi dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng, Q.6 chỉ đạo thành lập tổ phản ứng nhanh giải quyết an sinh xã hội, thiết lập đường dây nóng để Thường trực UBND quận và lãnh đạo UBND 14 phường tiếp nhận thông tin những trường hợp khó khăn để kịp thời hỗ trợ. Q.6 còn có mô hình “Gạo 0 đồng” giao tận nhà, người dân nào khó khăn có thể gọi điện đến UBND các phường, mặt trận, đoàn thể, mỗi lần nhận 5 kg gạo, khi nào gần hết thì đến nhận thêm.
Nhiều mô hình ý nghĩa
Là huyện ngoại thành với tốc độ đô thị hóa cao trong những năm gần đây, H.Bình Chánh đối diện áp lực gia tăng dân số cơ học, dân nhập cư đông. Khi dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhiều hoạt động phải dừng để hạn chế mức độ lây lan thì công tác chăm lo cho các hộ khó khăn càng thêm bộn bề.
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh nói công tác an dân tập trung vào 3 trụ cột chính, thứ nhất là chuẩn bị hàng hóa đầy đủ, thứ hai là phân phối hàng hóa đến người dân và thứ ba là chăm lo cho các nhóm yếu thế. H.Bình Chánh cũng như nhiều địa phương khác áp dụng mô hình “Đi chợ giùm bạn” do Hội Liên hiệp Phụ nữ đảm trách, Huyện đoàn lập nhóm hỗ trợ mua hàng hóa, Tổ Covid-19 cộng đồng chuyển hàng hóa đến người dân. “Lương thực, hàng hóa, rau củ quả, huyện luôn có đầy đủ, bất cứ chỗ nào thiếu, báo về là huyện chuyển xuống liền với mục tiêu không để bất kỳ ai bị đói trong những ngày giãn cách”, ông Nam nói.
Theo thống kê của Ủy ban MTTQ H.Bình Chánh, trong 14 ngày giãn cách vừa qua theo Chỉ thị 16, MTTQ và các đoàn thể, hội nhóm đã kết nối, vận động và phân bổ hơn 4 tấn gạo, hơn 10.000 trứng gà, 133 tấn thực phẩm gồm rau củ quả và đặc sản từ các tỉnh hỗ trợ các hộ dân trong khu phong tỏa, bếp ăn yêu thương. Ở cấp xã và thị trấn cũng chủ động chăm lo hơn 20.000 hộ dân khó khăn bị ảnh hưởng trong các khu vực bị phong tỏa với tổng giá trị hơn 9 tỉ đồng.
Còn tại H.Hóc Môn, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể vận động được hàng trăm tấn gạo, cùng hàng chục ngàn thùng mì, trứng gà, nhu yếu phẩm… chăm lo cho hơn 45.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, lao động tự do, hộ dân trong các khu vực bị phong tỏa có hoàn cảnh khó khăn.
TP.HCM mở 2 kênh tổng đài hỗ trợ người dân
TP.HCM vừa triển khai 2 kênh tổng đài hỗ trợ người dân gặp hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 (1022 – bấm số 2) và tổng đài tư vấn sức khỏe liên quan đến dịch Covid-19 (1022 – bấm số 3).
Đối với kênh hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn, người dân có thể gửi thông tin về bản thân, gia đình hoặc hàng xóm, những người có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ nhu yếu phẩm hoặc các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định nhưng chưa nhận được hỗ trợ… Các thông tin này sẽ được chuyển đến Sở LĐ-TB-XH, UBND TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện xử lý, hỗ trợ người dân trong thời gian nhanh nhất.
Riêng Tổng đài 1022 – kênh 3, người dân sẽ được kết nối với 32 giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ đến từ Hội Y học TP.HCM để tư vấn về cách xử trí khi có người thân mắc bệnh Covid-19, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe khi có người tiếp xúc gần các ca bệnh…
Sở TT-TT TP.HCM cho biết số lượng cuộc gọi quá lớn, các đơn vị đã bố trí đến 120 tổng đài viên làm việc 24/24 nhưng vẫn không thể tiếp nhận hết cuộc gọi. Sở đang phối hợp các tổng đài quốc gia hỗ trợ thêm và triển khai callbot để tự động trả lời cho người gọi; đồng thời làm việc với Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM để mở rộng khung giờ và số lượng y bác sĩ tham gia tư vấn cho người dân.
Theo Sở LĐ-TB-XH, đến chiều 24.7, TP.HCM đã chi hỗ trợ đợt 1 cho 269.631 lao động tự do (mức chi 1,5 triệu đồng/người).
Ủy ban MTTQ VN TP.HCM cho biết, tính đến ngày 23.7, Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã tiếp nhận tiền, hàng hơn 1.829 tỉ đồng; đã phân phối tiền, hàng hơn 1.675 tỉ đồng đến các quận, huyện và TP.Thủ Đức để chăm lo cho người dân tại các khu cách ly, phong tỏa; cơ sở y tế, chốt kiểm soát dịch… “Trong đại dịch Covid-19 đã cho thấy tinh thần thành phố nghĩa tình được phát huy, sự đoàn kết, tình yêu thương con người, lòng bao dung và trách nhiệm với cộng đồng”, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM chia sẻ.
Song song đó, từ ngày 27.4 – 22.7, Liên đoàn Lao động TP.HCM hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho khoảng 23.500 người lao động với tổng kinh phí hơn 3,5 tỉ đồng; tổ chức các phiên “siêu thị 0 đồng”; đi chợ giúp hơn 2.000 công nhân, người lao động tại khu cách ly; bếp ăn từ thiện tặng suất ăn cho 4.300 người…
Sỹ Đông