“Thanh bảo kiếm” của Việt Nam khiến thế giới trầm trồ
Những nỗ lực trong công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam là một trong những chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của báo chí quốc tế tuần qua. Với tựa đề “Điều gì đằng sau cuộc chiến chống tham nhũng mới nhất của Việt Nam”, bài viết đăng tải trên Bloomberg đã phân tích về chiến dịch phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại Đông Nam Á.
Trung bình mỗi năm gần đây, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã điều tra, khám phá trên 16 nghìn vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.
Chiến dịch “đốt lò” dùng chỉ chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn do nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ năm 2013 trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã ví chiến dịch chống tham nhũng của mình như một “lò đốt”, một lò đã bắt được hàng trăm quan chức cấp cao, giám đốc điều hành doanh nghiệp và những người khác trong những năm qua.
Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, hơn 2.700 tổ chức đảng và 168.000 đảng viên đã bị kỷ luật trong thập kỷ qua, trong đó có 7.390 đảng viên cáo buộc tham nhũng. Trong số này có 137 cán bộ cấp cao và 33 người là Ủy viên và nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Các nhà chức trách năm ngoái đã khởi xướng điều tra hình sự ít nhất 4.646 cá nhân trong khoảng 2.474 trường hợp cáo buộc tham nhũng, lạm quyền và sai phạm kinh tế. Bộ Chính trị và đảng đã kỷ luật khoảng 70 quan chức, trong đó có 5 bộ trưởng và cựu bộ trưởng, kể từ đầu năm 2021.
Theo ông Thomas Bo Pedersen, Tổng Giám đốc Công ty Mascot Việt Nam và Lào: “Điều này cho thấy Đảng và Chính phủ phòng chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt và theo một cách có hệ thống. Tôi cho rằng, đây là động thái đúng đắn và cho tôi hy vọng rằng tham nhũng, tiêu cực sẽ không diễn ra khi thấy Đảng và Chính phủ xử lý tham nhũng, tiêu cực quyết liệt như thế cũng như nhìn thấy hậu quả nếu tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh mới đây cũng là một quyết định đúng”.
Trong khi đó, một loạt các trang báo quốc tế như Channel News Asia, The Star hay Nation Thailand đưa tin về việc hàng loạt quan chức vi phạm luật pháp, tham nhũng đã bị khai trừ khỏi Đảng, đồng thời bị khởi tố và bắt tạm giam liên quan đến “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
“Tôi cho rằng những hành động mạnh mẽ này của Việt Nam rất đáng hoan nghênh, đặc biệt lần này là với ngay cả những quan chức cấp cao. Đây là một động thái tích cực và hy vọng rằng sẽ được duy trì. Điều này cũng giúp tăng hiệu quả trong hoạt động và quản lý doanh nghiệp của chúng tôi”, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BritCham Vietnam) cho biết.
Bên cạnh đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thanh lọc bộ máy của Đảng, những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua cũng giúp Việt Nam tiếp tục cải thiện minh bạch ngân sách Nhà nước. Theo kết quả Khảo sát ngân sách mở toàn cầu năm 2022 (OBS 2022) được Tổ chức Hợp tác ngân sách quốc tế (IBP) công bố, điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với các kỳ đánh giá trước, nâng mức xếp hạng của Việt Nam lên 68/120 nước, tăng 9 bậc so với năm 2019 và tăng 23 bậc so với năm 2017 (chu kỳ đánh giá 2 năm 1 lần).
Giờ đây, khi nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á đang tìm cách củng cố sức hấp dẫn của mình như một điểm đến cho đầu tư nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, cuộc chiến dường như lại bùng lên, theo Bloomberg.
Đặc biệt, trang Washington lại nhấn mạnh rằng chiến dịch “Đốt lò” gần đây càng ngày càng mạnh mẽ và không hề có dấu hiệu chậm lại. Các ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đã được thành lập và hoạt động ở mọi thành phố và tỉnh, trong khi một ban chỉ đạo quốc gia đang xây dựng chiến lược phòng chống tham nhũng đến năm 2030.
Cụ thể, Tổng Bí thư Trọng, trong một bài phát biểu vào tháng 11/2022, tiếp tục kêu gọi các quan chức kiên trì, quyết tâm và hành động nhanh hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10 kêu gọi chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt và hiệu quả hơn.
Trước đó, Trần Khánh Hiền, trưởng bộ phận nghiên cứu của VnDirect Securities Corp., cho biết động thái của chính phủ đã thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên cô ấy nói thêm rằng họ muốn xem “chính quyền kiên trì và nghiêm túc như thế nào”.
Theo các chuyên gia đánh giá, những chỉ số nhận thức tham nhũng sẽ còn chuyển biến tích cực hơn nữa, khi giờ đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, người được cho là sẽ giúp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tăng cường ảnh hưởng, mạnh tay chống tham nhũng, như lời ông cam kết kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi tuyên thệ nhậm chức.
Tuệ Ngô