Thận trọng với chuyện đóng cửa du lịch
Nhiều doanh nghiệp cho rằng yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử – văn hóa, danh thắng… để phòng chống dịch virus corona của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gần đây sẽ đồng nghĩa đóng cửa du lịch trong nước.
Rất nhiều di tích, danh thắng ở Hà Nội đồng loạt đóng cửa theo yêu cầu của Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội trong văn bản hỏa tốc ngày 4-2, sau chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu “tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh (trừ trường hợp thực hiện nhiệm vụ theo phân công) để tránh tập trung đông người”.
Bộ nói dừng, doanh nghiệp bối rối
Ông Nguyễn Hồng Phong – phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm – cho biết quận đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của văn bản này, đóng cửa toàn bộ các di tích danh thắng ở quận dù biết sẽ ảnh hưởng tới ngành du lịch.
Tại một số địa phương như Hà Nội, Nha Trang và Đà Nẵng, nhiều điểm tham quan đông khách trong ngày 4 và 5-2 đã tạm dừng hoạt động. Một số đơn vị lữ hành cho biết khi dẫn khách tham quan đến nhiều địa phương phía Bắc thì nhận được thông báo các điểm tham quan đóng cửa, khiến du khách bối rối.
Ông Nguyễn Tiến Đạt – tổng giám đốc Công ty du lịch AZA (Hà Nội) – kêu trời và lo việc đóng cửa này ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam: “Việc đột ngột dừng, đóng cửa các di tích, danh thắng ở Hà Nội coi như đóng cửa hoạt động du lịch”. Theo ông Đạt, nếu Thủ tướng ban bố tình trạng khẩn cấp thì mới phải đóng cửa như vậy, còn với tình hình hiện nay, muốn đóng cửa các di tích, điểm du lịch như vậy cũng cân nhắc thực hiện có lộ trình.
Một số doanh nghiệp đánh giá cao quyết tâm chống dịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng cho rằng cần cân nhắc, phân tích kỹ hơn tình hình để điều hành linh động. Nếu chưa phải đại dịch bùng phát, Việt Nam nên chủ động kiểm soát dịch bệnh hơn là đóng cửa toàn bộ. Bởi ngay cả Thái Lan, quốc gia này có số người nhiễm cao hơn nhưng đến nay các hoạt động đón khách vẫn được diễn ra bình thường bên cạnh phòng chống dịch.
Giám đốc một doanh nghiệp chủ yếu khai thác thị trường Mỹ cũng cho biết đề nghị tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử – văn hóa, danh thắng vừa qua hay sắp tới đây nên xem xét mức độ khoanh vùng ở những vùng có dịch. Thực tế còn địa phương chưa xác định dịch như Cần Thơ, Cà Mau, Phú Quốc… “Việc đóng cửa trước mắt sẽ làm các nước đang cạnh tranh nhận khách với Việt Nam vô cùng hoan hỉ, sẽ không có du khách nước ngoài nào đến Việt Nam khi họ biết không còn nhiều hoạt động hấp dẫn” – vị này cho biết.
Tránh văn bản có thể hiểu nhiều hướng
Không chỉ có băn khoăn trên, một số doanh nghiệp ngành du lịch cũng phản ảnh họ đang bị loạn thông tin, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong các văn bản gần đây.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, phó tổng giám đốc Vietravel, cho biết các thông báo mà doanh nghiệp nhận từ cơ quan du lịch nước khác thường rất rõ ràng về biện pháp chống dịch. Như về việc ngưng nhận khách, các nước đều nói rõ ngoài ngưng khách quốc tịch Trung Quốc, những người có dấu visa vào Trung Quốc trong 14 ngày cũng không được vào nước họ và có tham vấn cụ thể. “Nhưng có công văn trong nước mà doanh nghiệp nhận được lại có nhiều cách hiểu, chung chung khiến không thể tính được phương án nên tổ chức tour hay không” – bà Hoàng nói.
Quản lý một khách sạn ở Q.1 cũng nhấn mạnh hiện Việt Nam chỉ đang ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc, nhưng còn những người nước ngoài sinh sống ở Trung Quốc thì chưa nêu cụ thể. Gần đây, Sở Du lịch khi đi kiểm tra mới triển khai thêm khách sạn phải kiểm tra lộ trình của du khách đến và đi.
“Doanh nghiệp chỉ ra được kế hoạch hành động khi có thông tin chính xác, đầy đủ” – vị này nói.
Cả chục ngàn khách hủy tour
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết tính đến ngày 3-2, số lượng hủy phòng tại các cơ sở lưu trú là hơn 13.000 phòng, hoạt động lữ hành giảm khi du lịch trong nước (inbound) có hơn 7.600 khách hủy, du lịch quốc tế (outbound) hơn 7.100 khách hủy; hoạt động của các đơn vị vận chuyển giảm 30-50%; số lượng khách tới các điểm đến giảm 30-50%.
Trong tháng 1-2020, công suất sử dụng phòng trung bình của khối khách sạn thủ đô ước đạt 54,4%, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2019.
N.BÌNH – T.ĐIỂU/TT