+
Aa
-
like
comment

Tham ô trong Tôn giáo

Thành An - 11/06/2024 16:42

Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) kỷ luật sám hối biệt chúng đối với Đại đức Thích Nhuận Đức và việc Ban Tôn giáo Chính phủ (BTGCP) đề nghị xem xét, xử lý liên quan đến các pháp thoại của Thượng tọa Thích Chân Quang phần nào thể hiện sự lắng nghe trước các phản ứng của dư luận đối với một số tu sĩ Phật giáo thời gian qua. Thế nhưng đó vẫn là chưa đủ!

Ngày 6/6, Văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có thông báo về hình thức kỷ luật đối với Đại đức Thích Nhuận Đức vì những video thuyết giảng, nghi lễ trên không gian mạng bị dư luận phản ánh là phản cảm. Trong các yêu cầu được nêu ra, đáng chú ý là Đại đức Thích Nhuận Đức phải chịu hình thức kỷ luật sám hối biệt chúng.

Đại đức Thích Nhuận Đức nhận lỗi và bày tỏ sám hối trong buổi họp ngày 4-6, tại Văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ngay sau đó, vào ngày 7/6, BTGCP đã đề nghị Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm việc với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh nhà nhằm thẩm tra, rà soát, xác minh về những phát ngôn, thuyết giảng của thượng tọa Thích Chân Quang bị dư luận phản ánh. Cụ thể là những phát ngôn trong một số clip lan truyền trên mạng xã hội không đúng với giáo lý, giáo luật, truyền thống văn hóa của Phật giáo và lịch sử của dân tộc Việt Nam; sửa đổi giới cấm trong chứng điệp quy y Tam bảo của Phật giáo…

Việc xử lý các vi phạm đến từ GHPGVN (Đạo) và cơ quan quản lý Nhà nước (BTGCP-Đời) đã phần nào thể hiện việc phản ứng của dư luận thời gian qua đối với các vị tu sĩ này là có căn cứ. Thế nhưng việc xử lý này chỉ phần nào liên quan tới các phát ngôn, pháp thoại chứ chưa hoàn toàn triệt để về lối sống tu hành của các tu sĩ, đây mới là điều mà dư luận thật sự lo ngại thời gian qua.

Thượng tọa Thích Chân Quang, trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Quay lại câu chuyện từ năm 2019 liên quan đến tu sĩ Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng (xã Hợp Châu, Tam Đảo – Vĩnh Phúc). Khi tu sĩ Thích Thanh Toàn vướng lùm xùm “gạ tình nhầm” một nữ phóng viên đến mức phải xin xả giới, hoàn tục thì dư luận mới “hết hồn” khi vị này cũng “xin” giữ lại “mảnh vườn nhỏ” tới 6.000m2 trị giá hơn 300 tỷ đồng.

Nói là “xin” cho “phải đạo” vì thực tế theo pháp luật, phần tài sản này đứng tên riêng của thầy trụ trì, được Phật tử yêu mến cúng dường sau nhiều năm thầy Toàn làm phật sự. Nên nay khi xả giới hoàn tục, phần tài sản này theo quy định của Pháp luật thì tất nhiên thuộc về Thầy. Điều này cho thấy thực tế pháp luật đã có kẽ hở mà những người như tu sĩ Thích Thanh Toàn đã nghiên cứu kỹ lưỡng và lợi dụng hoàn toàn kẽ hở đó để trục lợi.

Thực tế cho thấy, theo Phật chế (Quy định của GHPGVN), một vị tỳ kheo khi vào chùa thì tất cả những gì họ đang sử dụng (ở đây Phật chế không nhấn mạnh đến sở hữu tài sản mà nói đến sử dụng tài sản) thì những tài sản đó đều thuộc về Tăng đoàn (tức Giáo hội). Nội quy Ban Tăng sự Trung ương cũng quy định rất rõ là sau khi bổ nhiệm trụ trì thì tất cả tài sản thuộc về cơ sở tự viện, tức thuộc về Tăng đoàn.

Hay như gần đây, trong một bài Pháp thoại, chính Đức Pháp chủ GHPGVN, Hòa thượng Thích Trí Quảng cũng đã nhắc lại việc người tỳ kheo không được phép sở hữu bất cứ tài sản nào ngoài “một y một bát”.

Thế nhưng, thực tế cho thấy việc các tỳ kheo của Giáo hội sở hữu tài sản, thậm chí là khối tài sản khổng lồ sánh ngang các doanh nhân, đại gia như ông Thích Thanh Toàn là không hiếm. Và bất chấp các nội quy của Giáo hội, nếu việc sở hữu này có vi phạm các quy định của Giáo hội đến mức phải xả giới hoàn tục thì thiết nghĩ các tỳ kheo cũng sẵn sàng chấp nhận.

Và thiết nghĩ, khi Phật chế đã không đủ sức răn đe, thì Pháp luật nên được lên tiếng!

Nếu chúng ta xem GHPGVN, hay bất kỳ Giáo hội Tôn giáo nào hoạt động một cách hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, là một tổ chức có pháp nhân. Thì các chức sắc chức việc (tỳ kheo, tu sĩ…) hay bất cứ ai mang trên mình hình hài của tôn giáo đó, nên được xem như cán bộ, công chức hoạt động trong một tổ chức. Và những tài sản mà họ chiếm hữu cho riêng mình trong khoảng thời gian trực thuộc tổ chức, nên được xem là hành vi “tham ô” và pháp luật hình sự có toàn quyền xử lý, thu hồi toàn bộ các tài sản này.

Chúng ta có quyền không cho phép việc “xả giới hoàn tục” như là một hành động “hạ cánh an toàn”, cũng như việc xử lý các vi phạm trong hoạt động tôn giáo nếu được xử lý nghiêm minh như việc xử lý các hành vi “tham ô, tham nhũng, tiêu cực” đã được đẩy mạnh trong thời gian qua, thiết nghĩ không chỉ khôi phục lòng tin của người dân vào các tổ chức tôn giáo, mà hơn hết còn là trả lại phạm hạnh cho những bậc chân tu thực thụ.

Thành An

Bài mới
Đọc nhiều