Thái Lan ngày đầu thử nghiệm “sống chung với Covid-19”
Trang Bangkok Post đăng tải thông tin người dân Thái Lan vô cùng phấn chấn trong ngày đầu tiên Thái Lan nới lỏng các quy định giãn cách, quyết định thử nghiệm “sống chung với Covid-19”.
Theo Bangkok Post, Ủy ban phòng chống Covid-19 Thái Lan đã phê duyệt kế hoạch từng bước khôi phục nền kinh tế sau thời gian bị kìm nén bởi những hạn chế khắt khe và hệ thống y tế quá tải do Covid-19.
Một trong những nới lỏng đầu tiên là việc cho phép các hoạt động đông người được tập trung tối đa 25 người, thay vì 5 người như hiện tại. Đặc biệt, Thái Lan cho phép nối lại các chuyến bay nội địa, mở cửa trở lại các trung tâm mua sắm, nhà hàng, công viên, tiệm cắt tóc. Đây là những giải pháp nằm trong chiến lược “Sống chung với Covid-19” của Chính phủ Thái Lan.
Hôm nay, 1-9, các quán ăn, cửa hàng làm đẹp, cắt tóc tại Thái Lan bắt đầu hoạt động trở lại, giao thông giữa các vùng kết nối bình thường, không phân biệt vùng xanh, vùng đỏ. Sáng nay, xe cộ đổ ra đường đông nghẹt ở Bangkok và thành phố lại bị kẹt xe lại từ sáng.
Một trong những hoạt động sôi nổi nhất của người dân là đặt bàn ăn. Tại 29 tỉnh có nguy cơ cao, khách chỉ được ngồi 50% số ghế ở các quán gắn máy lạnh, quán không gắn máy lạnh thì được sử dụng 75% số ghế… nên ai cũng muốn đặt bàn để có thể đến ăn mà không phải đợi.
“Hầu hết người dân đều cảm thấy phấn chấn lên hơn tuần qua khi chính quyền thông báo chính sách sống chung với dịch an toàn, nới lỏng hạn chế“, trang Bangkok Post trích lời một người dân trên phố.
Trang Bangkok Post trích lời ông Opas Karnkawinpong, tổng giám đốc Trung Tâm Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan cho biết, quyết định trên về bản chất là sự thừa nhận Covid-19 là bệnh đặc hữu. Bệnh đặc hữu do virus gây ra quen thuộc nhất với chúng ta là bệnh cúm. Hàng năm, có rất nhiều người bị cúm. Virus cúm liên tục biến đổi và luôn tồn tại trong cộng đồng.
Đa số người mắc bệnh cúm tự khỏi mà không cần nhập viện, không cần dùng thuốc hoặc chỉ điều trị bằng thuốc trị triệu chứng thông thường. Chỉ một số ít không thể chống chọi được.
Theo Bangkok Post, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng đồng ý với các chuyên gia, xác định “học cách sống chung an toàn với Covid-19” là tất yếu vì bản chất tiến hóa liên tục của virus khiến nó có thể không bao giờ biến mất trong cộng đồng.
Với chiến lược mới, mục tiêu chính trong tương lai sẽ là không để số ca bệnh cao vượt quá khả năng điều trị của hệ thống y tế công cộng ở Thái Lan.
Các biện pháp chính là tiêm vaccine đầy đủ cho các nhóm dễ tổn thương, truy tìm ca bệnh nhanh hơn với giả định tất cả mọi người đều có thể nhiễm bệnh và lây truyền virus. CCSA đưa các các chính sách cân bằng giữa các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và tiếp tục cuộc sống bình thường cùng các hoạt động kinh tế, sinh kế khác, theo Bangkok Post.
Trước đó, từ đầu tháng 8, việc thắt chặt các quy định để phòng chống dịch, bao gồm đóng cửa các nhà hàng, các cơ sở kinh doanh không thiết yếu và hạn chế đi lại giữa các tỉnh đã khiến hàng triệu người tại Thái Lan mất việc.
Trong tháng 8, cơ quan lập kế hoạch kinh tế của Thái Lan đã dự báo tăng trưởng GDP của quốc gia này trong năm 2021 giảm còn 0,7% – 1,2%, thay cho dự báo tăng trưởng 1,5% -2,5% từ hồi tháng 5.
Burin Adulwattana, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Bangkok Pcl cho biết: “Việc mở cửa thận trọng này diễn ra sớm hơn dự kiến. Nếu thực hiện thành công, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng và thúc đẩy tăng trưởng GDP năm nay“.
Mặc dù một số chuyên gia y tế cảnh báo các giải pháp quá sớm có thể dẫn đến việc xuất hiện nhiều hơn số ca nhiễm. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan cho biết việc tăng cường tiêm chủng cho các nhóm dễ bị tổn thương và mở rộng tìm kiếm ca bệnh sẽ góp phần giảm các ca nhập viện, tử vong và giảm sự lây lan của virus.
Bảo Trâm (Theo Bangkok Post)