‘Thái thượng hoàng’ phẩy tay ngàn tỷ, 5 chủ tịch tập đoàn răm rắp nghe lời
Ở những công ty gia đình, những bà lão dù đã tuổi cao nhưng lại đầy quyền lực. Họ đã một tay gây dựng nên những đế chế nghìn tỷ tại Việt Nam.
Lão bà quyền lực
Bà Nguyễn Thị Sơn là người phụ nữ quyền lực nhất trong gia đình nhà Sơn Kim. Nhà sáng lập Sơn Kim Group là một nữ cường nhân thực sự của giới kinh doanh Việt Nam.
Mất chồng từ rất sớm, một nách nuôi 5 người con, nhưng bà không chỉ nuôi dạy con khôn lớn thành người mà còn hỗ trợ chúng rất tích cực từ kinh nghiệm, tri thức cho đến tài chính; để cả 5 người đã và đang trở thành những doanh nhân hàng đầu tại TP.HCM.
Trong Hội thảo Quản trị doanh nghiệp gia đình Việt Nam, bà Nguyễn Thị Sơn tiết lộ, hiện 5 người con của mình đang làm chủ/quản lý rất nhiều công ty khác nhau, đủ mọi lĩnh vực ngành nghề. Gia đình toàn Chủ tịch và Giám đốc, kinh doanh đủ mọi lĩnh vực: May mặc, bất động sản, bán lẻ, dược phẩm, đầu tư, cà phê, nội thất,…
Con gái đầu Hồng Vân và chồng là Hồ Nhân đang nắm công ty dược phẩm Nanogen Bio, con trai thứ hai là Hoàng Tuấn đang ở vị trí Chủ tịch Sơn Kim Group và Sơn Kim Land, con trai thứ ba Hoàng Anh là ông chủ công ty sản xuất trà cà phê Golden Mountain, con gái thứ tư Hồng Trang hiện là CEO Sơn Kim Mode GS25 Việt Nam, con trai cuối cùng Hoàng Lâm đã ra riêng thành lập công ty thiết kế nội thất Duy Quân.
Trong danh sách các lão gia, người ta nhắc tới bà Trần Thị Thái, nữ doanh nhân lão làng trong ngành mía đường. Sinh năm 1939, bà Thái tham gia ban quản trị của một loạt doanh nghiệp mía đường như CTCP Mía đường Bến Tre (Bentresuco), Công ty Cổ phần Đường Kon Tum (KTS), CTCP Mía đường Cần Thơ (Casuco), CTCP Mía đường Sơn La (SLS), CTCP Mía đường Sóc Trăng (SST).Với tư cách cá nhân, bà Thái đang nắm giữ 27,4% cổ phần của Mía đường Sơn La, 10% Mía đường Sóc Trăng, 6% Mía đường Cần Thơ và 2% mía đường Kon Tum.
Ra đi ở tuổi 82, “lão bà thép” Tư Hường để lại sự nghiệp lừng lẫy. Bà Tư Hường (Trần Thị Hường) sinh năm 1936, là con thứ tư trong một gia đình đông anh em, nghèo khó, phải bươn chải đi làm thuê, rồi làm đủ nghề từ buôn dầu dừa, đậu phộng, nhuộm đồ, đến máy may, buôn vải, mối rượu… từ ngày còn bé để có tiền lo cho gia đình.
Bà từng đảm nhận vị trí Chủ tịch Tập đoàn Hoàn Cầu, cố vấn cấp cao của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank). Tập đoàn Hoàn Cầu tham gia vào một loạt dự án bất động sản như Khu Công nghiệp Công nghệ cao Hoàn Cầu Long An, Trung tâm thương mại Quy Nhơn, dự án chung cư cao cấp Cantavil Hoàn Cầu, Quần thể nghỉ dưỡng Quốc Tế Diamond Bay City, TTTM và Khách sạn Hoàn Cầu 20 Trần Phú Nha Trang cùng hàng loạt dự án tại Nha Trang với quỹ đất lên tới 1.600 hécta,…
Kín tiếng với truyền thông, trong chia sẻ hiếm hoi của mình, “lão bà thép” từng khẳng định sản nghiệp được gây dựng bấy lâu nay đều nhờ công sức của bà mà có. “Tôi đi lên là nhờ buôn bán bất động sản. Khi bước vô nghề, rất chông gai, phải chịu khó đủ chuyện”.
Thế hệ kế cận
Trong danh sách các nữ doanh nhân gây dựng lên những tập đoàn gia đình, bà Phạm Thị Huân (Ba Huân), Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Ba Huân cũng được nhiều người nhắc tới dù mới trên 60.
Từ năm 1970, bà bắt đầu tự mình đi buôn trứng từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn. Năm 1982, bà lập vựa trứng ở TP.HCM lấy tên Ba Huân. Năm 1985, vựa trứng Ba Huân được chuyển đổi thành cơ sở thu mua và phân phối trứng, năm 2000 chuyển lên thành doanh nghiệp.
Bà Ba Huân vinh dự nhận giải thưởng “Nông dân điển hình quốc tế”, do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc FAO trao tặng. Bà là đại diện duy nhất của Việt Nam và cũng là một trong 5 nông dân được lựa chọn từ 45 quốc gia để trao thưởng.
Trong giới doanh nhân, “người đàn bà thép” danh tiếng Nguyễn Thị Nga Chủ tịch Tập đoàn BRG. Sinh năm 1955, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga cho biết bà đã bắt đầu kinh doanh từ năm 1983 lúc mới ngoài 20 tuổi, từ khi đất nước chưa mở cửa. Năm 1993, bà Nga thành lập doanh nghiệp đầu tiên. Bà Nga là một trong 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 vừa được Tạp chí Forbes Việt Nam công bố.
Bà chia sẻ: “Phụ nữ bây giờ đã khác xa xã hội xưa. Người phụ nữ giờ đây không chỉ là người vợ đảm, người mẹ hiền, người con ngoan trong gia đình mà còn có thể gánh vác những trọng trách quan trọng khác. Họ là những doanh nhân thành đạt, những nhà quản lý, lãnh đạo tài ba và cả những lãnh đạo quốc gia… đóng góp không nhỏ vào hạnh phúc mỗi gia đình, sự phát triển của mỗi doanh nghiệp và sự phồn thịnh của đất nước”.
Một nữ doanh nhân khá kín tiếng là bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát. Năm 1992, bà Trương Mỹ Lan thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vạn Thịnh Phát, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng khách sạn. Sau đó, Vạn Thịnh Phát mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Năm 2007, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Group Holdings, với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng. Vạn Thịnh Phát để đạt được những thành tự như ngày hôm nay một phần nhờ vào sự lãnh đạo, dẫn dắt của “nữ tướng” Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, giá trị tài sản của bà Lan hiện vẫn còn là một “ẩn số”.
Bảo Anh/Vietnamnet