+
Aa
-
like
comment

Tham nhũng nào cũng phải xử lý hà cớ gì chỉ công kích công an, quân đội?

An Diễm - 14/03/2022 15:02

Có thể nói tham nhũng vẫn đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với các quốc gia, tổ chức và cả cộng đồng quốc tế. Theo đánh giá của LHQ, nạn tham nhũng kéo theo nhiều hậu quả nặng nề như làm xói mòn lòng tin của người dân, làm suy yếu hệ thống pháp luật và phá hoại những nỗ lực kiến thiết hòa bình cũng như ảnh hưởng tới quyền con người, đặc biệt là người nghèo, yếu thế. Các thống kê cho thấy tham nhũng không phân biệt quốc gia, lĩnh vực, chức vụ, mọi vị trí liên quan đến quyền lực đều có thể là môi trường cho tham nhũng. Tuy nhiên, RFA cố tình quy kết rằng việc một số tướng lĩnh Quân đội, Công an bị xử phạt vì tham nhũng, tiêu cực hiện nay là biểu hiện cho sự yếu kém, bất lực của thể chế.


Cựu Tổng thống Park Geun-hye bị tòa án quận trung tâm Seoul tuyên án 24 năm tù và phạt 18 tỷ won

Nói về tham nhũng không thể bỏ qua đất nước Hàn Quốc. Đất nước này nổi tiếng với việc có quá nhiều vị Tổng thống dính dáng đến tham nhũng, mà mới đây nhất là bà Park Geun-hye bị Tòa án xử phạt tới 20 năm tù giam. Thế nhưng trong bảng xếp hạng về chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI), đất nước này được xếp hạng khá cao và thuộc nhóm ít tham nhũng. Tại nước Áo năm 2021, Thủ tướng trẻ nhất châu Âu của nước này là Sebastian Kurz cũng đã phải từ chức vì bê bối tham nhũng. Thế nhưng năm 2021, Áo cũng được xếp thứ hạng cao trong nhóm nước ít tham nhũng.

Tham nhũng trong lĩnh vực quân sự trên thế giới cũng không hề hiếm. Năm 2016, Hạm trưởng Hải quân Mỹ Daniel Dusek, 49 tuổi, bị phạt tù 46 tháng, vì đã nhận nhiều hối lộ trong thời gian ông phục vụ tại Hạm đội 7. Hạm trưởng Dusek được ghi nhận là là sĩ quan hải quân cao cấp nhất của Mỹ bị tư pháp trừng phạt vì tội tham nhũng cho đến nay. Từ năm 2017 cho đến đầu năm nay, nhiều sỹ quan cao cấp hải quân Mỹ bị truy tố trong vụ bê bối tham nhũng. Bất chấp những điều này, Mỹ được đánh giá là quốc gia ít tham nhũng thứ 27 của thế giới.

Hạm trưởng Hải quân Mỹ Daniel Dusek bị phạt tù. (Nguồn: telegraph)

Thời gian qua, nhiều vụ án đã được lôi ra ánh sáng với phương châm: “Làm một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”. Nhiều cán bộ sai phạm thuộc mọi vị trí từ Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư, Bộ trưởng, tướng lĩnh quân đội, công an đều có thể bị truy tố trước pháp luật nếu có sai phạm, kể cả là những vụ việc đã xảy ra từ rất lâu. Đây là một dấu hiệu đáng khích lệ, thể hiện Việt Nam không có chỗ cho tiêu cực, tham nhũng. Nhiều tổ chức và bạn bè quốc tế đánh giá cao các động thái này, giúp cho Việt Nam có thứ hạng tăng dần trong bảng xếp hạng về tham nhũng.

Thế nhưng bên cạnh đó, những đối tượng chống phá lại luôn coi việc một “quan chức” hay “tướng tá” nào đó bị truy tố là biểu hiện suy thoái hệ thống chính trị, sai lầm của thể chế. Đơn cử như mới đây Đài Á châu tự do RFA khi viết về một số vụ án như sai phạm ở công ty Việt Á liên quan đến Học viện Quân Y hay một số vụ án khác liên quan đến Quân đội, Công an thì cho rằng đây là “bệnh hệ thống”, “bệnh của thể chế” kèm những diễn giải xuyên tạc khác. Vậy có thể đặt câu hỏi, thời điểm những vụ án này chưa được đưa ra ánh sáng, chưa có nhiều quan chức hay tướng lĩnh bị truy tố thì họ có khen ngợi rằng “thể chế ít tham nhũng” hay không?

Khi sự việc thay đổi, bản chất thay đổi mà những lời nhận xét và công kích vẫn cứ một màu, lệch lạc và vô căn cứ thì chứng tỏ căn “bệnh” đó xuất phát từ chính tâm địa đen tối của các đối tượng này. Đây là căn bệnh “có mắt không cần nhìn, có tai không cần thấy”. Thể hiện qua cái kiểu “lý luận” ngược đời của Blogger Nguyễn Ngọc Già, “Việc công khai tên tuổi một số tướng tá trong vụ kít xét nghiệm cũng chỉ là hình thức. Dù có xử họ bao nhiêu năm tù thì cũng không giải quyết được vấn đề tham nhũng, bởi mô hình tổ chức Nhà nước không hề tương thích cho việc chống tham nhũng. Người dân chúng tôi nhìn chuyện xử lý tham nhũng, chống tham nhũng như một vở kịch lỗi thời, nhàm chán mà không quan tâm lắm!”.

Đếm từng vụ việc tham nhũng để công kích nhưng lại nói rằng không quan tâm, vụ việc tham nhũng được đem ra xét xử thì lại nói rằng chỉ là hình thức. Khi họ không cần dùng đến mắt, tai và đầu óc của mình, thiết nghĩ cũng chẳng cần tranh luận về những lời lẽ xuyên tạc của họ nữa.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều