+
Aa
-
like
comment

Thành công trong chiến lược ngoại giao vaccine và tiêm phòng miễn phí toàn dân

06/10/2021 06:08

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay đang được triển khai trên cả nước nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Đảng và nhà nước trong chiến lược ngoại giao vaccine. Số vaccine này chưa thể giúp cho chiến lược vaccine của Việt Nam ‘cán dích’ nhưng rõ ràng đã đặt những viên gạch đầu tiên cho miễn dịch cộng đồng. 

Gần 2 năm triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong bối cảnh khan hiếm nguồn vắc xin, việc chống dịch cũng chưa có tiền lệ, chiến lược kiểm soát không có ca nhiễm tại cộng đồng đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong giai đoạn vừa qua.

Tuy nhiên, với những chiến lược về vắc xin, ngoại giao vắc xin với mục tiêu bao phủ, tiêm miễn phí toàn dân và tăng cường năng lực y tế, đã tới lúc thay đổi chiến lược theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều cuộc điện đàm tìm kiếm vaccine về cho Việt Nam. Ảnh minh họa.

Sau gần 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, vắc xin vẫn là vũ khí được toàn nhân loại trông chờ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt mục tiêu tiêm vắc xin Covid-19 cho ít nhất 40% vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022. Với thực trạng phân phối vắc xin như hiện nay, cộng thêm sự xuất hiện của các chủng vi rút nguy hiểm, nhiều nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp đang hứng chịu tác động to lớn những đợt bùng phát dịch mới.

Tại Việt Nam, sau đợt bùng phát dịch lần thứ 4, đến nay đã có trên 810.000 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm khống chế dịch bệnh, ngoại giao vắc xin trở thành một mũi chủ lực, không chỉ trong tiếp cận, nhập khẩu vắc xin mà còn mở ra cơ hội chuyển giao công nghệ và sản xuất tại chỗ, tạo ra nguồn cung vắc xin bền vững nhất cho Việt Nam cả trước mắt lẫn lâu dài.

Ngoại giao vắc xin thực chất là việc tranh thủ các mối quan hệ song phương và đa phương thông qua các tổ chức quốc tế, các quốc gia, tập đoàn để tăng cường tiếp cận vắc xin cho người dân.

Ngay từ khi dịch mới bùng phát, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã sớm dự báo và có những chỉ đạo về tổng thể công tác phòng, chống dịch, trong đó có triển khai chiến lược vắc xin. Đó là, tiếp cận nguồn vắc xin từ bên ngoài, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin bảo đảm triển khai tiêm chủng an toàn và hiệu quả cho người dân.

Tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, ngày 24/8 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận: Khẩn trương tập trung triển khai Chiến lược vắc xin, đặc biệt là việc cung ứng, sớm thực hiện tiêm vắc xin diện rộng để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã có sự quan tâm, chỉ đạo và tham gia hết sức quyết liệt, từ ngoại giao song phương, ngoại giao đa phương, kể cả thông qua các hình thức điện đàm, viết thư cho các lãnh đạo các nước để có thể tiếp cận các nguồn vắc xin.

Trong hàng trăm cuộc điện đàm, tiếp xúc ở trong nước và ngoài nước, không có cuộc làm việc đối ngoại nào của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước mà không đề cập đến hợp tác về vắc xin cũng như tiếp cận nguồn vắc xin của các đối tác.

Thông điệp chung được lãnh đạo Việt Nam chia sẻ và mong muốn các quốc gia tạo thuận lợi để Việt Nam tiếp cận nguồn cung cũng như công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19.

Với chủ trương tham gia COVAX từ sớm, tháng 12/2020, Việt Nam đã gửi hồ sơ cho cơ chế này đề xuất hỗ trợ vắc xin. Trên cơ sở đó, COVAX đã phân bổ vắc xin và cam kết cung cấp cho Việt Nam số lượng vắc xin bảo đảm tiêm chủng cho 20% dân số, tương đương với gần 39 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19.

Giải trình trước Quốc hội ngày 25/7/2021, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thực hiện kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, từ đầu năm 2020, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt chiến lược vắc xin trên toàn diện các lĩnh vực liên quan đến vắc xin.

Ngày 13/8/2021, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác về ngoại giao vắc xin do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng. Tổ còn có sự tham gia của nhiều lãnh đạo các bộ Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, Công thương, Khoa học – công nghệ và Văn phòng Chính phủ.

Ba ngày sau, tổ công tác đã có cuộc họp đầu tiên nhằm tập trung đánh giá và rà soát những kết quả tích cực bước đầu đạt được và định hướng trong triển khai công tác ngoại giao vắc xin thời gian tới. Trong bối cảnh trong nước chưa sản xuất được vắc xin ngừa Covid-19, yêu cầu phòng chống dịch rất cấp bách trong khi nguồn vắc xin trên thế giới khan hiếm, ngoại giao vắc xin là “mặt trận” rất quan trọng.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, vận động có được vắc xin là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi của chiến lược vắc xin.

Ngoại giao vắc xin,vắc xin Covid-19

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, tổ công tác sẽ vận động các đối tác giao vắc xin cho Việt Nam đúng hạn hoặc sớm hơn kế hoạch theo các thỏa thuận, hợp đồng đã ký. Ngoài ra tổ cũng sẽ chủ động và tích cực thẩm tra, xác minh các đối tác nước ngoài, thông tin liên quan đến khả năng cung cấp vắc xin, thuốc điều trị và vật phẩm y tế mà Việt Nam có thể tranh thủ, nhập khẩu hoặc hợp tác sản xuất.

Các thành viên tổ công tác và nhóm giúp việc cũng thể hiện sự quyết tâm làm việc không kể ngày đêm, trên tinh thần chủ động, khẩn trương, sáng tạo, hiệu quả, phấn đấu đạt số lượng vắc xin càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt.

“Thực tiễn cho thấy, thông qua ngoại giao vắc xin, đến nay nước ta đã tiếp nhận hàng triệu liều vắc xin từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, không chỉ trực tiếp phục vụ công tác phòng chống dịch, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đối nội, đối ngoại, chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế – xã hội”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.

Với mạng lưới hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế đã phối hợp triển khai quyết liệt nhiệm vụ này. Qua đó, Việt Nam đã tiếp cận được một số nguồn vắc xin của các nước, các tổ chức quốc tế. Kết quả đó thực sự  đóng góp quan trọng vào chiến lược tiêm chủng của Việt Nam.

Đến thời điểm này, Việt Nam đã tiếp cận khoảng 60 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19; có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ của Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Anh và các nước khác với số lượng trên 130 triệu liều, đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều vào năm 2021.

Mũi chủ công ngoại giao vắc xin đã có những tín hiệu lạc quan và hiệu quả bước đầu. Số vắc xin này chưa thể giúp cho chiến lược vắc xin của Việt Nam “cán đích” nhưng rõ ràng đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc miễn dịch cộng đồng qua tiêm chủng trong bối cảnh chưa có nguồn vắc xin sản xuất trong nước.

Trong một số chuyến công tác nước của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngoài chương trình nghị sự đối ngoại, ngoại giao vắc xin là một trong những ưu tiên, qua đó mang về một lượng lớn vắc xin, trang thiết bị, vật tư y tế.

Cách nửa vòng trái đất, chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tạo nên động lực và luồng sinh khí mới thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và đặc biệt giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi nước trong bối cảnh mới.

Khi đến thăm Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ sinh học – đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin tại La Habana, Chủ tịch nước trực tiếp chứng kiến việc Việt Nam ký hợp đồng mua ngay 5 triệu liều vắc xin Abdala, trong đó 1 triệu liều được mang về luôn trên chuyên cơ chở Chủ tịch nước và đã hạ cánh tại sân bay Nội Bài tối 25/9.

Lễ ký biên bản ghi nhớ về việc mua 5 triệu liều vắc xin Soberana cho trẻ em đồng thời được xúc tiến trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước.

Ngoại giao vắc xin,vắc xin Covid-19

Trong khuôn khổ các phiên họp cấp cao của Liên Hợp Quốc tại New York, ngoại giao vắc xin đã được triển khai một cách quyết liệt trong tất cả các hoạt động, từ phát biểu của Chủ tịch nước ở các hội nghị tại Liên Hợp Quốc cho đến các cuộc gặp gỡ song phương.

Trong hơn 3 ngày ở New York, Chủ tịch nước đã gặp gỡ hơn 30 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế lớn như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng với khoảng 20 cuộc gặp, trao đổi với gần 50 tập đoàn hàng đầu thế giới. Lãnh đạo các ban Đảng, bộ, ngành Trung ương trong đoàn rất chủ động, tích cực gặp gỡ lãnh đạo đối tác liên quan, trong đó có khoảng 20 bộ trưởng ngoại giao các nước.

Kết quả, bên cạnh 1 triệu liều vắc xin Abdala chuyển về nước, nhiều đối tác đã cam kết viện trợ và bán vắc xin cho Việt Nam như Hàn Quốc cam kết hỗ trợ và sẽ giao hơn 1 triệu liều vắc xin vào giữa tháng 10/2021, Hungary cam kết giao ngay 400.000 liều… Mỹ cam kết viện trợ một số lượng lớn vắc xin cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX trong kỳ phân bổ sắp tới.

Riêng trong cuộc làm việc của Chủ tịch nước với lãnh đạo Pfizer, công ty này cam kết chuyển đủ 31 triệu liều vắc xin đã ký hợp đồng với Việt Nam ngay trong năm 2021 và 20 triệu liều vắc xin cho trẻ em khi có đầy đủ dữ liệu về hiệu quả, tính an toàn.

Ngoài vắc xin, đã thúc đẩy nhiều đối tác hỗ trợ vật phẩm y tế như tập đoàn Northwestern Medicine hỗ trợ thiết bị y tế trị giá 3,8 triệu USD, Công ty Thermo Fisher cung cấp 270.000 bộ test kit trị giá 2 triệu USD, ông David Duong là Việt kiều tại Mỹ đã hỗ trợ 1.000 máy trợ thở,…

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 cũng đã tham gia trực tiếp, tranh thủ mọi hình thức ngoại giao, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp sản xuất vắc xin…Thủ tướng đã điện đàm với Thủ tướng của gần 20 nước; gửi thư, điện cho lãnh đạo 22 nước; điện đàm và gửi thư cho 10 tổ chức quốc tế.

Hầu như tuần nào lãnh đạo Chính phủ cũng có những hoạt động song phương, hàng chục cuộc điện đàm với lãnh đạo Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Pháp, Israel… Những cuộc gặp với Đại sứ các nước tại Việt Nam, doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài. Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục đề nghị WHO, COVAX, AstraZeneca, Pfizer… đẩy nhanh tiến độ giao vắc xin như đã thỏa thuận.

Trong cuộc họp trực tuyến với Giám đốc điều hành Chương trình COVAX Aurélia Nguyen ngày 20/9, Thủ tướng khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là đặt sức khoẻ và an toàn của người dân lên trên hết và trước hết. Việt Nam đang phấn đấu tiêm vắc xin bao phủ cho toàn dân nhanh nhất, sớm nhất có thể.

Nhấn mạnh Việt Nam đang rất khó khăn về vắc xin để bảo đảm tiêm đủ vắc xin cho người dân, Thủ tướng đề nghị COVAX ưu tiên phân bổ vắc xin cho Việt Nam càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt, nhất là trong các tháng 9, 10 và 11; hoàn thành thỏa thuận cung cấp vắc xin cho Việt Nam trong năm 2021.

Giám đốc điều hành Chương trình COVAX cho biết, đã trực tiếp truy cập trang mạng tiêm chủng của Việt Nam, qua đó đánh giá cao việc Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng rất thông minh, khoa học, minh bạch, kịp thời và hiệu quả; khẳng định COVAX coi Việt Nam là một trong những ví dụ điển hình trong triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng và phòng chống dịch.

Mới đây, 2,6 triệu liều vắc xin do Đức viện trợ đã về tới TP.HCM, lô vắc xin này được viện trợ từ nguồn dự trữ của Đức, đã được Thủ tướng Angela Merkel đề xuất với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Chính phủ Italia quyết định viện trợ thêm cho Việt Nam hơn 1,2 triệu liều vắc xin, nâng tổng số viện trợ cho Việt Nam lên hơn 2,8 triệu liều.

Liên minh Châu Âu là nhà tài trợ lớn thứ 2 cho quỹ COVAX, qua đó Việt Nam nhận được khoảng hơn 9 triệu liều, các quốc gia thành viên EU tiếp tục gửi viện trợ song phương tới Việt Nam.

Với 400.000 liều vắc xin về nước sáng 25/9, từ đầu tháng 6 đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ tổng cộng 3,58 triệu liều…..

Mỹ mới đây đã trao tặng Việt Nam thêm 1,5 triệu liều vắc xin Pfizer. Ngoài việc trao tặng 7,5 triệu liều vắc xin kể từ khi Covid-19 bắt đầu, Mỹ cam kết các khoản hỗ trợ trị giá 26,7 triệu USD giúp Việt Nam phòng chống dịch.

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi giữa tháng 9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị công bố sẽ viện trợ thêm 3 triệu liều vắc xin trong năm nay, nâng tổng số vắc xin viện trợ của nước này lên 5,7 triệu liều.

Trong ngoại giao nghị viện, đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đã có chuyến công tác tại châu Âu để tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hòa Áo, kết hợp làm việc tại Bỉ, Liên minh châu Âu và thăm chính thức Phần Lan.

Ngoại giao vắc xin,vắc xin Covid-19

Với lịch trình 5 ngày công tác tại 3 nước, 5 đối tác và tổng số hơn 70 hoạt động liên tục trong đó có nhiều cuộc cấp cao và chương trình nghị sự phong phú.

Trong các cuộc gặp lãnh đạo các nước gồm Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội hay các cơ quan liên quan của nước bạn, đoàn đều đặt vấn đề về vắc xin, vật tư y tế và các trang thiết bị để hỗ trợ cho Việt Nam phòng, chống dịch.

Chủ tịch Quốc hội cũng đã chứng kiến các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài ký kết để sản xuất các bộ test virus SARS-CoV-2 cũng như vắc xin. Trong tổng thể ngoại giao vắc xin của Việt Nam, đối ngoại của Quốc hội đã được tích cực triển khai sao cho đạt được mục đích cao nhất, nhiều vắc xin nhất, nhanh nhất, có được các loại thuốc và vật tư y tế. Đoàn công tác đã phát huy thế mạnh của ngoại giao nghị viện, đó là vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính nhân dân.

Kết quả sau chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội, Bỉ và Slovakia hỗ trợ 200.000 liều vắc xin và cam kết hỗ trợ, nhượng lại nhiều triệu liều. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã hỗ trợ các trang thiết bị và vật tư y tế, nhất là các bộ kit xét nghiệm Covid-19, tổng trị giá đạt trên 1.028 tỷ đồng đã góp phần quan trọng vào phục vụ phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới và đảm bảo chuỗi cung ứng, hàng hóa toàn cầu thông suốt, không bị đứt gãy.

Trần Thường – Thanh Tùng

Bài mới
Đọc nhiều