Thành bại đều phải trông vào “lửa” nhiệt huyết
12 địa phương tăng trưởng âm, có những nơi dùng đến những đồng tích lũy cuối cùng hỗ trợ dân. Thời điểm này, đòi hỏi lãnh đạo chính quyền các cấp, các bộ, ngành phải sôi sục giải pháp, hăm hở xông pha như đầu nhiệm kỳ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thấy “thành, bại của nền kinh tế giờ đều phải trông vào “lửa” nhiệt huyết”.
Nhất là khi tất cả đều vừa đi qua những năm tháng chặt nhóm lợi ích, cắt giảm giấy phép con, từ bỏ quyền lực, dẫn đến kết quả mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư của nhiệm kỳ trước, ông Bùi Quang Vinh từng “nói vui” là, “làm Bộ trưởng mà không có đồng nào trong túi”.
Một câu hỏi đang ngày đêm đeo bám Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “Đại hội Đảng đã cận kề, mà đại dịch COVID-19 vẫn là hiểm họa và kinh tế trước nguy cơ đứt gãy, phải làm sao cho “lửa” nhiệt huyết không tắt?”
Thủ tướng cho rằng người dân chính là động lực.
“Chúng ta được chứng kiến những “cây ATM” gạo, phiên chợ nhân đạo, siêu thị 0 đồng, suất cơm tình nghĩa… Có những cháu bé và có cả những cụ già trên 100 tuổi mang những đồng tiền dành dụm ủng hộ chống dịch”, ông bày tỏ, “hãy luôn nhớ về những hình ảnh đó để cố gắng còn một ngày làm việc thì còn một ngày phải nỗ lực vì dân. Người dân không mệt, sao chúng ta có quyền mệt?”
Thủ tướng tin ở đội ngũ cán bộ thực sự được “lửa thử vàng gian nan thử sức”, không dễ dàng nản chí, không dễ dàng buông tay, dù hoàn cảnh nào cũng gắng bảo toàn những thành quả của đất nước có phần công sức của họ trong đó không tan thành khói mây.
Một đội ngũ cán bộ sẵn sàng có tâm nguyện như lời 8 năm trước trong cuộc tiếp xúc cử tri tháng 10/2012 của Chủ tịch nước, khi đó là ông Trương Tấn Sang, “nhân dân giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, hoàn thành đến tận ngày cuối cùng và khi về hưu, tôi sẽ trở về căn nhà 51 m2 của tôi, dứt khoát không lấy thêm một mi-li-mét vuông đất nào của Đảng, của Nhà nước…”
Thủ tướng còn tin, với sự tận tâm tận lực của Chính phủ trong nhóm lên ngọn lửa nhiệt huyết cho lãnh đạo chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương trong 4 năm qua, càng lúc gian nguy, sẽ càng được họ giữ gìn và trân trọng.
Lửa lòng lan tỏa khi lựa chọn bước đi đầu tiên cho chương trình hành động của Chính phủ khóa mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo các Hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức tại tất cả các tỉnh, thành phố.
Phong trào xúc tiến đầu tư khắp nơi từ đó trở nên sôi nổi nhất từ trước đến nay, đồng thời, chấm dứt được thời kỳ loạn xúc tiến đầu tư theo kiểu các địa phương mạnh ai nấy làm, xé rào, cát cứ.
Những tỉnh nghèo như Quảng Trị, Lai Châu, Cao Bằng… là những nơi đầu tiên Thủ tướng đến xúc tiến đầu tư. Lấy ví dụ từ cái tên “Cao Bằng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, “tên “cao” nhưng chưa “bằng” so với nhiều địa phương khác” và ông nêu rõ chủ trương của Chính phủ trong phân bổ vốn đầu tư công cho các tỉnh, thành phố luôn ưu tiên trước hết những nơi nghèo.
Người đứng đầu Chính phủ đồng thời kêu gọi tinh thần tự lực, tự cường nỗ lực vượt khó vươn lên của các địa phương, không những không phải nhận hỗ trợ mà còn có đóng góp về cho ngân sách nhà nước.
Chẳng hạn, khi bàn thảo đầu tư tuyến cao tốc Hữu nghị-Chi Lăng và Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Thủ tướng đánh giá cao tỉnh Cao Bằng cam kết đóng góp 20%, Lạng Sơn dành dụm bỏ ra 545 tỷ đồng ngân sách địa phương để thực hiện, không thụ động chỉ trông chờ nguồn vốn từ Trung ương.
Ông nhiều lần nhắn nhủ, sự cố gắng của các địa phương sẽ làm nên sự thay đổi cho diện mạo của cả quốc gia, địa phương có mạnh thì Trung ương mới mạnh.
Lửa lòng lan tỏa từ tình cảm và trách nhiệm của Chính phủ đối với người nghèo. Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi cả nước có tháng cao điểm “Vì người nghèo” từ trung tuần tháng 10 đến trung tuần tháng 11.
Thực tế, trong điều hành của Chính phủ, không tháng nào không là tháng vì người nghèo.
Tất cả các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đều dành thời gian để tổng kết lại việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội hiệu quả cụ thể ra sao, có thêm bao nhiêu người dân thoát nghèo, cần ban hành thêm chính sách gì mới…
Thủ tướng khẳng định tăng trưởng chỉ thực sự có ý nghĩa khi mọi người dân đều được hưởng thành quả của tăng trưởng, không ai bị bỏ lại phía sau. Chính phủ phải kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên.
Ứng phó với đại dịch, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng dành cho người nghèo được đốc thúc triển khai nhanh nhất. Đến 27/6/2020, tức là chỉ sau hơn hai tháng triển khai, Kho bạc nhà nước đã giải ngân gần 11.300 tỷ đồng để hỗ trợ cho hơn 11 triệu người và khoảng 6.200 hộ kinh doanh.
Đáng chú ý, theo thông tin mà Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo Thủ tướng, bên cạnh sự hỗ trợ từ Trung ương, một số địa phương gặp khó khăn về tài chính nhưng vẫn dành những đồng tiền tích lũy cuối cùng để hỗ trợ người dân.
Lửa lòng lan tỏa từ hình ảnh Thủ tướng chưa bao giờ là “ngôi sao cô đơn”. Các Phó Thủ tướng, cũng như các thành viên Chính phủ đều thể hiện được một tinh thần vì dân cao nhất ở lĩnh vực mình phụ trách.
Mùa hè năm 2016, vừa được Quốc hội bầu làm người lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải xử lý ngay “thảm họa môi trường” mà thủ phạm được Chính phủ tìm ra ngay sau đó là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng liên tục đi thị sát 4 tỉnh miền Trung để trực tiếp chỉ đạo việc khắc phục sự cố. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình được giao là Trưởng Ban Chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho người dân nơi đây.
Dưới sự đốc thúc của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, chỉ trong một thời gian ngắn, số kinh phí của Công ty Formosa bồi thường và hỗ trợ thiệt hại đã được giải ngân hoàn toàn, bảo đảm đúng cam kết, đúng quy định và mục tiêu đề ra, hầu như không xảy ra khiếu nại, khiếu kiện.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình còn ghi dấu ấn đậm nét trong việc trực tiếp chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp của 27 tỉnh, thành phố; giảm đáng kể số lượt người và đoàn người kéo nhau lên Trung ương so với các nhiệm kỳ trước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh ghi dấu ấn trong công cuộc đưa con thuyền kinh tế Việt Nam vững vàng tiến ra biển lớn giữa những con gió ngược từ trào lưu bảo hộ thương mại.
Trong thời đại dịch, hàng loạt các quốc gia “bế quan tỏa cảng”, Việt Nam vẫn thể hiện được vai trò dẫn dắt trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021…
Lần đầu tiên đăng đàn vào mùa hè năm ngoái, khi các đại biểu Quốc hội chất vấn xung đột thương mại Mỹ-Trung và ảnh hưởng đến Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thể hiện rõ bản lĩnh của một nhà ngoại giao lão luyện, không một lần nào dùng tới từ “cuộc chiến”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người hồi tháng 1 được Thủ tướng giao là Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống dịch COVID-19 và ngay sau đó, được nhiều người dân gọi là “người hùng không ngủ”.
Khi chủ trì xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã bộc bạch, “điều ý nghĩa nhất và chắc cũng là điều khó nhất là cố phấn đấu vượt lên chính mình để những điều tốt đẹp trong mỗi người và trong xã hội được nhân lên, những tiêu cực bị đẩy lùi, đưa Việt Nam thật sự là một quốc gia đáng sống”.
Luôn bên cạnh Thủ tướng trong công cuộc giải hạn miền Tây khỏi cơn khát nước và cả “khát” cao tốc là Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng…
Rời Chính phủ hồi tháng 2, đi nhận nhiệm vụ mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và bây giờ là Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chia sẻ, “những tình cảm ấm áp đoàn kết thống nhất trên dưới một lòng của tập thể Chính phủ mà tôi có vinh dự là thành viên trong đó gần 4 năm qua, sẽ luôn ở trong trái tim tôi”.
Với tình cảm đó, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đang dốc lực để Thủ đô tiên phong trên cả hai mặt trận vừa chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Không chỉ thắp lửa cho mình, Hà Nội còn mong muốn tiếp lửa cho các tỉnh, thành để tất cả có chung khí thế “đốt đuốc” tiến về phía trước đúng theo mong muốn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “địa phương mạnh, trung ương sẽ mạnh”.
Lê Châu/VGP