+
Aa
-
like
comment

Tham vọng của Trung Quốc càng lớn, tinh thần dân tộc Việt Nam càng mạnh

sông trà - 22/10/2019 17:46

Song song với Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh với những phát biểu mang tính chất tham vọng, bành trướng Biển Đông của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa, cùng thời điểm, ngày 21/10, tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, một số đại biểu, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng thể hiện quan điểm, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại Biển Đông. Đây giống như màn đấu trí chính trị của hai bên nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận trong nước lẫn quốc tế.

 Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tiếp tục ngụy biện về chủ quyền Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tiếp tục ngụy biện về chủ quyền Biển Đông

Ngày 21/10 vừa qua, phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa vẫn ngụy biện về chủ quyền Biển Đông. “Các đảo ở Biển Đông và đảo Điếu Ngư là những phần lãnh thổ không thể thay đổi của Trung Quốc. Chúng tôi thậm chí sẽ không cho phép lấy đi một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại”.

Vẫn là luận điệu thèm khát Biển Đông

Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) diễn ra từ ngày 20 đến 22/10, do Viện Khoa học quân sự và Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc đứng ra tổ chức. Diễn đàn được coi là dịp để Trung Quốc tập hợp lực lượng đối trọng lại Đối thoại Shangri-la (Singapore) do Mỹ và phương Tây tổ chức.

Phát biểu của ông Ngụy Phương Hòa ở Diễn đàn suy cho cũng nó cũng chỉ là lặp lại quan điểm của một bộ phận đội ngũ cán bộ cấp cao, tướng lĩnh mang tư tưởng “diều hâu” của nước Bắc Kinh khi bấy lâu nay Trung Quốc luôn tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở hầu hết Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng nhỏ hơn Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, thậm chí tranh chấp đảo với Nhật Bản, Hàn Quốc trên biển Hoa Đông..

Có lẽ, một phần Trung Quốc tự mãn khi cho rằng những quốc gia mà Trung Quốc tham gia tranh chấp chủ quyền đều không thể theo kịp với chi tiêu quân sự của Trung Quốc, với mức gần 170 tỷ USD trong năm 2019 này, chỉ đứng sau Mỹ, nên việc Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế âu cũng là lẽ đương nhiên.

Năm 1982, cùng với 118 quốc gia khác, Trung Quốc và Việt Nam đã ký Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), trong đó quy định rất rõ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một nước rộng tối đa 200 hải lý tính từ đường cơ sở. UNCLOS cũng quy định rõ thềm lục địa của một quốc gia được xác định như thế nào.

Là thành viên UNCLOS, Trung Quốc có trách nhiệm phải thực thi các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc này. Thế nhưng, năm 2009, Trung Quốc chính thức công bố bản đồ có “đường lưỡi bò” trên Biển Đông khiến dư luận thế giới kinh ngạc. Chẳng cần dựa trên cơ sở pháp lý nào, chẳng cần đưa ra lời giải thích nào, Trung Quốc khẳng định “đường lưỡi bò”, gồm 9 đoạn không có tọa độ đi kèm, chiếm tới 80% diện tích Biển Đông, lấn cả vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác.

Sau khi Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”, Trung Quốc thực hiện chính sách 3 không “Không thừa nhận thẩm quyền, không tham gia tố tụng và không chấp nhận phán quyết” nhằm vô hiệu hóa trên thực địa phán quyết của Tòa.

Chỉ riêng với biển đảo của Việt Nam, ngoài Hoàng Sa, năm 1988, Trung Quốc chiếm một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc ồ ạt bồi đắp, biến các bãi đá này thành các đảo nhân tạo với diện tích trên 13km2 (chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa).

Theo tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung Quốc đã triển khai đến Trường Sa hệ thống tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B uy lực nhất của nước này, có khả năng tiêu diệt các tàu trong khoảng cách 340 dặm. Đi liền với YJ-12B và hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9A hoặc là HQ-9B với tầm bắn lên đến 184 dặm và nhiều hoạt động quân sự khác.

Mới đây, vụ tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thời gian gần đây là bằng chứng rõ nhất. Những khu vực mà tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm như Bãi Tư Chính nằm cách Vũng Tàu của Việt Nam chỉ 160 hải lý, trong khi bãi Tư Chính của Việt Nam cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 600 hải lý thì làm sao có thể   trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Trung Quốc?

Những luận điệu chính trị và hành động ngoài thực địa đều cho thấy Trung Quốc sẵn sàng giẫm đạp lên các nguyên tắc cơ bản nhất của luật pháp quốc tế để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Triệu dân vui “Biển Đông” được đề cập trên nghị trường

qq

Việt Nam là một trong 107 quốc gia ký Công ước UNCLOS ngay sau khi văn kiện này được mở ký và là một trong những quốc gia phê chuẩn sớm, trước khi Công ước có hiệu lực. Điều này thể hiện thiện chí, sự coi trọng và kỳ vọng của Việt Nam vào một trật tự pháp lý mới về biển và đại dương.

Và từ trước tới nay, quan điểm nhất quán của Việt Nam nói chung là thể hiện từ việc tích cực tham gia xây dựng luật quốc tế liên quan đến biển cũng như nghiêm chỉnh thực thi trên thực tế. Mọi phương pháp đấu tranh vì độc lập chủ quyền dân tộc đều chủ yếu bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Có điều, nếu như chúng ta để ý một chút thì chỉ thời điểm gần đây vấn đề ở Biển Đông, cũng như việc “điểm mặt chỉ tên” Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo nước nhà được các đại biểu, các lãnh đạo cấp cao đề cập trên nghị trường và các diễn đàn thông tấn. Nó phần nào cho thấy sự cương quyết hơn, quyết liệt hơn trong phương pháp đấu tranh và triệu triệu người dân cảm thấy vui vì điều đó.

Nếu như ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nói về tình hình Biển Đông, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho rằng: “Việc xảy ra vi phạm của các tàu Trung Quốc hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thời gian qua là nghiêm trọng. Nhiều giải pháp đã và đang tiếp tục được thực thi, thể hiện lập trường, quyết tâm và nỗ lực của các cấp, các ngành trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.

Thì cũng tại nghị trường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ những diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tình hình trong nước. Trong đó, tình hình Biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, nhất là việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao.

“Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Song song với quan điểm nhất quán của lãnh đạo Việt Nam, có một điểm đáng chú ý là chưa bao giờ Việt Nam lại nhận được nhiều ủng hộ của cộng đồng quốc tế như bây giờ, kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào Bãi Tư Chính.

Thực tế, nhiều nước có lợi ích trong việc duy trì hoà bình ổn định, trật tự pháp luật tại vùng biển kết nối giữa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc đã đồng thanh lên tiếng xung quanh việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Giới học giả quốc tế cũng phản ứng mạnh. Ông Bill Hayton, chuyên gia hàng đầu về Biển Đông của Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh khẳng định: “Đây rõ ràng là sự vi phạm EEZ của Việt Nam. Theo UNCLOS, tôi không thấy có điều gì có thể biện minh cho các hoạt động hiện nay của Trung Quốc. Việt Nam có mọi quyền để bảo vệ EEZ của mình”.

Đúng vậy, Việt Nam có mọi quyền để bảo vệ độc lập, chủ quyền của mình, dù cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông còn gay go, phức tạp.

Nhưng chúng ta luôn tự tin bởi sức mạnh dân tộc là chính nghĩa, cùng cơ sở pháp lý vững chắc, trong đó việc các lãnh đạo cấp cao thể hiện rõ ràng lập trường, quan điểm như trên cũng là liều thuốc vực dậy, tiếp thêm tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc của mỗi người con đất Việt.
Sông Trà

Bài mới
Đọc nhiều