+
Aa
-
like
comment

Thẩm phán Trương Việt Toàn: Bộ Công Thương ký gì cũng đúng, vụ án đã không có 19 bị cáo

14/04/2021 17:41

“Nếu Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan quản lý ngành mà ký các văn bản đều đúng pháp luật thì có lẽ rằng hôm nay có rất ít bị cáo, chứ không phải 19 bị cáo đứng ở Tòa” – Thẩm phán Trương Việt Toàn nói.

Ngày 14/4, phiên tòa xét xử 19 bị cáo trong vụ đại án xảy ra tại Công ty Gang Thép Thái Nguyên (TISCO) bước sang ngày làm việc thứ ba. Các luật sư tiếp tục xét hỏi các bị cáo, những người liên quan…

Cáo trạng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố các bị cáo thể hiện, ngày 12/7/2007, TISCO và Tập đoàn Khoa học công nghệ luyện kim Trung Quốc (MCC) đã ký hợp đồng EPC số 01#.

Giá trị hợp đồng EPC số 01# là hơn 160 triệu đô, là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng (trừ trường hợp có thỏa thuận khác).

Giá trị trên là giá đã bao gồm các loại thuế được xác định trong hợp đồng, các chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng theo phương thức Tổng thầu EPC.

Giá chi tiết của hợp đồng EPC số 01# gồm 3 phần: Phần E là chi phí thiết kế và dịch vụ kỹ thuật, giá hơn 3,1 triệu đô; phần P là chi phí thiết bị, giá hơn 114 triệu đô; phần C là chi phí xây lắp, giá trị hơn 42 triệu đô.

Thẩm phán Trương Việt Toàn: Bộ Công Thương ký gì cũng đúng, vụ án đã không có 19 bị cáo - Ảnh 1.
Thẩm phán Trương Việt Toàn (phải) đã đặt những câu hỏi, giải thích với người đại diện của Bộ Công Thương tại phiên tòa ngày 14/4.

Sau khi hợp đồng có hiệu lực, MCC có nhiều vi phạm, đề nghị tăng giá, rút người về nước, những người liên quan ở TISCO và VNS (Tổng công ty Thép Việt Nam) đã chỉ đạo thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng EPC đã ký.

Các đơn vị đã chấp thuận không có căn cứ Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ thực hiện phần C của hợp đồng EPC số 01#, trong khi đơn vị này không đủ năng lực để thực hiện gói thầu.

Tại tòa, các bị cáo khai VINAINCON là đơn vị được 1 thứ trưởng Bộ Công Thương thời đó giới thiệu.

Chính cựu Tổng Giám đốc TISCO Trần Trọng Mừng cũng đã phải thừa nhận trước tòa, rằng ông có sai sót vì tin tưởng cấp trên nên khi thấy có văn bản của Bộ Công Thương giới thiệu, ông sau đó lại giới thiệu VINAINCON.

Trả lời câu hỏi của luật sư sáng nay, người đại diện Bộ Công Thương tại tòa cho biết, văn bản của Bộ Công Thương chỉ là giới thiệu, quyết định hay không là thẩm quyền của TISCO và VNS.

Thẩm phán Trương Việt Toàn: Bộ Công Thương ký gì cũng đúng, vụ án đã không có 19 bị cáo - Ảnh 2.
Cựu Phó Giám đốc Thường trực Ban Quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, TISCO Đặng Văn Tập khai trước tòa, rằng chính vì văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện dự án của Thứ trưởng Bộ Công Thương thời điểm đó mà ông và các bị cáo khác phải đứng ở tòa.

Trước câu hỏi về việc Bộ Công Thương ký công văn cho ý kiến đồng ý giao cho HĐQT VNS xem xét, điều chỉnh giá của gói thầu EPC số 01# tại công văn số 7355 ngày 20/8/2008 có đúng các quy định của pháp luật, vị đại diện của Bộ Công Thương cho biết các văn bản của Bộ này đều được ký đúng pháp luật.

Theo người này, thời điểm thực hiện dự án đã có những biến động về giá của vật tư, thiết bị, sự khủng hoảng thị trường và một số yếu tố khác.

Trước diễn biến này, thẩm phán Trương Việt Toàn (thành viên Hội đồng xét xử) đặt câu hỏi với vị đại diện của Bộ Công Thương.

“Ông có biết quan hệ kinh tế là gì không? Là lời ăn, lỗ chịu, tối ưu hóa lợi nhuận, cứ giá lên là có quyền thay đổi hay sao?” – thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi. Ông Toàn nói tiếp, ký hợp đồng thì phải chấp nhận rủi ro, giá lên thì lỗ, giá xuống thì thắng.

“Đó là quan hệ kinh tế, chứ không phải tất cả là do vấn đề về giá. Tòa án chỉ đang xoay quanh Hợp đồng EPC” – thành viên Hội đồng xét xử Trương Việt Toàn nói.

Đáng chú ý, thẩm phán Trương Việt Toàn cũng lưu ý với người đại diện Bộ Công Thương về thông tin Bộ ký các văn bản đúng pháp luật.

“Nếu Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan quản lý ngành mà ký các văn bản đều đúng pháp luật thì có lẽ rằng hôm nay có rất ít bị cáo, chứ không phải 19 bị cáo đứng ở Tòa” – ông Toàn nhìn nhận.

Vị thẩm phán là thành viên Hội đồng xét xử tiếp tục lưu ý người đại diện Bộ Công Thương trả lời chính xác, đúng trách nhiệm, không nên đổ hết lỗi cho các bị cáo.

Ở một diễn biến khác, cựu Phó Giám đốc Thường trực Ban Quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, TISCO Đặng Văn Tập cũng trình bày tại tòa, chính văn bản chỉ đạo tiếp tục dự án này từ thứ trưởng Bộ Công Thương ở thời điểm đó nên họ mới phải đứng trước tòa lúc này.

Phạm Hiệp

Bài mới
Đọc nhiều