Thẩm phán tòa quốc tế đánh giá tình hình Biển Đông
Một thẩm phán của Tòa án Quốc tế về luật Biển (ITLOS) phân tích các diễn biến pháp lý gần đây liên quan Biển Đông.
Vừa qua, nhiều nước như Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức… cũng như một số quốc gia Đông Nam Á đã đệ trình văn bản lên LHQ để phản đối tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển này. Từ diễn biến trên, PV đã phỏng vấn một trong số 21 thẩm phán của tòa ITLOS. Tuy nhiên, vì lý do khách quan, vị thẩm phán đề nghị không công khai danh tính.
Ông đánh giá thế nào về diễn biến nhiều nước đệ trình văn bản lên LHQ để phản đối Trung Quốc về Biển Đông? Liệu có tạo ra bước ngoặt mới về pháp lý cho vấn đề Biển Đông?
Các nước đang cố gắng kiềm chế các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Quan điểm của các nước này được đưa ra nhằm thể hiện sự ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á đang ứng phó việc Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
Tuy nhiên, diễn biến này không tạo ra bước ngoặt mới về pháp lý đối với Biển Đông. Vì vấn đề pháp lý đã được thể hiện qua phán quyết của Tòa trọng tại vào tháng 7.2016.
Như vậy, các nước ASEAN nên xây dựng cơ sở luật pháp thế nào để đối phó với tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông?
Rất rõ ràng rằng các nước ASEAN nên dựa vào phán quyết của Tòa trọng tài để xây dựng cơ sở luật pháp. Cũng từ phán quyết này để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mà ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán.
Thực tế, Trung Quốc vẫn bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài. Vậy thì cộng đồng quốc tế phải ứng phó thế nào?
Nhân đây, tôi cần giải thích thêm về phán quyết năm 2016. Đó là phán quyết này không phải do Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague đưa ra. Phán quyết là của Ủy ban Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trong đó, 4 trong 5 thành viên Ủy ban Trọng tài được chỉ định bởi ITLOS. Tòa trọng tài xử lý về Biển Đông năm 2016 chỉ sử dụng cơ sở làm việc của PCA ở The Hague (Hà Lan) để tiến hành các hoạt động trong quá trình đưa ra phán quyết. Vì thế, phán quyết không phải của PCA đưa ra.
Phán quyết của Tòa trọng tài xây dựng nên chuẩn mực và lý lẽ để các nước có thể dựa vào đó phản đối tuyên bố chủ quyền phi pháp mà Trung Quốc đưa ra đối với Biển Đông. Các nước có thể hành động, tận dụng cơ sở này trên các diễn đàn quốc tế nhằm phản đối Trung Quốc.
Gần đây, Mỹ đã đưa ra biện pháp trừng phạt đối với một số doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc cùng một số cá nhân ở nước này liên quan Biển Đông. Đây có thể là cách thức để các nước khác (như Anh, Pháp…) cùng áp dụng?
Luật pháp Mỹ có thể cho phép việc trừng phạt các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc cũng như các cá nhân của nước này liên quan những hành vi xây dựng, quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông mà Bắc Kinh đang chiếm giữ. Tuy nhiên, luật pháp các nước khác hầu hết chỉ có thể đưa ra biện pháp trừng phạt liên quan các vấn đề như khủng bố hoặc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Rộ tin máy bay săn ngầm Mỹ xuất hiện ở Biển Đông
Các tài khoản theo dõi hoạt động máy bay trên Twitter cho rằng máy bay tuần tra săn ngầm Mỹ P-8 Poseidon đã bay gần mũi phía nam của Đài Loan, nơi hải quân Trung Quốc thường lui tới, và Biển Đông.
Chiếc P-8A cất cánh từ căn cứ không quân Kadena trên đảo Okinawa (Nhật Bản) hôm 30.9, theo các tài khoản Twitter. Các bức ảnh lan truyền trên Twitter cho thấy chiếc P-8A được trang bị tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon.
Hiện tên lửa AGM-84 Harpoon là 1 trong 2 lựa chọn vũ khí chính của P-8A, cùng với ngư lôi hạng nhẹ phóng từ trên không Mk 54 phục vụ tác chiến chống tàu ngầm, theo trang The Drive.
Giới quan sát cho rằng động thái này được cho là nhằm gửi thông điệp đến Bắc Kinh trong bối cảnh quân đội Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự và tập trận trong khu vực. Hồi tháng 5, chiếc P-8A đã bay gần đảo Hải Nam, nơi đặt căn cứ hải quân chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phúc Duy