Thảm kịch xe tải chở 39 người di cư thiệt mạng: Bài học đắt giá cho Việt Nam
Thảm kịch 39 người nhập cư (chưa rõ quốc tịch), bị phát hiện tử vong bên trong một container đông lạnh ở hạt Essex, nước Anh hôm 23/10 đã gây chấn động thế giới. Bởi không ai có thể tưởng tượng rằng trong thế kỷ 21 hiện đại này, khi cách mạng 4.0 nổ ra, khi cuộc sống của con người ngày càng đi lên thì lại xảy ra một vụ việc đau lòng và thương tâm đến vậy. Thảm kịch này sẽ là bài học quan trọng để các nước, trong đó có Việt Nam, tiếp tục nỗ lực hơn chống nạn buôn người dù gặp nhiều khó khăn.
Họ đã nằm xuống vĩnh viễn nơi xứ người với một cái chết không thể đau đớn hơn, khi các nguồn tin tiết lộ họ chết bên trong thùng container đông lạnh với nhiệt độ -25 độ. Dù vụ việc vẫn trong quá trình điều tra, nhưng nhiều khả năng các nạn nhân này (nghi ngờ có nạn nhân là người Việt Nam) đặt chân đến Anh thông qua các đường dây môi giới, hoặc là nạn nhân của các đường dây buôn người. Vụ việc đau xót vừa nêu chỉ là một trong số rất nhiều vụ buôn bán người ở quy mô quốc tế đã, đang hoặc chưa bị phát hiện.
Cách đây 19 năm, tháng 6 năm 2000 một vụ việc bi thảm tương tự cũng đã xảy ra khi 58 người di cư Trung Quốc thiệt mạng trong một chiếc xe chở cà chua tại Hà Lan. Cảnh sát Pháp cũng đã từng phát hiện nhiều đường dây buôn người trái phép từ Ca – lê Pháp qua eo biển Măng – sơ vào Anh. Không chỉ ở Anh, Hà Lan mà còn cả Pháp, Bỉ, Đức những đường dây buôn người xuyên quốc gia này vẫn ngày ngày hoạt động chưa bị phát hiện, đem lại những lo ngại có thực về an ninh, trật tự và sự ổn định của xã hội toàn cầu.
Nhắc lại những vụ việc bi thảm này để thấy rằng, các đường dây buôn người xuyên quốc gia gia tăng nhanh, tình trạng di cư gia tăng nhanh đang thực sự trở thành một vấn nạn toàn cầu mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt.
Thực tế cho thấy, người di cư dù mang quốc tịch nào, khi lựa chọn con đường tha hương đều mong muốn có đươc một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Đó là tâm nguyện chính đáng và cần được tôn trọng nếu lựa chọn con đường ra đi chính đáng và hợp pháp. Nhưng cái cách mà các tổ chức buôn người đang trục lợi, sự lỏng lẻo trong việc kiểm soát lao động không giấy tờ, sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các nước châu Âu trong đấu tranh chống tội phạm buôn người và cả những giấc mơ được tô hồng phi thực tế đã khiến làn sóng di cư tăng nhanh, bất chấp mọi hậu quả.
Trở lại với vụ việc các thi thể được tìm thấy ở hạt Essex, nước Anh, dù vụ việc vẫn đang tiếp tục được điều tra, nhưng rõ ràng, đây là một hồi chuông cảnh báo về tình trạng buôn bán người xuyên quốc gia; về những giấc mơ vỡ vụn trong hành trình tìm miền đất hứa của nhiều công dân Việt Nam. Khi mà thời gian qua, với dư luận Việt Nam thì vẫn nạn buôn người kể trên dường như vẫn là câu chuyện của thế giới. Năm 2015, cảnh sát Anh đã phát hiện 10 người Việt bị khóa trong các container nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh, nhưng rất may là họ vẫn còn sống. Đó cũng dường như là chuyện người khác. Cho đến lần này, số người chết quá lớn, và những trùng hợp đầy nghi vấn về nạn nhân người Việt, thì dư luận mới rộ lên sửng sốt, xót xa hay sợ hãi. Và đến giờ phút này 12 gia đình ở Nghệ An và Hà Tĩnh có con em mất tích trong khoảng thời gian trên khi tìm đường lao động ở Anh đều đang nín thở chờ tin con em mình trong tâm trạng bán tín bán nghi.
Để tự nguyện trở thành “một nạn nhân của đường dây buôn người” – như cách gọi của truyền thông, họ thường phải bỏ ra cả tỷ đồng tiền lộ phí. Là những cuốn sổ đỏ cắm vào ngân hàng, là những món nợ vay lãi cao…..họ chỉ có một lựa chọn: kiếm tiền bằng mọi giá, mọi cách để trả nợ và nuôi tiếp ước mơ đổi đời và hi vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhưng thực tế không phải hoa hồng, trong một phóng sự ngày 26/7/2019, tờ The Guardian của Anh nhắc đến trường hợp Minh. Minh là một trong hàng trăm trẻ em Việt Nam bị bắt cóc, bị lạm dụng tình dục, bị buôn lậu sang Anh và buộc phải làm việc trong các trang trại cần sa bí mật trên khắp vương quốc Anh dưới hình thức nô lệ hiện đại. Những đứa trẻ như Minh là tài sản quý giá cho những người điều hành các trang trại cần sa: giá rẻ, dễ kiểm soát và có thể đe dọa được.
Hiện tại, rất khó có thể thống kê chính xác con số người Việt đang sống và làm việc “chui” ở Anh. Tuy nhiên, tổ chức từ thiện The Salvation Army chi nhánh Anh ước tính số lượng người Việt nhập cư bất hợp pháp tiếp cận tổ chức này giai đoạn từ tháng 7-2018 đến tháng 7-2019 tăng kỷ lục 248% so với cùng kỳ vào năm năm trước.
Trong khi đó, Ecpat – một tổ chức chuyên làm việc với các nạn nhân buôn bán trẻ em, cũng ghi nhận số nạn nhân Việt tăng từ 135 trường hợp vào năm 2012 lên 704 trường hợp vào năm 2018. Tình trạng này đọc trên báo chí Anh thật sự đáng báo động, nhưng dường như chưa được đề cập đủ ở Việt Nam. “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Chẳng lẽ cần ít nhất một sự cảnh báo thật sốc người ta mới giật mình nhìn lại.
Nếu nói những người Việt tìm cách trốn ở lại Anh, Nhật Bản hay Hàn Quốc vì lý do kinh tế có lẽ chỉ đúng một phần. Đã có những câu chuyện thực địa cho thấy, không phải gia đình nào có người thân tìm đường ra đi theo cách đó cũng là gia đình nghèo hay khó khăn về kinh tế. Nếu họ đi lao động hợp pháp, nếu chăm chỉ làm ăn và tuân thủ pháp luật của nước sở tại, họ cũng có thể tích lũy đủ để thay đổi cuộc sống của mình. Nhưng một số khá lớn người lao động ra đi, hoặc bị dụ dỗ ra đi, mà không hiểu gì về nơi mình sẽ đến, công việc mình sẽ làm. Chỉ có thể nói rằng họ nghèo về kinh tế là một phần, mà điều kinh khủng hơn là họ nghèo về hiểu biết, nghèo thông tin. Vậy phải chăng các bộ, ngành, địa phương chưa nỗ lực tuyên truyền giáo dục, chưa lên tiếng đủ để người lao động hiểu rõ rất có thể bị lừa sang trồng cần sa bất hợp pháp, bị hành hạ, tra tấn? Chắc chắn là chưa đủ, thì người ta mới dám vay cả tỷ đồng để tìm đường sang Anh. Ngay cả sự kiện tuyên truyền của Đại sứ quán Anh cũng diễn ra ở Hà Nội – địa phương không nóng về tình trạng người lao động trốn ở lại hoặc di cư bất hợp pháp.
Đã đến lúc phải kiên quyết, để ngăn ngừa một thảm kịch xảy ra trong tương lai, nhất là tăng cường nhận thức về pháp luật, xã hội cho họ, để người lao động hiểu rằng, chỉ có những cuộc ra đi lành mạnh, hợp pháp mới đem lại sinh kế bền vững.
Diệu Hương