Thảm họa toàn cầu từ cú sốc nguồn cung dầu
Sự biến động của giá dầu luôn là mối bận tâm của các nhà hoạch định chính sách. Giá dầu tăng mạnh có liên quan đến lạm phát cao và là mối đe dọa đối với tính ổn định kinh tế. Căng thẳng Trung Đông cùng với cú sốc nguồn cung toàn cầu đã đẩy giá dầu vượt mốc 90 USD/thùng mới đây, làm dấy lên nỗi lo lạm phát tăng trở lại.
Hôm 8/4, giá dầu thô Brent được giao dịch quanh ngưỡng 90 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10-2023. Ngân hàng JPMorgan Chase (Mỹ) dự báo giá dầu có thể đạt mốc 100 USD/thùng vào tháng 8 hoặc tháng 9 tới.
Theo trang tin Bloomberg, giá dầu tăng sẽ làm phức tạp thêm tính toán của các ngân hàng trung ương về cắt giảm lãi suất.
Nhiều nghiên cứu phát hiện rằng, hầu hết các cuộc suy thoái kinh tế có thể được giải thích bằng sự gia tăng mạnh mẽ của giá dầu. Các thay đổi của giá dầu được truyền dẫn tới mức giá thông qua hiệu ứng vòng một (first–round effect) và vòng hai (second–round effect). Sự truyền dẫn vòng đầu tiên được nắm bắt trong quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ có thành phần dầu mỏ; trong khi hiệu ứng vòng hai được nắm bắt trong kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng, vốn phụ thuộc rất nhiều vào độ tin cậy của chính sách tiền tệ và tính linh hoạt của thị trường lao động (Misati và cộng sự, 2013). Từ góc độ chính sách, các nghiên cứu có những động cơ thuyết phục để phân tích mối quan hệ giữa giá dầu và lạm phát.
Thị trường dầu thô ở châu Âu hiện đối mặt nhiều sức ép do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở biển Đỏ khiến hàng triệu thùng dầu thô được vận chuyển vòng qua châu Phi, từ đó làm trì hoãn nguồn cung trong nhiều tuần.
Thêm vào đó, việc Mexico cắt giảm xuất khẩu dầu thô, tình trạng bất ổn ở Libya và một đường ống bị hư hại ở Nam Sudan… là những yếu tố góp phần đẩy giá dầu tăng. Trong bối cảnh như thế, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi tắt là OPEC+) vẫn duy trì cắt giảm sản lượng khai thác.
Tại Mỹ, giá dầu tăng đang thúc đẩy lạm phát tăng trở lại. Trong khi đó, chỉ số Bloomberg của các mặt hàng chủ chốt đạt mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Ông Vikas Dwivedi, chuyên gia của Tập đoàn dịch vụ tài chính Macquarie Group (Úc), nhận định giá dầu thô tăng có thể buộc OPEC+ phải thu hẹp quy mô cắt giảm sản lượng.
Còn theo JPMorgan Chase, giá dầu trên 90 USD/thùng về cơ bản có thể dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu và cuối cùng khiến giá giảm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ xảy ra.
Hiện nay các biến số về giá năng lượng, giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu… chính là những nhân tố tiềm ẩn lạm phát. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp ngăn lạm phát từ hệ lụy “té nước theo mưa” theo giá xăng, dầu.
Theo chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, giá xăng, dầu trong nước tăng sẽ làm cho nguồn thu từ các loại thuế, phí của kinh doanh xăng, dầu tăng theo, giúp nguồn thu ngân sách tăng và suy cho cùng là chúng ta có thêm nguồn lực để đầu tư phục hồi kinh tế phát triển. Tuy nhiên, song hành với đó, cũng gây ra những bất lợi cho nền kinh tế.
Cụ thể, tác động bao trùm nhất là đối với tăng trưởng kinh tế (GDP). Theo tính toán của một chuyên gia thống kê, nếu giá xăng, dầu tăng 10% thì GDP sẽ giảm 0,5%. Mức tăng giá xăng, dầu hiện nay tác động khá lớn đến các ngành nghề sử dụng nhiều nguyên liệu này, như ngành vận tải và ngành thủy sản. Còn đối với tiêu dùng của các hộ gia đình, xăng, dầu lên giá không chỉ tăng thêm chi phí cho việc đi lại hằng ngày, mà còn gây nên bất lợi kép khi giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng.
Những tác động bất lợi trên, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, không hề nhỏ, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp đối phó nhằm giảm những tác động bất lợi.
Chuyên gia Phạm Thế Anh (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, hiện nay các biến số về năng lượng, giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu… chính là những nhân tố tiềm ẩn, do đó cần phải theo dõi chặt chẽ lạm phát.
Về giải pháp, trước hết, trong các kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu tới đây, liên bộ Công thương – Tài chính cần chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng, dầu để “ngăn” đà tăng của giá xăng, bởi hiện nay, Quỹ bình ổn có số dư khá lớn. Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp bảo đảm cung cầu, đồng thời rà soát, đánh giá hệ thống phân phối xăng, dầu để điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp thực tế trong nước. Tăng cường kiểm soát các trường hợp lợi dụng tăng giá xăng, dầu để tăng giá hàng hóa một cách bất hợp lý.
PGS, TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc giá xăng, dầu tăng mạnh ảnh hưởng lớn tới hoạt động vận tải, cũng như làm “đội” chi phí vận hành của các loại máy móc phục vụ sản xuất công, nông nghiệp sử dụng dầu diesel. Điều này sẽ tác động rất lớn đến tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi.
Theo vị chuyên gia này, để hạn chế tác động từ giá xăng, dầu tăng, cơ quan quản lý cần chủ động bảo đảm nguồn cung hàng hóa các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa tiêu dùng, hạn chế thấp nhất tình trạng giá cả “ăn theo” giá xăng, mà thậm chí còn tăng mạnh hơn giá xăng.
Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải nêu quan điểm, hiện giá xăng tăng chưa phản ánh vào chỉ số giá vì có độ trễ. Việt Nam vẫn phải hết sức cẩn trọng với rủi ro lạm phát tiềm ẩn vì đà tăng giá lương thực đã có xu hướng xuất hiện.
“Để tránh tác động của lạm phát từ việc giá xăng, dầu tăng thì trong thời gian tới, Nhà nước có lẽ cần xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường, tương tự năm 2022. Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc quản lý chuỗi cung ứng, đặt hàng sớm khi giá còn chưa tăng cũng như tìm các nguồn hàng thay thế nếu như giá cả các nguyên liệu đầu vào gia tăng”, vị chuyên gia nhận định.
Bảo Trâm