+
Aa
-
like
comment

Thảm họa nhân đạo 39 nạn nhân container đông lạnh: Không dung thứ loại tội phạm này

05/11/2019 17:50

Dù không muốn nhưng vẫn phải chấp nhận sự thật, 39 người chết trong container đông lại ở Anh hoàn toàn là người Việt Nam. Giới chức, cảnh sát hạt Essex, cả Thủ tướng Boris Johnson, Bộ trưởng Nội vụ Anh đã đến hiện trường và viết những dòng chia buồn trong sổ tang. Là người Việt, không có lý do gì mà chúng ta không giành một phút mặc niệm cho các nạn nhân máu đỏ da vàng (…). Và gửi lời cảm ơn chân thành đến nghĩa cử cao đẹp, văn minh của con người ở xứ sở sương mù.

The scene where bodies were discovered in a lorry container, in Grays, Essex

Tất cả chúng đều có lý do để tự an ủi rằng, 39 con người ấy ra đi cũng vì cuộc sống của chính họ và gia đình họ. Nhưng từng đồng ngoại tệ gửi về còn góp sức làm thay đổi diện mạo quê hương. Dòng ngoại tệ ấy còn giúp nhà nước tích lũy để giao thương với nước ngoài.

Những đi sâu vào vấn đề, chúng ta thấy, những người di cư ra nước ngoài bằng mọi giá đề xuất phát từ nông thông. Tại sao lại vậy? Bởi vì nông thôn kiếm đâu ra việc làm cho thanh niên? Không hề dễ một chút nào. Chúng ta đã nói về chênh lệch giữa nông thôn và thành thị từ rất lâu. Nhưng đến nay vẫn không có một động thái nào cụ thể để vực dậy nông thôn một cách thiết thực nhất. Xây dựng “Nông thôn mới” là chương trình lớn, nhưng hầu hết chỉ chú trọng về hạ tầng, dựng lên nhiều công trình vô bổ mà quên quan tâm đến tình hình lao động, việc làm cho người trẻ. Không còn chọn lựa nào khả dĩ hơn là phải ra đi.

Hào hứng với công nghiệp cũng không có gì đáng phê phán. Nhưng dân nông thôn sau khi nhận mấy mươi triệu đồng đền bù cho một sào ruộng rồi trở thành kẻ vô công rồi nghề, bơ vơ bất ổn. Không ra đi thì ở lại làm gì!

Ngoại tệ gửi về hàng năm rất hữu ích cho đất nước. Nhưng thử hỏi người dân đầu tư vào đâu để ổn định tương lai dài thay vì cất nhà hoành tráng để “lòe” nhau như con gà ganh nhau tiếng gáy sau lũy tre làng. Những triền nông thôn nhà hai tầng mọc lên san sát, nhưng hỏi ra mới biết con em dân làng đang ở tận bên nước ngoài. Đó có phải là phồn hoa ảo đánh lừa giác quan con người?

Không hiếm nơi bày tỏ sự vui mừng vì năm nay đưa được nhiều người ra nước ngoài lao động; nhiều chính quyền cơ sở tự hào vì thôn bản giờ đây có nhiều ngôi nhà to, kiên cố nhất huyện. Có đáng để vui khi đó là những đồng tiền khổ cực gửi về từ ngoài nước chứ không phải được tạo ra từ sinh kế do chính quyền đem lại!

Là người Việt, họ ra đi bằng cách nào? Thế lực nào dẫn họ đến với chiếc thùng container lạnh lẽo đó? Họ không chết vì ra đi tìm tương lai, mà họ chết vì một đường dây đưa người bất hợp pháp. Nếu không muốn nói đó là băng nhóm buôn bán người xuyên quốc gia. Và đó càng không phải là một “thảm họa nhân đạo” mà đó chính là những số phận kém may mắn lỡ giao mình cho ác quỷ. Đó là vấn đề của luật pháp, của cơ quan công quyền, của bối cảnh xã hội.

Việt Nam gần đây ghi nhận số lượng người dân ra nước ngoài làm việc đang gia tăng nhanh. Riêng trong năm 2019 đã có hơn 142.000 người lao động xuất cảnh đi làm việc theo hợp đồng. Cùng với đó, tình trạng người Việt đi lậu sang nước ngoài, đặc biệt là những nước châu Âu, Mỹ, Canada… và những nước phát triển khác từ lâu khá phổ biến tại Việt Nam. Chỉ cần lên mạng tìm kiếm thông tin, thậm chí có những cá nhân, tổ chức quảng cáo cả hoạt động đưa người ra nước ngoài với đủ mọi chiêu thức. Từ việc kết hôn giả để có quốc tịch, cho đến việc đi lậu bằng nhiều con đường qua nhiều quốc gia để đến được đất nước họ mong muốn. Và dĩ nhiên, chi phí cho những chuyến đi lậu như vậy cũng không hề rẻ, thậm chí lên đến cả tỷ đồng. Thế nhưng, nhiều người vẫn bất chấp cả tiền bạc, tính mạng để ra được nước ngoài lao động, mặc dù là lao động chui hòng mong sớm giàu có như những gì mà các môi giới đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép vẽ ra.

Thực trạng có các đường dây đưa người Việt ra nước ngoài trái phép đã diễn ra từ lâu, nhưng chỉ sau sự việc 39 thi thể nghi là người Việt được phát hiện trong container bị phanh phui thì dư luận mới bàng hoàng, các cơ quan chức năng rốt ráo vào cuộc. Và đây cũng chỉ là một trong số những vụ việc đau lòng xảy ra được các cơ quan chức năng công bố, thông tin công khai. Còn rất nhiều vụ việc tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép khiến những nạn nhân bị thiệt mạng, bị xâm hại tình dục, lạm dụng sức lao động mà đối tượng chưa bị xử lý. Bởi vậy, qua vụ việc trên, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần quyết liệt hơn nữa trong việc đấu tranh với loại tội phạm này để đảm bảo an toàn cho người lao động và đảm bảo an ninh, chính trị.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa hoạt động quản lý về xuất khẩu lao động, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các cá nhân, tổ chức môi giới đưa người đi nước ngoài trái phép. Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền, phổ biến thông tin cũng như các quy định pháp luật để người dân biết, tuân thủ khi có nhu cầu xuất khẩu lao động. Công khai thông tin các đơn vị, tổ chức có đủ năng lực suất khẩu lao động và cần thông tin kịp thời về nhu cầu lao động của các quốc gia mà Việt Nam đang hợp tác về lao động.

Đặc biệt Sự cố lần này hoàn toàn là cơ sở để các nhà làm luật xem lại Bộ Luật hình sự 2015, cụ thể là Điều 150 về Tội mua bán người, Điều luật này có 4 khoản tương ứng với 4 mức phạt khác nhau. Án tù dành cho tội phạm mua bán người dao động từ 5 đến 20 năm, phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng; ngoài ra cấm đi khỏi nơi cư trú tối đa 5 năm hoặc tịch thu tài sản.Tội trạng “xem con người như hàng hóa”, đày đọa thể chất, tinh thần, để lại di họa về lâu dài, chà đạp quyền con người nhưng mức phạt tối đa chưa có án chung thân, thậm chí tử hình!

Và có thể, chúng ta không nên xem xuất khẩu lao động là một “động lực” khuyến khích xây dựng đất nước.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều