Thành công của “ngoại giao cây tre” giữa bối cảnh thế giới đứng trước cục diện mới
2023 đã qua cùng với rất nhiều biến động khiến cục diện thế giới xuất hiện nhiều thay đổi. Điêu tàn có, rực rỡ cũng có… nhưng với cộng đồng quốc tế chiến lược “ngoại giao cây tre” chính là một trong những thành công rực rỡ được giới chuyên môn hết lời khen ngợi.
Bằng việc vận dụng ngoại giao cây tre với sự chắc chắn về chiến lược, lợi ích cũng như sự uyển chuyển trong cách thức thực hiện đã tạo điều kiện cho Việt Nam thể hiện quan điểm của mình, trong đó có những điều phù hợp với xu thế chung, từ đó giúp ta có thêm bạn bè, đối tác.
Báo chí, các chuyên gia nước ngoài đánh giá trường phái “ngoại giao cây tre” của Việt Nam như nghệ thuật bám rễ chắc chắn, nhưng thích ứng linh hoạt trước những biến động chính trị trên toàn cầu.
Sức mạnh tập thể của cây tre Việt Nam
Hiện nay, giữa bối cảnh thế giới đang bước sang cục diện mới, đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc, công tác đối ngoại và ngoại giao Việt Nam đã bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát huy mạnh mẽ bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam”.
Trong một bài viết trên trang The Economic Times (Ấn Độ) đã nhận định, những năm gần đây, giới quan sát đã chứng kiến sự gia tăng trong việc sử dụng thuật ngữ “ngoại giao cây tre” trong các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Theo ông Pradhan, bản sắc “ngoại giao cây tre” cung cấp khuôn khổ cho việc ra quyết định và tạo ra các kế hoạch hành động cụ thể.
Trường phái ngoại giao này phản ánh chính sách vững chắc và đường lối đối ngoại linh hoạt của Việt Nam dựa trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh và lợi ích quốc gia, dân tộc.
“Ngoại giao cây tre” cho thấy Việt Nam nhấn mạnh vai trò của chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Ông Pradhan cho biết, trong thời gian qua, trường phái “Ngoại giao Cây tre” đã giúp Việt Nam đạt được những thành tựu đối ngoại quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp.
“Ngoại giao cây tre” giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và đảm bảo tăng trưởng kinh tế đất nước.
Cụ thể, với trường phái ngoại giao này, Việt Nam đã tạo dựng quan hệ đối tác chiến lược với các nước thuộc các khối khác nhau và bảo đảm duy trì nền độc lập nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia.
Xét về lợi ích kinh tế, bản sắc “ngoại giao cây tre” đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất.
Một năm rực rỡ của “ngoại giao cây tre”
Gần đây nhất, trang Reuters đã có bài viết nhận định mặc cho cục diện thế giới xảy ra vô vàn bất ổn, Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là quốc gia có nhiều thành tựu trong trong các mối quan hệ quốc tế bậc nhất thế giới.
Theo bài viết, đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam trong năm 2023 ngày càng năng động với những thành tựu rất đặc biệt là nâng cấp quan hệ với các đối tác chủ chốt trên thế giới gồm cùng với những hiệp định ngoại giao quan trọng.
Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện” vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam vào tháng 9/2023. Trong chuyến thăm này, hai nước cũng ký kết thỏa thuận hợp tác về chất bán dẫn, khoáng chất thiết yếu trong sản xuất chip bán dẫn. Hiện Mỹ coi Việt Nam là một trong những “mắt xích” chiến lược ở Đông Nam Á trong nỗ lực của Mỹ nhằm thiết lập một chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững.
Tiếp theo, Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” nhân dịp Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 11/2023, đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Việt Nam và Nhật Bản cũng nhất trí tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế. Các công ty đa quốc gia của Nhật Bản như Canon, Honda, Panasonic, Bridgestone nằm trong số những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Trước khi khép lại năm 2023, Việt Nam và Trung Quốc cùng thống nhất làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương thông qua tuyên bố chung về xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai” Việt Nam-Trung Quốc, nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, từ ngày 12-13/12. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông tới một quốc gia châu Á trong năm 2023.
Trong chuyến thăm này, các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương của hai nước đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác, liên quan đến các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, thương mại, an ninh và kinh tế số… Hai bên công bố Tuyên bố chung với nhiều cam kết sâu rộng khác.
Đâu chỉ thế, những thành tựu ngoại giao của Việt Nam cũng được thể hiện trong lĩnh vực kinh tế. Là một cường quốc sản xuất trong khu vực, Việt Nam ngày càng đóng vai trò chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam là một trong những “điểm sáng” của bức tranh kinh tế khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), Anh, Chile và Hàn Quốc.
Việt Nam cũng là thành viên của các hiệp định thương mại có quy mô lớn hơn, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…
“Đó là Việt Nam”
Trong cảm nhận của nhiều nhà ngoại giao nước ngoài, đối ngoại và ngoại giao Việt Nam luôn để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với bản sắc rất riêng từ chính sách đến con người, để chỉ cần gợi ra họ đã có thể thốt lên ngay: “Đó là Việt Nam!”.
Không chỉ là nền đối ngoại của cả đất nước, các nhà ngoại giao với nhiều cái tên, con người, nhân cách… cũng để lại ấn tượng trong mắt các nhà ngoại giao quốc tế.
Như vậy, có thể tự hào rằng ngoại giao Việt Nam với bản sắc riêng mang tên mình và “ngọn lửa” truyền thống luôn rực cháy qua lớp lớp thế hệ luôn “đẹp” trong mắt bạn bè quốc tế và có thể tự tin tiến xa hơn nữa trong tương lai.
Bảo Trâm