Cuộc trò chuyện với người đứng đầu chính quyền TP.HCM được thực hiện trước phiên họp quan trọng vào sáng nay (26-5): Các đại biểu Quốc hội bắt đầu thảo luận dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế nghị quyết 54 năm 2017).
Mở đầu cuộc trò chuyện, Chủ tịch UBND TP.HCM nhắc lại cách đây đúng một năm, cũng ở hội trường Diên Hồng của Quốc hội, khi thảo luận xem xét thông qua dự án vành đai 3 TP.HCM, các đại biểu đã nêu, nhìn nhận rõ vai trò, vị thế, cũng như những điểm nghẽn, khó khăn của TP.HCM.
Khát khao tháo gỡ điểm nghẽn cơ chế, chính sách, tạo đà tăng trưởng mới cho đầu tàu kinh tế bứt phá không chỉ còn của riêng người dân, lãnh đạo TP mà lan tỏa ra cả nước.
“Cả nước vì TP để tin tưởng, ủng hộ trao vai trò thí điểm cơ chế, chính sách mới, và TP cũng tiên phong vì cả nước thí điểm để nhân rộng, tạo sự phát triển mới và đóng góp nguồn lực cho cả nước.
Vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của TP đã được khẳng định lâu nay.
Dù vậy, trong bối cảnh này cũng cần phải nói rõ hơn sứ mệnh, trọng trách lớn lao mới của TP.HCM được Bộ Chính trị xác định trong nghị quyết 31 là xây dựng TP có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á và đến năm 2045 phải phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á.
TP rất cần những cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá như đã đề xuất để có “vũ khí” thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ lớn lao này” – ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
* Nghị quyết nêu nhiều vấn đề, nhưng nếu phải nêu ngắn gọn nhất về mục tiêu thì sẽ là gì, thưa ông?
– Các cơ chế, chính sách đề xuất trong nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM lần này gói trong bốn chữ: “khơi thông nguồn lực”.
Bởi nếu được Quốc hội thông qua và làm tốt các cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, nhất là thu hút nguồn vốn đầu tư, TP.HCM sẽ có nguồn thu hút cả trăm nghìn tỉ đồng vốn đầu tư, đó là động lực phát triển dành cho cả nước.
* Ông có thể nói rõ hơn về mục tiêu này?
– Con số tăng trưởng 0,7% trong quý 1-2023 chưa phải là kết quả cuối cùng của tăng trưởng kinh tế cả năm của TP.HCM nhưng buộc chúng ta nhìn lại nhiều điều vì đó là hệ quả của một quá trình dài.
Nhất là khoảng 10 năm trở lại đây, các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng của TP.HCM, của vùng kinh tế tích tụ ngày càng lớn, bộc lộ ngày một rõ.
Tiềm năng, lợi thế về nguồn lực rất lớn của TP không được khai thác hiệu quả, gặp đủ thứ vướng mắc, tắc nghẽn. Ở điều kiện thường có thể không thấy rõ nhưng khi kinh tế, xã hội thế giới và trong nước có nhiều biến động bất thường, những yếu kém, hạn chế về thể chế, hạ tầng bộc lộ rõ và hệ quả đến ngay tức thì.
* Hơn 40 cơ chế, chính sách được đề xuất trong nghị quyết mới, trong khi nghị quyết 54 trước đó chỉ có khoảng 15 cơ chế, chính sách. Số lượng này có đồng nghĩa với việc hiện nay TP có rất nhiều điểm nghẽn ở nhiều lĩnh vực cần khơi thông?
– Nói đúng hơn, TP.HCM có rất nhiều tiềm năng về nguồn lực ở nhiều lĩnh vực cần được khơi thông, tạo động lực phát triển mới để từ đó giữ vững vị trí đầu tàu, đóng góp cho kinh tế cả nước.
Nguồn lực đó bao gồm con người, đất đai, tài chính, khả năng tập trung tích lũy cơ sở hạ tầng, tài sản nông nghiệp, nghiên cứu, dịch vụ và thúc đẩy hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước.
Nếu có những cơ chế vượt trội, đột phá để gỡ vướng về thể chế, tạo động lực mới để TP tổ chức bộ máy, tập trung triển khai các dự án hạ tầng, chương trình chỉnh trang đô thị, giảm ô nhiễm môi trường, thu hút nhà đầu tư chiến lược, quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… thì sức hấp thụ vốn của TP.HCM sẽ tăng lên. Động lực phát triển mới cho TP chắc chắn được tạo lập.
* Có những lo lắng về cán bộ, công chức, nhát là vừa qua có những đánh giá, nhìn nhận về sự e dè, sợ trách nhiệm thì liệu có đảm đương nổi việc thực hiện một loạt các chính sách lớn?
– Đúng là việc chuẩn bị đội ngũ, tâm thế mới là rất quan trọng. Tp không phủ nhận việc có một bộ phận cán bộ hiện nay e dè, ngại trách nhiệm, làm việc trong tâm thế sợ sệt. Thành ủy, UBND TP đã và đang có nhiều biện pháo chấn chỉnh việc này. Nhưng công bằng đánh giá, con số đó chiếm phần nhỏ trong đội ngũ cán bộ, công chức thành phố vốn có tinh thần năng động, sáng tạo, dám làm, sẵn sàng cống hiến.
Nếu TP sợ trách nhiệm, e dè sẽ không đề xuất tiên phong thí điểm hang chục cơ chế, chính sách mới. Trong đó có cả những chính sách chưa có quy định hoặc chính sách được đưa vào sửa đổi, bổ sung các dự luật sắp tới. Thêm cơ chế, chính sách là them công việc, trách nhiệm và cả rủi ro pháp ly.
Tôi tin với truyền thông năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vốn có, không chỉ cán bộ, công chức, viên chức mà người dân TP đều có sự linh động của mình và trước những thách thức và nhiệm vụ sẽ có nỗ lực phấn đấu tiếp tục ây dựng TP phát triển.
* Ngoài số lượng, những cơ chế, chính sách ở nghị quyết mới khác với nghị quyết 54 như thế nào? Và đâu là những điểm nhấn sẽ tạo sự đột phá, thưa ông?
– Nếu mục tiêu của cơ chế, chính sách ở nghị quyết 54 tập trung tạo nguồn thu thì nghị quyết mới lại tập trung nhiều cho thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục dự án, thí điểm các hình thức đầu tư mới.
Nói cách khác, lần này TP.HCM đề xuất thí điểm các cơ chế để tạo ra sự phát triển, từ đó đóng góp thực tiễn, nguồn lực cho cả nước, chứ không xin “đặc lợi” cho riêng mình.
Ngoài một số nghị quyết đã có trong nghị quyết 54, ba nhóm còn lại tập trung ở các cơ chế, chính sách đặc thù được quy định cho các địa phương khác; cơ chế, chính sách đặc thù có trong các dự thảo luật sẽ sửa đổi thời gian tới và các cơ chế, chính sách mới, chưa được quy định.
Với bốn nhóm cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội vừa giúp TP tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn về thủ tục, dự án đã làm trước đây để dòng vốn đầu tư chạy nhanh hơn, đồng thời kiến tạo động lực phát triển mới lớn hơn, mạnh hơn để TP phát triển, thúc đẩy vai trò đầu tàu kinh tế.
Cùng với đó, nghị quyết mới giúp thành phố phân cấp, ủy quyền kịp thời, chủ động hơn, có được chiếc áo cơ chế vừa vặn để TP Thủ Đức phát triển.
* Động lực phát triển mới lớn hơn, mạnh hơn như ông nói có thể thấy rõ qua cơ chế, chính sách được đề xuất như thế nào?
– Lấy ví dụ, hạ tầng là một trong những điểm nghẽn lớn ngăn cản tăng trưởng kinh tế của TP.HCM và cả vùng.
Lâu nay, TP có làm một số dự án lớn nhưng cả số lượng và quy mô đều hạn chế, chưa đạt kỳ vọng và chưa thu hút các nhà đầu tư lớn tham gia. Với nguồn lực công có hạn, việc thu hút đầu tư tư nhân rất quan trọng với sự phát triển của TP.
Dù vậy, việc kêu gọi đầu tư, thực hiện các dự án gặp rất nhiều vướng mắc. Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng vừa qua đã tổng hợp hơn 200 vấn đề khó khăn với các dự án đầu tư kinh doanh, chưa kể các vướng mắc liên quan đến các luật đã được nhận diện và đưa vào chương trình sửa đổi.
Nghị quyết mới đề xuất thí điểm nhiều cơ chế như phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa.
Cùng với đó, TP đề xuất làm các dự án BOT trên đường hiện hữu, BT ưu đãi nhà đầu tư chiến lược, áp dụng khoa học đổi mới sáng tạo…
Tổng lực các nhóm cơ chế, chính sách sẽ giải quyết những vướng mắc hiện tại, giúp TP kêu gọi nguồn lực lớn đầu tư từ vốn đầu tư tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Qua đó giảm bớt gánh nặng cho ngân sách và giải quyết hài hòa giữa nhu cầu đầu tư của người dân và doanh nghiệp. Nếu làm tốt các chính sách này, TP sẽ thu hút đầu tư hàng trăm ngàn tỉ đồng.
* Khi trình nghị quyết 54, bối cảnh kinh tế, xã hội của TP.HCM có nhiều điểm sáng, tăng trưởng cao, còn hiện nay rất nhiều khó khăn, hạn chế bủa vây. TP làm gì để vừa vượt qua khó khăn, vừa đồng loạt tổ chức thực hiện các chính sách vượt trội, đột phá?
– Thách thức này đã được nhận diện và TP cũng rút kinh nghiệm khi thực hiện nghị quyết 54 để có cách làm mới, hiệu quả hơn. Cùng lúc chuẩn bị hồ sơ trình, TP đã chủ động, phân công cho các cơ quan, sở ngành để chuẩn bị các tờ trình, đề án cụ thể hóa những chính sách có thể làm trước trình HĐND TP tại các kỳ họp sắp tới, đảm bảo nghị quyết thông qua sẽ được thi hành ngay.
Ví dụ chính sách nâng trần vốn đầu tư trung hạn, hiện các sở liên quan phải tính toán có bao nhiêu dự án nằm trong gói, các thủ tục cần thiết để thông qua, từ đó chủ động hoàn thiện các thủ tục pháp lý để năm 2024 có thể triển khai các dự án này.
Tinh thần là TP cố gắng hết sức làm sao củng cố bộ máy, chuẩn bị tâm thế, chuẩn bị hồ sơ để trong năm nay cụ thể hóa được các chính sách và tập trung 4 năm còn lại để thực hiện.
* Xin cảm ơn ông.