Thẳng thắn quyết liệt để bảo đảm toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.
Cổ nhân dạy “danh không chính thì ngôn không thuận”, ông Cảnh Sảng và người Trung Quốc hãy tôn trọng những bằng chứng không thể chối cãi đó của người Việt Nam; tôn trọng Luật pháp Quốc tế; rút ngay tàu thuyền của mình khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và không làm phức tạp thêm tình hình biển đông.
Trung Quốc ngụy biện về việc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam
“Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng về việc Trung Quốc có chủ quyền tại Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán tại khu vực bãi Tư Chính là hoàn toàn không có cơ sở kể cả về mặt pháp lý lẫn lịch sử”- PGS.TS TS Vũ Thanh Ca – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo khẳng định.
PGS.TS TS Vũ Thanh Ca còn cho rằng: Các chiến thuật mà Trung Quốc sử dụng để lập luận sai trái về việc diễn giải luật pháp quốc tế, từng bước độc chiếm Biển Đông là “tằm ăn lá dâu”, “cây bắp cải” và “vùng xám”.
Chiến thuật “tằm ăn lá dâu” giúp họ từng bước chiếm trọn Biển Đông; trong khi chiến thuật “cây bắp cải” và “vùng xám” là họ sử dụng rất nhiều lực lượng khác nhau, trong đó chủ yếu là lực lượng dân quân biển ngụy trang dưới dạng các tàu cá được trang bị vũ khí để sẵn sàng phối hợp với các tàu chấp pháp dân sự trên biển như tàu hải cảnh và các loại tàu khác, thậm chí tàu chở hàng để quấy nhiễu vùng biển các nước khác.
Với các chiến thuật “cây bắp cải” và “vùng xám”, Trung Quốc thực hiện việc “bắt nạt” các nước yếu hơn và quản lý chặt, không để tranh chấp trên biển biến thành tranh chấp vũ trang, nhằm gây căng thẳng lâu dài, buộc các nước mà Trung Quốc gây hấn phải đầu hàng, chấp thuận những yêu cầu sai trái của Trung Quốc.
Các bãi ngầm Tư Chính cùng các bãi ngầm và đá ngầm ở khu vực này là một phần không thể tách rời của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông Nam, ngăn cách với quần đảo Trường Sa của Việt Nam bằng một rãnh sâu nên theo Công ước UNCLOS 1982, nó hoàn toàn không thuộc quần đảo Trường Sa. Khu vực bãi ngầm Tư Chính của Việt Nam được các luật sư công pháp quốc tế khẳng định, hoàn toàn không nằm trong khu vực chồng lấn chủ quyền của Trung Quốc. Cho nên, bãi Tư Chính chưa hề và chưa bao giờ là khu vực tranh chấp chủ quyền.
Bãi Tư Chính trên thềm lục địa Việt Nam, đã được Việt Nam sử dụng và khai thác đặc quyền kinh tế một cách ổn định và từ lâu, chứ không phải bây giờ mới có, mới xuất hiện tuyên bố chủ quyền, càng không phải khu vực đang có tranh chấp trên biển. Do vậy, càng không cớ gì để Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác biến vùng không hề có tranh chấp trở thành có tranh chấp và gây căng thẳng khiến tình hình Biển Đông tiếp tục nóng lên tháng 7-2019 này.
Sau khi Tòa Trọng tài Biển Đông ra phán quyết ngày 12-7-2016 vô hiệu hóa toàn bộ yêu sách chủ quyền và quyền lịch sử của “đường 9 đoạn”, Trung Quốc tuy không công nhận và làm mọi cách để né tránh ảnh hưởng của phán quyết bằng cách đưa ra yêu sách “Tứ Sa”, nhưng thực tế đã bị tước đi khả năng gây áp lực lên các quốc gia ven Biển Đông, từng bước bị dồn ép trên mặt trận pháp lý.
Và tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (18-9) thể hiện rõ điều đó khi hoàn toàn “đuối lý” phải viện dẫn “quyền chủ quyền và quyền tài phán” của bãi Tư Chính (Trung Quốc gọi là bãi Vạn An) – đồng nghĩa với việc công nhận quần đảo Trường Sa (mà Trung Quốc gọi Nam Sa) là “quốc gia quần đảo” để có đường cơ sở thẳng và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý bao bọc vùng biển có các bãi cạn như Tư Chính.
Trong khi quy chế về đường cơ sở thẳng và EEZ với “nhóm đảo” thuộc các quốc gia lục địa sớm bị bác bỏ trong quá trình đàm phán UNCLOS, do đó dù Trung Quốc có tự diễn dịch quần đảo Nam Sa thuộc chủ quyền của họ cũng không thể mở ra EEZ bao bọc lấy bãi Tư Chính và bản thân Tư Chính là thực thể chìm nên không được phép tuyên bố chủ quyền.
Không chỉ vậy, trong phát biểu ngày 18-9, ban đầu ông Cảnh Sảng nhắc đến cả “quyền chủ quyền và quyền tài phán” ở bãi Tư Chính, sau đó lại rút gọn lại chỉ còn “các khu vực và Trung Quốc có quyền tài phán”, thể hiện sự không nhất quán và thiếu tự tin trong phát ngôn về chủ quyền của Trung Quốc. Trong khi ở cả 8 lần phát ngôn về vấn đề Tư Chính (từ ngày 16-7 đến 12-9), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đều nhấn mạnh “quyền chủ quyền và quyền tài phán” tại khu vực bãi Tư Chính thuộc EEZ và thềm lục địa Việt Nam – một lập luận hoàn toàn phù hợp với UNCLOS và được nhiều quốc gia tham gia khai thác chung dầu khí với Việt Nam công nhận.
Lịch sử ngàn đời cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam
Về mặt lịch sử, Trung Quốc xưa kia là quốc gia hướng nội địa và từ khi Việt Nam xác lập chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào thế kỷ 16 cho tới đầu thế kỷ 20, nhà nước Trung Quốc không có bất cứ động thái nào để khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính vì thế, lịch sử ngàn đời cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.
Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016 cũng nêu rõ có thể trong lịch sử một số quốc gia có thực hiện đánh cá và một số hoạt động kinh tế khác trên biển, nhưng cái gọi là “quyền lịch sử” của quốc gia đó từ khi UNCLOS ra đời chỉ được giới hạn trong vùng biển mà quốc gia đó được phân định theo UNCLOS. Bãi Tư Chính cách đảo Hải Nam của Trung Quốc trên 600 hải lý nên Trung Quốc không thể dùng cái gọi là lịch sử để nói đây là vùng biển Trung Quốc.
Chính lịch sử của Trung Quốc cũng đã nhiều lần ghi nhận Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam:
1.Sử gia Triệu Nhữ Quát đời Tống trong cuốn Chư phiên chí xác nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng từ thời nhà Hán. Theo đó, năm 111 TCN, Hán Vũ Đế sai quân vượt biển sang chiếm đất của địch quân (Nam Việt) và đặt ra hai quân Châu Nhai và Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam). Sách này cũng cho biết vùng quần đảo Hoàng Sa (Vạn Lý Trường Sa) là nơi nguy hiểm, tàu thuyền Trung Quốc không nên đến gần. Nhan đề sách là Chư phiên chí, nghĩa là chép chuyện các phiên quốc, nước ngoài. Vạn Lý Trường Sa nằm ở phiên quốc, nghĩa là không thuộc về Trung Hoa mà thuộc về phiên quốc Nam Việt. Như vậy, biên giới trên Biển Đông của Trung Hoa vào đời nhà Hán chỉ tới đảo Hải Nam.
2. Trong Dư địa đồ đời Nguyên của Chu Tư Bản được vẽ thu nhỏ lại trong sách Quảng dư đồ của La Hồng Tiên thực hiện năm 1561, phần cực nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam.
3. Đến thời Triều nhà Minh, trong cuốn Vũ bị chí của Mao Nguyên Nghi, Biển Đông được gọi là Giao Chỉ Dương. Trên các bản đồ Trịnh Hòa hạ Tây Dương, Trịnh Hòa hàng hải đồ cũng không thấy ghi chép các danh xưng Hoàng Sa, Trường Sa trong các lộ trình và hải đạo của Trịnh Hòa sau 7 lần đi qua Biển Đông để khai phá Ấn Độ Dương. Trịnh Hòa là nhà hàng hải nổi tiếng của Trung Quốc, người sau này khai sáng ra Đài Loan nhưng thời đó cũng chưa bao giờ nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa; thời kỳ này thì nhà Minh vẫn khẳng định lãnh thổ của họ phía nam chỉ đến hết đảo Hải Nam.
4. Đời nhà Thanh, trong cuốn Hải ngoại ký sự viết năm 1696, Thích Đại Sán – một nhà sư thời Khang Hy đến đất Thuận Hóa của chúa Nguyễn năm Ất Hợi (1695) . Một trang trong cuốn Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán thuật lại chuyến du hành tới Đàng Trong, thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Đại Việt. Đây là sự ghi nhận chủ quyền của Đại Việt trong kiểm soát và khai thác vùng Biển Đông, nơi tọa lạc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bởi lẽ, Hải ngoại ký sự là do người Trung Quốc viết về những điều được biết đến ở nước ngoài, chứ không phải viết về Trung Quốc.
Cần nói rõ thêm rằng thời kỳ này ở Đại Việt chính sử, sách điển chế, sách địa lý ghi rõ việc xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa trong đó có Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) do các sử thần thời Lê – Trịnh biên soạn theo lệnh của Trịnh Sâm năm 1775. Thế đã rõ, thời nhà Lê thì Đại Việt đã cụ thể hóa chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; thời này nhà Thanh vẫn chỉ có chủ quyền cực nam là đảo Hải Nam.
5. Đến thế kỷ 19, trong bộ Hải quốc đồ ký, cuốn Hải lục của Vương Bỉnh Nam chép: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”. Như vậy, tư liệu này của Trung Quốc đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ trên biển của Việt Nam.
Trong vụ ngư dân đảo Hải Nam cướp tàu chở đồng bị đắm tại quần đảo Hoàng Sa những năm 1895-1896, để trả lời văn thư phản kháng của chính phủ Anh, Tổng đốc Lưỡng Quảng Trung Hoa nêu lý do: “Hoàng Sa không liên hệ gì tới Trung Quốc”. Như vậy, qua các tài liệu lịch sử cổ của Trung Quốc, rõ ràng cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) đã được người Việt Nam phát hiện, sử dụng trong nhiều thế kỷ một cách hòa bình và liên tục, không có sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào kể cả Trung Quốc.
6. Vào thế kỷ 20, một tài liệu đáng tin cậy về chính sử Trung Hoa là cuốn Lịch sử Trung Quốc thời trung cổ do Hàn lâm viện Trung Quốc xuất bản tại Đài Bắc năm 1978, học giả Hsieh Chiao-Min trong bài Nghiên cứu về lịch sử và địa lý nhận định: “Suốt chiều dài lịch sử, về sự phát triển văn hóa và khoa học, dân tộc Trung Hoa không tha thiết với đại dương”.
Từ những lẽ trên, có thể khẳng định rõ rằng: Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam. Lãnh thổ của Trung Quốc có cực nam là Đảo Hải Nam. Tính theo Công ước Quốc tế về Luật biển 1982 thì rõ ràng Bãi Tư chính nói riêng và Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cổ nhân dạy “danh không chính thì ngôn không thuận”, ông Cảnh Sảng và người Trung Quốc hãy tôn trọng những bằng chứng không thể chối cãi đó của người Việt Nam; tôn trọng Luật pháp Quốc tế; rút ngay tàu thuyền của mình khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và không làm phức tạp thêm tình hình biển đông./
Đinh Lực