“Thái Lan luôn dành cho Việt Nam một vị trí đặc biệt…”
Đó là nhận định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit khi được hỏi về quan hệ thương mại Việt Nam – Thái Lan khi hai nước vừa kỷ niệm 46 năm Thiết lập quan hệ ngoại giao. Trang Pattaya Mail của Thái Lan đã có bài viết phân tích sâu về nhận định này.
Theo Pattaya Mail, Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia có quan hệ ngoại giao thân thiết, cùng là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các tổ chức tiểu vùng khác trong khu vực.
46 năm trước, vào ngày 6/8/1976, Việt Nam và Thái Lan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, tạo cơ sở và tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.Vào tháng 6/2013, Việt Nam và Thái Lan chính thức nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược”, trở thành hai quốc gia đầu tiên trong khối ASEAN thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Tính đến nay, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, hai nước luôn tăng cường hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ và ủng hộ lẫn nhau. Về kinh tế thương mại, một số cơ chế hợp tác lớn mà hai bên cùng tham gia phải kể đến Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) hay Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM)…
Hiện nay trong ASEAN, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thái Lan. Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt gần 19 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020. Đây là mức kim ngạch cao nhất từ trước tới nay. Tính riêng bảy tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 8,57 tỉ USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 2,95 tỉ USD, tăng 15,6%; nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan đạt 5,26 tỉ USD, tăng 3,5%.
Điều đặc biệt là mặc dù là một cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới nhưng Thái Lan cũng có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu các loại trái cây, rau củ tươi. Hiện các sản phẩm như thủy sản, rau, quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu…của Việt Nam đang được người tiêu dùng Thái Lan rất ưa chuộng. Nhiều mặt hàng nông sản trái cây tươi đến nay Thái Lan vẫn đang phụ thuộc vào nhập khẩu từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh mà Thái Lan không cạnh tranh được, đơn cử như vải và thanh long. Nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã nhập hai trái cây này từ Việt Nam về bán trong các hệ thống siêu thị lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp Thái Lan còn nhập nông sản nguyên liệu và đưa về Thái Lan để chế biến. Năm 2021, Thái Lan đã nhập khẩu lượng rau, quả tươi của Việt Nam có giá trị lên đến hơn 2,6 tỷ USD.
Về đầu tư, trong những năm gần đây, không chỉ các tập đoàn lớn mà ngay cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan đã tăng cường mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, cùng với việc hình thành các cộng đồng kinh tế có hiệu quả, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư Thái Lan.
Trong những năm vừa qua, khi Việt Nam đang vươn lên trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thì Thái Lan ngày càng trở nên mạnh mẽ trong triển khai các hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là đầu tư vào các nước lân cận Khu vực tiểu vùng với chiến lược “Mekong hóa”. Thời gian gần đây, Việt Nam đã trở thành địa chỉ yêu thích và là nước chiếm phần lớn giá trị nguồn vốn đầu tư của Thái Lan ra nước ngoài.
Hoàn cảnh hiện tại cho thấy, Thái Lan và Việt Nam là hai nước có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong chất keo kết dính các mối liên kết này. Thái Lan với chiến lược “Mekong hóa” sẽ thu nhiều lợi ích từ xuất khẩu hàng hoá và dịch và đầu tư FDI vào các nước còn lại. Trong đó, già nửa lợi ích Thái Lan thu được từ hợp tác tiểu vùng sông Mê Công đến từ Việt Nam.
Việt Nam lại là nước được hưởng lợi từ việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài thông qua sự chuyển dịch FDI từ Thái Lan sang Việt Nam bao gồm cả nguồn FDI của các tập đoàn của Thái Lan. Điều đáng lưu ý là sự dịch chuyển này hoàn toàn không chứa đựng yếu tố cạnh tranh trực tiếp, mà trái lại, còn phù hợp với nhu cầu tái cấu trúc chuỗi giá trị gia tăng trong khu vực và toàn cầu.
Trả lời phỏng vấn của Pattaya Mail, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam và sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch. Ông Jurin Laksanawisit khẳng định, phía Thái Lan luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu trong ASEAN và “luôn dành cho Việt Nam một vị trí đặc biệt…”.
Trải qua quãng thời gian dài, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau kết hợp cùng với nhu cầu hợp tác cùng phát triển của hai quốc gia sẽ tạo đà cho quan hệ Việt Nam – Thái Lan. Sau 46 năm, mối quan hệ giữa hai nước vẫn còn nhiều dư địa, nhiều động lực mới để phát triển toàn diện và vững chắc hơn nữa. Hy vọng rằng, mối quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng đạt được nhiều cột mốc quan trọng, trở thành trụ cột và biểu tượng của sự thịnh vượng trong toàn khu vực.
Lan Hoa (Theo Pattaya Mail)