+
Aa
-
like
comment

Tham gia hàng không, Vingroup đối mặt thách thức gì?

11/07/2019 09:04

Trong khi dư luận hào hứng với viễn cảnh Vinpearl Air, các chuyên gia tỏ ra thận trọng với việc Vingroup tham gia thị trường vận chuyển hành khách và đào tạo phi công. 

Ngay khi thông tin Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air được thành lập với ngành nghề chính là vận chuyển hành khách hàng không xuất hiện, thương hiệu này nhanh chóng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. “Vinpearl Air” ngay lập tức trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam.

Cùng ngày, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng công bố việc thành lập Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không (VinAviation School) và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre) tại Việt Nam. Việc tuyển sinh dự kiến bắt đầu ngay trong tháng 8.

Dù đó chỉ mới là bước đầu tiên và việc hình thành hãng hàng không Vinpearl Air còn phải tuân thủ nhiều quy trình pháp lý, nhiều người tỏ ra hào hứng với viễn cảnh sắp có thêm một tay chơi mới trong cuộc đua hàng không.

Trong khi đó, các chuyên gia trong ngành lại thận trọng hơn về việc tham gia thị trường hàng không và đào tạo phi công của một doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Nút thắt hạ tầng, nhân lực

PGS.TS Nguyễn Thiện Thống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không của ĐH Bách Khoa TP.HCM, cho rằng thời điểm này, thị trường hàng không Việt Nam vẫn tăng trưởng nhưng không còn bùng nổ như cách đây vài năm. Nói cách khác, đây không còn là thời điểm vàng để một hãng mới tham gia thị trường. Sẽ có nhiều thách thức chờ đợi một hãng bay mới.

Ông Tống nhận định thị trường hàng không trong nước cơ bản đã được phân chia với hai doanh nghiệp nắm phần lớn thị phần là Vietnam Airlines và Vietjet Air.

Vì thế, hãng bay mới sẽ cạnh tranh bằng cách giành thị phần hiện tại của các hãng hiện hữu chứ khó có thể tạo ra thị trường mới.

Tham gia hang khong, Vingroup doi mat thach thuc gi? hinh anh 1
Theo PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống, các hãng bay mới tại Việt Nam sẽ gặp khó vì Vietnam Airlines và Vietjet đã chiếm phần lớn thị phần. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Tống giải thích các hãng bay mới phải khai thác những đường bay đông khách như TP.HCM – Hà Nội mới mong có lãi. Tuy nhiên, nếu có cơ hội tăng trưởng, hai ông lớn Vietnam Airlines và Vietjet cũng sẽ đón đầu thị trường, tăng thêm chuyến bay. Trong khi đó, những đường bay tỉnh lại khó sinh lời.

“Những sân bay đã quá tải sẽ quá tải thêm và áp lực quản lý ở các sân bay này cũng tăng lên. Sự tham gia thị trường của các hãng mới sẽ làm phức tạp thêm cho các sân bay đông khách như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng”, vị PGS nói với Zing.vn.

Hàng không cần rất nhiều tiền. Nhưng không phải chỉ nhiều tiền là làm được. Có tiền mà không có con người thì không làm được gì.

Ông Nguyễn Thành Trung

Ông Tống cho biết thị trường vận chuyển hàng không đặc biệt ở chỗ nhu cầu hành khách được xác định khá chắc chắn dù tốc độ tăng trưởng khá cao trong thời gian qua. Mặt khác, khả năng đáp ứng của các hãng hàng không cũng xác định được và kế hoạch phát triển năng lực của các hãng để đáp ứng nhu cầu gia tăng của thị trường cũng được công khai.

“Thị trường hàng không luôn cho điểm cân bằng giữa cung và cầu. Cung ít thì cầu bị hạn chế ở mức cung, nhưng cung quá thừa thì cầu cũng không tăng lên bao nhiêu ngay cả khi giá giảm xuống. Thừa cung trong trường hợp này là một sự lãng phí xã hội”, PGS Tống nêu ý kiến.

Ông ví von thị trường hàng không khác xa với xe ôm công nghệ. “Việc có thêm nhiều người chạy xe ôm trên mức nhu cầu chỉ làm cho một số người chạy xe ôm có ít khách. Người chạy xe ôm thu nhập thấp, họ vẫn tồn tại được. Nếu thấp quá, họ có thể bỏ để làm nghề khác. Nhưng nếu có nhiều hãng bay quá và nhiều chuyến bay không đủ khách khiến một hãng hàng không bị thua lỗ và rút khỏi thị trường, thiệt hại xã hội rất lớn”, ông Tống nói.

Theo ông, Nhà nước phải có vai trò điều tiết, không nên tạo ra cung vượt cầu quá nhiều, tránh lãng phí xã hội, rối loạn thị trường.

Những sân bay đã quá tải sẽ quá tải thêm và áp lực quản lý ở các sân bay này cũng tăng lên, đặc biệt tại Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài.

PGS – TS Nguyễn Thiện Tống

Một vấn đề khác đặt ra là câu chuyện thiếu hụt nhân sự hàng công. Đại tá phi công Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho rằng hiện tượng khan hiếm phi công diễn ra trên toàn thế giới chứ không riêng ở Việt Nam trong bối cảnh ngành hàng không phát triển nhanh.

“Mấy hãng mở ra thì vẫn thiếu phi công triền miên. Nếu thêm một hãng nữa thì nhu cầu càng nhiều. Việc đó là đương nhiên”, ông Trung nói với Zing.vn.

Theo ông, khi nhiều hãng bay mới phát triển, từng hãng sẽ có chiêu bài riêng để thu hút lực lượng lao động đặc biệt này.

Đồng quan điểm, ông Tống cũng khẳng định nhân sự ngành hàng không, đặc biệt là phi công đang thiếu hụt và nếu Vinpearl Air tham gia thị trường hàng không thì tình trạng này sẽ càng trầm trọng.

Ông Tống dẫn chứng sự xuất hiện của một hãng bay mới là Bamboo Airways vừa qua đã gây nên xáo trộn đáng kể, đặc biệt là về vấn đề phi công.

“Có tiền mà không có con người thì không làm được gì”

Về việc Vingroup tuyên bố sẽ mở mới trường đào tạo phi công, ông Trung không đưa ra đánh giá cụ thể về khả năng của doanh nghiệp nhưng cho rằng đây không phải là việc dễ dàng.

Ông Trung dẫn chứng từ xưa đến nay, Việt Nam chưa thể có một trường đào tạo phi công hoàn chỉnh khi những công đoạn sau cùng trong quy trình đào tạo vẫn phải thực hiện ở nước ngoài.

Tham gia hang khong, Vingroup doi mat thach thuc gi? hinh anh 2
Ở Việt Nam mới chỉ có một cơ sở đào tạo phi công nhưng các bước huấn luyện bay phải thực hiện ở nước ngoài.  

“Có tiền cũng chưa chắc đào tạo phi công được. Tôi nghĩ nếu làm được Việt Nam đã làm lâu rồi. Rất nhiều người muốn làm mà vẫn chưa làm được”, ông Trung chia sẻ.

PGS Nguyễn Thiện Tống cũng nêu quan điểm tương tự: “Việc mở trường đào tạo phi công không dễ dàng, không phải có tiền là mở được. Có mở được thì còn lâu mới có phi công ra trường và còn rất lâu mới chứng minh được chất lượng”.

Trong khi đó, đại tá Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh với ngành hàng không, nguồn vốn rất quan trọng nhưng chưa phải là yếu tố quyết định thành công.

“Ngành nào cũng rất cần tiền. Hàng không lại cần rất nhiều tiền. Nhưng không phải chỉ nhiều tiền là làm được. Tiền rất quan trọng nhưng yếu tố về con người quan trọng hơn. Có tiền mà không có con người thì không làm được gì”, ông Trung chia sẻ.

Theo ông, yếu tố con người ở đây nói về việc được đào tạo kỹ lưỡng, nắm bắt được tiến bộ của khoa học hàng không và cả nhân sự tổ chức điều hành doanh nghiệp. Nếu không có đủ con người, doanh nghiệp chỉ có thể “vẽ”.

Hiện tại, đội ngũ nhân sự của Vinpearl Air khi tham gia thị trường hàng không vẫn là dấu hỏi trong bối cảnh thiếu hụt nhân sự ngành này như hiện nay. Thông tin về nhân sự cấp cao của doanh nghiệp cũng đang là ẩn số.

Cái tên duy nhất lộ diện trong dàn lãnh đạo hiện tại là bà Nguyễn Thanh Hương (sinh năm 1972), người đại diện doanh nghiệp, đồng thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, một người không am hiểu ngành. Bà Nguyễn Thanh Hương đang là đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Nhất Nam và Công ty cổ phần Đầu tư Nhất Nam. Đây là doanh nghiệp sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart và chuỗi bán lẻ điện thoại Viễn Thông A, được Vingroup mua lại cuối năm 2018.

(Theo Zing News)

Bài mới
Đọc nhiều