Thảm kịch có lặp lại ở Ấn Độ trong làn sóng thứ 3?
Các chuyên gia lo ngại về hậu quả của làn sóng Covid-19 thứ 3 ở Ấn Độ, được dự báo diễn ra trong tương lai gần, khi các biện pháp phòng dịch và giãn cách xã hội dần được dỡ bỏ.
“Không thể tránh khỏi làn sóng Covid-19 thứ 3” là mối quan ngại của nhiều người, khi các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 đang dần nới lỏng, dẫn đến tình trạng quá tải người tại các địa điểm nghi lễ và khu chợ.
Động thái này diễn ra bất chấp nhà chức trách cảnh báo 100 ngày tiếp theo, tính từ giữa tháng 7, sẽ rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại virus corona của Ấn Độ, theo Straits Times.
Nhiều chuyên gia y tế và nhà dịch tễ học tin rằng làn sóng dịch thứ ba đang tiến đến gần, khi các biện pháp đeo khẩu trang và giãn cách xã hội không được thực thi nghiêm ngặt, và virus corona có thể đột biến thêm.
Đối mặt với làn sóng thứ ba là điều tất yếu
“Theo các mô hình dự báo diễn biến dịch, Ấn Độ sẽ chứng kiến đợt dịch thứ ba vào khoảng từ tháng 8 cho đến tháng 10”, Giáo sư K. Srinath Reddy, chủ tịch Quỹ Y tế Công cộng của Ấn Độ, cho biết.
“Các yếu tố góp phần tạo nên làn sóng thứ ba bao gồm sự xuất hiện của biến thể có khả năng lây nhiễm cao, người dân di chuyển tự do, tập trung đông người và số lượng lớn dân số chưa tiêm chủng”, ông nói.
Theo ông Reddy, nếu có hành vi thích hợp và ngăn chặn các sự kiện siêu lây nhiễm, Ấn Độ có thể biến cơn sóng thần thành những gợn sóng nhỏ.
“Nếu thực hiện các biện pháp một cách lỏng lẻo, Ấn Độ sẽ phải gánh chịu một đợt tăng đột biến các ca bệnh”, vị giáo sư cảnh báo.
Theo ông, một số người may mắn sống sót sau khi mắc Covid-19 trong sáu tháng qua, và những người đã được tiêm chủng, có thể được bảo vệ trong làn sóng kế tiếp.
“Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dễ bị nhiễm virus corona, cũng như chưa được tiêm vaccine”, giáo sư đưa ra lời cảnh báo.
Ấn Độ vừa trải qua làn sóng Covid-19 thứ hai, với sự xuất hiện của biến chủng Delta, ghi nhận hơn 400.000 trường hợp mắc và 4.000 trường hợp tử vong hàng ngày vào thời gian xung quanh đỉnh dịch.
Ngành y tế phải chật vật đối phó với tình trạng thiếu giường bệnh, oxy và thuốc men.
Chính phủ Ấn Độ phải đối mặt với những lời chỉ trích vì không chuẩn bị đủ để đối phó với dịch bệnh, và vẫn cho phép các cuộc tụ tập đông người diễn ra.
Ngày 16/7, Tòa án Tối cao yêu cầu bang Uttar Pradesh xem xét lại quyết định cho phép cuộc hành hương của người Hindu diễn ra.
Cuộc hành hương này được gọi là Kanwar Yatra, với các tín đồ đi chân trần đến các địa điểm hành hương hàng năm. Sau đó, chính phủ đã quyết định hủy bỏ cuộc hành hương năm nay.
Hiệp hội Y khoa Ấn Độ cũng cảnh báo không nên nới lỏng mọi thứ quá nhanh.
“Du lịch hành hương, lòng nhiệt thành tôn giáo, tất cả đều cần thiết, nhưng mọi người hãy đợi thêm vài tháng nữa”, thông báo của hiệp hội cho biết, đồng thời khẳng định những sự kiện tụ tập đông người như vậy chính là cơ hội tạo ra chùm siêu lây nhiễm, góp phần hình thành làn sóng dịch Covid-19 thứ 3.
Cần tăng tốc tiêm chủng
Đẩy nhanh quá trình tiêm chủng được coi là chìa khóa để giảm thiểu tác động của bất cứ đại dịch nào.
Trong hơn sáu tháng qua, Ấn Độ đã tiêm 395 triệu liều, với 5,6% dân số được tiêm chủng đầy đủ, và 17% được chủng ngừa một liều.
Trung bình mỗi ngày Ấn Độ tiêm khoảng khoảng 4 triệu mũi vaccine Covid-19.
Nhưng để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho tất cả những người đủ điều kiện vào cuối năm, quốc gia này cần phải tăng tốc gấp đôi.
“Nếu làn sóng thứ ba ập đến vào tháng 8, tăng tốc tiêm chủng sẽ đóng vai trò quan trọng. Đến tháng 10, nhiều người sẽ được chủng ngừa hơn”, giáo sư Reddy nói.
Trong khi số ca mắc tại Ấn Độ có dấu hiệu giảm, vẫn có một số dấu hiệu đáng lo ngại.
Theo Bộ Y tế nước này, ít nhất 47 trong số 718 quận của Ấn Độ có tỷ lệ dương tính lớn hơn 10%, với số ca mắc gia tăng ở các bang Kerala và Maharashtra.
“Theo phân tích, khi một số hoạt động được phép diễn ra, tỷ lệ sử dụng khẩu trang sẽ giảm bớt”, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Lav Agarwal cho biết.
Tuy nhiên, một số nhà dịch tễ học tin rằng Ấn Độ có thể sẽ không phải chứng kiến quy mô lây nhiễm như hồi đợt dịch thứ hai.
Tiến sĩ Jayaprakash Muliyil, nhà dịch tễ học và là cựu hiệu trưởng của Trường Y tế Cơ đốc ở Vellore, nói: “Virus không biến đổi nhiều. Những cơn sóng dịch bệnh là kết quả từ hành vi của con người. Áp dụng phong tỏa nghiêm ngặt sẽ chặn đứng chuỗi lây nhiễm. Đỉnh dịch sẽ thấp hơn bởi chuỗi lây truyền của virus đã bị cản trở”.
Tuy nhiên, ông cảnh báo nếu một chủng virus mới lại xuất hiện, “có lẽ cả thế giới sẽ bị bao trùm bởi làn sóng Covid-19 mới”.
(Theo Straits Times)