+
Aa
-
like
comment

Thảm án gia đình: Hãy dập lửa từ khi mới bắt đầu le lói

17/09/2019 17:01

Những vụ thảm án trong gia đình những ngày qua khiến dư luận không khỏi gai người bởi sự tàn nhẫn, lạnh lùng của hung thủ. Các vụ án này kết thúc với việc hung thủ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, song đối với dư luận xã hội, nó không hề kết thúc. Bởi, tác động của nó đã vượt quá sức chịu đựng về tâm lý của người dân. Nhìn từ những vụ thảm án xảy ra trong thời gian vừa qua, phải chăng đó là cá biệt hay thực sự là tiếng chuông cảnh tỉnh về đạo đức xã hội đang đi xuống?

Hiện trường án mạng kinh hoàng vụ anh chém gia đình em làm 4 người chết, 1 người bị thương nặng tại Đan Phượng, Hà Nội
Hiện trường án mạng kinh hoàng vụ anh chém gia đình em làm 4 người chết, 1 người bị thương nặng tại Đan Phượng, Hà Nội

Khi gia đình không còn là tổ ấm

Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình ổn định, hạnh phúc sẽ góp phần xây dựng một xã hội yên bình và phát triển. Tuy nhiên theo thống kê của Bộ Công an, nửa đầu của năm 2019 cả nước xảy ra 447 vụ giết người, 17% trong số đó là do người thân trong gia đình gây án. Thảm sát gia đình liên tiếp trong thời gian quan là một minh chứng điển hình cho thấy khi gia đình không còn là tổ ấm và chỗ dựa của các thành viên thì chẳng những gia đình lung lay mà xã hội cũng bị ảnh hưởng, kéo theo rất nhiều hệ lụy và là nguyên nhân của rất nhiều vấn đề xã hội. Điểm qua vài vụ án gần đây, như ngày 22/8/2019, Công an tỉnh Bình Phước đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Thủy để điều tra về hành vi giết người, nạn nhân chính là chồng của Thủy. Trước đó ngày 27/5/2019 tại Bình Dương, đối tượng Trần Văn Cường đã dùng dao sát hại người vợ đang mang thai và con nhỏ. Ngày 12/3/2019, Nguyễn Hoàng Nam (26 tuổi), ở Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh bị bắt giữ vì gây ra vụ thảm sát 3 người thân gồm cha mẹ và bà nội. Và ngay trong nửa đầu tháng 9 cũng đã liên tiếp xảy ra 3 vụ thảm sát “anh em tương tàn”. Hay chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ do tranh chấp đất đai, Nguyễn Văn Đông, ở Đan Phượng (Hà Nội) đã lạnh lùng sát hại cả gia đình em trai. 4 người đã tử vong, trong đó có một bé gái 1 tuổi. Tương tự, trong hai ngày 13 và 14/9/2019, dư luận lại một lần nữa phải bàng hoàng khi mà ngay tại lễ cúng 49 ngày của bố, em trai (Nghiêm Xuân Thành, sinh năm 1999, ở Kiến Xương, Thái Bình) đã đâm chết anh trai cũng chỉ vì anh muốn mang điếu cày lên chùa cho mọi người hút nhưng em không đồng ý. Anh đánh em gãy răng và em đã rút dao đâm chết anh. Và cũng chỉ vì mâu thuẫn trong việc vay trả số tiền 3 tỷ đồng, đối tượng Bùi Xuân Hồng, ở Thái Nguyên, đã dùng dao đâm chém gia đình em gái ruột khiến 3 người thương vong… Đây là sự vô cảm của con người hay là sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo nghĩa gia đình, lối sống và văn hóa ứng xử giữa con người với con người. Dư luận lo ngại, cho rằng đây là một thực trạng rất đáng báo động, khi mà ở đó những chuẩn mực về đạo đức xã hội đang dần bị mất đi, chẳng lẽ, thứ tình thân ruột thịt “Anh em như thể tay chân” lại không sánh bằng thứ vật chất tầm thường kia?.

Do khoản nợ lớn, nhiều lần không đòi được nên Bùi Xuân Hồng đã ra tay sát hại cả gia đình em gái.
Do khoản nợ lớn, nhiều lần không đòi được nên Bùi Xuân Hồng đã ra tay sát hại cả gia đình em gái.

Thảm án gia đình sản sinh ra từ đâu?

Vậy vì đâu họ gây ra những vụ án mạng thảm khốc với chính những người thân thích, ruột thịt, “anh em như thể tay chân”, “huynh đệ tình như thủ túc? Vì đâu từ tình thân lại coi nhau như kẻ thù, ra tay vô cùng tàn độc, sẵn sàng sát hại cả nhà anh em ruột và chấp nhận “đổi mạng” bằng cách tự sát? Thảm án gia đình sản sinh ra từ đâu?

Để trả lời những câu hỏi trên không hề dễ dàng, bởi đó là kết quả của quá trình tích tụ những mâu thuẫn, hiềm khích trong thời gian dài dẫn đến mâu thuẫn đỉnh điểm kiểu “giọt nước tràn ly”. Đáng chú ý, đa số những vụ án mạng vợ giết chồng, anh em chém giết nhau, nghịch tử giết cha mẹ, chồng sát hại vợ đang mang thai đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ, hoặc lý do không đáng có, hay liên quan đến lợi ích vật chất như tranh giành đất đai, vay mượn tiền bạc… dẫn đến hành động tước đoạt sinh mạng của người khác. Vấn đề đáng nói ở đây là những hành động này được thực hiện một cách cực kỳ quyết liệt, truy cùng giết tận, không có chút mảy may run sợ, khiến nhiều người ngỡ ngàng, không thể tìm ra lời lý giải cho những hành động đó. Đó là điều báo động về văn hóa, cách ứng xử giữa con người với nhau. Văn hóa ứng xử chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ thảm án đau lòng này. Các đối tượng gây án ở đây còn là biểu hiện sự thiếu hiểu biết, thiếu tu dưỡng, rèn luyện nhân cách đạo đức.

Nhưng cũng có thể hiểu rằng, cuộc sống ngày nay, với sự biến chuyển dữ dội của nền kinh tế thị trường, đã khiến cho thước đo về giá trị thay đổi nhanh chóng. Những hình ảnh bạo lực, phim xã hội đen; lối sống nặng về tranh đoạt vật chất, ăn chơi sa đọa, lười biếng, thích hưởng thụ, chạy theo đồng tiền bằng mọi giá… lan tràn trên sách báo, phim ảnh, Internet, mạng xã hội đang hàng ngày hàng giờ tác động vào nhận thức, lối sống, hành vi của không ít người. Việc truyền thông tạo ra mặt trái khi miêu tả quá chi tiết và rùng rợn các vụ thảm sát chấn động cũng đã tác động xấu tới tâm lý của các đối tượng phạm tội.

Cái ác không hẳn là bản tính, cũng không phải vì thiếu giáo dục mà là do tích tụ từ những suy nghĩ tiêu cực, từ những suy nghĩ về lòng tham và tính ích kỷ.

Vậy chúng ta cần phải làm gì?

Hình phạt không phải là biện pháp hữu hiệu để áp dụng đối với những đối tượng “máu lạnh”. Nhiều đối tượng dù am hiểu pháp luật nhưng vẫn hành động giết người man rợ. Vậy nên, chúng ta cần một giải pháp mang tính đột phá, đòi hỏi nỗ lực của các cơ quan chức năng cũng như toàn xã hội, đặc biệt là từ giáo dục. Mỗi gia đình luôn phải là pháo đài để bảo vệ các giá trị cốt lõi. Cần phải giáo dục về sự yêu thương, sự chia sẻ, về các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng. Nếu những người thân trong gia đình yêu thương, nhường nhịn, giúp đỡ, chăm sóc nhau, tôn trọng nhau trên nền tảng của đạo lý và pháp lý sẽ khó xảy ra những tranh đoạt, tị hiềm, xung đột. Nếu được thường xuyên giáo dục đạo đức, văn hóa, các qui tắc ứng xử văn minh và sự hiểu biết pháp luật thì tôi tin sự bình yên sẽ đến với mỗi gia đình.

Bên cạnh đó, đây là hiện tượng xã hội tiêu cực xuất phát từ bạo lực cộng đồng, chính vì vậy cần một hệ thống giải pháp đồng bộ. Trước hết, ngay tại cơ sở, nơi phát sinh những xung đột, mâu thuẫn, các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương ở đó phải tăng cường trách nhiệm của mình trong việc nắm tình hình nội bộ nhân dân. Khi phát hiện những điểm nóng về xung đột, tranh cãi bất đồng cần phải có những hoạt động dốt dáo, như tiến hành gặp các bên, nắm tình hình, phân giải, tư vấn, khuyên răn trên cơ sở lấy đạo lý của dân tộc, chính sách pháp luật để ngăn chặn. Nếu chính quyền cơ sở sớm nắm bắt được những mâu thuẫn này để hóa giải thấu đấu, có lẽ nhiều cái ác có lẽ đã được ngăn chặn.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an cơ sở phải tăng cường nắm bắt tình hình, tất cả những mâu thuẫn trong nội bộ của mình, kịp thời có đối sách giải quyết đối với những vụ án có những phát sinh phức tạp.

Ngoài ra cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đạo đức, các chuẩn mực xã hội cho người dân, nhất là người trẻ. Khi người ta nhận định rõ hành vi sai trái bị lên án, nhất định bị xử lý, bị trừng phạt, sẽ có những điều chỉnh hành vi của mình.

Hãy dập lửa từ khi mới bắt đầu le lói trước khi nó bùng phát thành đám cháy đau thương.

Diệu Hương

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều