Tham ô từ nơi dạy chữ!
Gần một năm, hơn 86 tỷ đồng từ tài khoản của Trường Đại học Bách Khoa (Đại Học Đà Nẵng) đã bốc hơi ngay trước mặt những người quản lý. Hai nhân vật gây ra vụ việc ngỡ như hoang đường này đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Đà Nẵng bắt tạm giam hôm 9/2.
Đằng sau quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 2 cán bộ Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) là thủ quỹ Lâm Thị Hồng Tâm, và trưởng phòng tài vụ Hoàng Quang Huy, để điều tra làm rõ hành vi tham ô tài sản, là rất nhiều thắc mắc.
Trước giờ, chúng ta luôn nghĩ về bộ phận quản trị tài chính ở các trường học, đặc biệt là trường đại học, như một nơi tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc kế toán, thu chi đều phải được kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt. Vậy nên, khi đọc những thông tin tóm tắt vụ việc tham ô ở trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng), thắc mắc lớn nhất của người dân vẫn là, một trường đại học lớn như Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng), mà phòng tài vụ lại không làm việc theo bất cứ nguyên tắc tài chính nào, trưởng phòng tài vụ muốn cho thủ quỹ “mượn” 500 triệu đồng từ quỹ của nhà trường là cho ngay, mà không ai biết?
Với hàng loạt các vụ rút tiền từ tài khoản của nhà trường đã được thủ quỹ Lâm Thị Hông Tâm thực hiện thông qua sự bao che của trưởng phòng tài vụ Hoàng Quang Huy, có thật Ban giám hiệu Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) hoàn toàn không hay biết? Gần một năm, là khoảng thời gian không hề ngắn, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) có nhận được báo cáo biến động số dư đối với tài khoản của nhà trường? Nếu không thì tại sao không, nếu có thì tại sao không phát hiện bất thường sớm?
Công tác điều tra của cơ quan chức năng thời gian tới chắc chắn sẽ cho chúng ta lời giải thích thấu đáo; nhưng trong khi chờ đợi, vẫn phải kiến nghị các cơ quan, tổ chức, nhất là những nơi có liên quan đến ngân sách, như bệnh viện, trường học, nhất thiết phải số hóa công tác quản lý, quản trị.
Số hóa, sẽ giúp minh bạch được mọi hoạt động, đặc biệt là hoạt động thu, chi. Nhờ vậy, bất kỳ động thái tham lam, vụ lợi nào cũng dễ bị phát hiện từ các thành viên quản trị chủ chốt, hoặc các thành viên cấp dưới.
Với trường học, bệnh viện, số hóa còn giúp cho bất cứ hoạt động nhận tiền, chuyển tiền nào xảy ra thì toàn thể ban giám đốc, cũng như bộ phận quản trị tài chính đều nắm được bằng một tin nhắn điện thoại, hoặc một email từ ngân hàng. Sẽ không bao giờ có chuyện thất thoát đến 86 tỷ đồng rồi mới biết, như câu chuyện bi hài của Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) lúc này.
Phạm Khoa