Thái Lan lại đứng trước nguy cơ khủng hoảng chính trị
Ngày 25-7, Quốc hội Thái Lan quyết định hoãn cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng mới, kéo dài tình trạng bế tắc chính trị tại Thái Lan. Theo kế hoạch ban đầu, Thái Lan sẽ tổ chức bỏ phiếu tại Quốc hội vào ngày 27-7, dự kiến bầu thủ tướng mới sau khi hai nỗ lực trước đó không mang lại kết quả.
Phát biểu trước phóng viên ngày 25-7, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha cho biết cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng mới sẽ phải hoãn lại để đợi phán quyết của Tòa án Hiến pháp.
Có nơi nào trên thế giới mà một đảng về đầu trong cuộc bầu cử lập pháp, chiếm được nhiều ghế nhất ở Quốc Hội, nhưng lại không được quyền lập chính phủ liên minh và có nguy cơ phải đứng trong hàng ngũ đối lập: Đó là trường hợp đang diễn ra tại Thái Lan. Hai tháng sau bầu cử Quốc Hội, Thái Lan vẫn chưa có thủ tướng mới. Cho đến tận chiều ngày 20/07/2023, danh sách các ứng viên thay thế tướng Prayut Chan O Cha vẫn là một ẩn số.
Ứng viên duy nhất cho tới nay, Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng cấp tiến Move Forward –Tiến Bước, vừa bị truất quyền ra tranh chức thủ tướng, bị tạm đình chỉ tư cách nghị viên, bị điều tra trong nhiều vụ xung đột lợi ích. Lập tức cả ngàn người ủng hộ chính khách trẻ tuổi này đã xuống đường, tập hợp trước tượng đài Dân Chủ ở thủ đô Bangkok, để phản đối những đòn mà họ cho là nhằm triệt hạ một cách vô hạn định một chính đảng đáng gờm, một mối đe dọa đối với thế lực của giới tướng lĩnh đang cầm quyền, vì những chính sách vô cùng cấp tiến.
Trang AFP trích dẫn nhận định của nhà chính trị học Eugénie Merieau, giảng dạy tại đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne, nêu bật những bất cập về thể thức chỉ định lãnh đạo chính phủ tại Thái Lan: Với 152 trên tổng số 500 ghế tại Quốc Hội, đảng Move Forward có số ghế cao nhất, nhưng bản thân ông Pita cũng như đảng cấp tiến này lại không hội đủ số phiếu cần thiết tại Quốc Hội Lưỡng Viện để thành lập một chính phủ liên minh. Pita Limjaroenrat không thể vượt qua được rào cản ở Thượng Viện, nơi mà đa số được chỉ định bởi quân đội sau cuộc đảo chính năm 2014. Về phía hoàng gia, tới nay nhà vua vẫn chưa lên tiếng, nhưng lập trường “ngầm” là phe quốc vương Thái Lan là đứng về phe quân đội. Trong hoàn cảnh đó, làm thế nào ông Pita và Move Forward, với chủ trương cải tổ quân đội và cải tổ chế độ quân chủ Thái Lan, có thể chiếm được số phiếu của bên Thượng Viện.
Điểm thứ nhì chuyên gia Pháp này ghi nhận là sự lệch pha giữa nguyện vọng của đa số cử tri Thái Lan với hoàng gia. Đảng Move Forward đã về đầu trong cuộc bỏ phiếu hôm 14/05 nhờ chủ trương đòi cải tổ quân đội, vốn vẫn lạm dụng tội “khi quân 112” để bịt miệng mọi tiếng nói đối lập. Bản thân Pita Limjaroenrat cũng như đảng của ông không đòi dẹp bỏ chế độ quân chủ Thái Lan, nhưng muốn đem lại một làn gió mới và thu hẹp khả năng can thiệp của hoàng gia vào một số hoạt động kinh tế, cũng như minh bạch hơn. Đảng này chỉ đòi cải tổ để mô hình chính trị đó phù hợp hơn với tình hình đất nước hiện tại.
Nhà vua Vajiralongkorn-Rama X hiện nay không được dân Thái kính nể như vua cha, bởi ông bị coi là kém đức độ. Giờ đây, khi mà cử tri dồn phiếu cho hai đảng Move Forward và Pheu Thai để giành lại chính quyền trong tay bên quân đội, hoàng gia Thái lại ngầm ủng hộ các tướng lĩnh cầm quyền. Đó rất có thể là giọt nước làm tràn ly. Chuyên gia về Đông Nam Á của Viện Quan hệ Quốc Tế Pháp, bà Sophie Boisseau du Rocher, nói đến một tình huống nóng bỏng, vì có nguy cơ là thành phần cử tri ủng hộ Pita sẽ không khoanh tay để những lá phiếu của họ bị tịch thu.
Cuối cùng, như nhà chính trị học Eugénie Merieau đã báo trước, liên minh giữa đảng Move Forward của Pita với đảng Pheu Thai trong tay gia đình nhà tỷ phú Thaksin có nguy cơ tan rã. Với 141 ghế ở Quốc Hội, đảng này đã về nhì trong cuộc bầu cử hôm 14/05/2023. Pheu Thái đã lập tức tuyên bố liên kết với phe của ông Pita với mục đích trở lại cầm quyền. Nhưng một khi đã tắt ngấm hy vọng Move Forward thành lập nội các, đảng Pheu Thai đã trở cờ và không loại trừ khả năng đi tìm những đồng minh khác.
Từ sau cuộc bầu cử, Pita Limjaroenrat đã thành lập một liên minh chính trị bao gồm 8 đảng, trong đó có Pheu Thai, đảng về nhì. Từ nay đến cuộc biểu quyết lần hai vào tuần tới tại Quốc Hội Lưỡng Viện, trên nguyên tắc là vào ngày 27/07, liên minh này phải tìm ra đồng thuận về một ứng cử viên thủ tướng.
Nhưng theo một nhà quan sát được AFP trích dẫn, nội việc đảng cấp tiến của ông Pita vẫn đứng trong liên minh đó cũng đủ để Thượng Viện lại dùng quyền phủ quyết.
Điều này khiến liên minh giữa 8 đảng ở Quốc Hội có nguy cơ tan rã, đồng thời đảng Pheu Thai sẽ liên kết với các đối tác có lập trường thân thiện hơn với bên quân đội. Do vậy có thể là Move Forward sẽ phải từ bỏ liên minh tám đảng nói trên. Trong mọi trường hợp, đảng này lâm vào thế cô lập hơn bao giờ hết, như một nhà phân tích Thái Lan đang sống lưu vong Pavin Chachavalpongpun ghi nhận. Chuyên gia này thậm chí cho rằng Pita Limjaroenrat cũng như đảng của ông, dù đã dẫn đầu cuộc bỏ phiếu hồi tháng 5/2023 , đang bị Pheu Thai của gia đình Thaksin hy sinh để đổi lấy quyền trở lại lãnh đạo Thái Lan và qua đó có thể làm đàm phán để xóa tội cho cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, từng bị xử vắng mặt vì tội tham nhũng.
Chính những mối liên kết vì lợi ích riêng của các đảng đang hủy hoại hình ảnh của một nước Thái Lan dân chủ. Trong lúc các đảng tranh giành quyền lực, người dân và doanh nhân nước này lo ngại bất ổn chính trị làm tổn hại đến nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Mọi người còn nhớ năm 2020, tiền thân của Move Forward là đảng Future Forward đã bị phe quân sự Thái Lan giải thể. Quyết định đó đã dẫn đến các cuộc xuống đường, làm tê liệt thủ đô Bangkok, để đòi dân chủ và minh bạch trong đời sống xã hội và chính trị cho Thái Lan. Lần này, quân đội và hoàng gia Thái Lan khó có thể tiếp tục làm ngơ khi mà đảng cấp tiến của Pita Limjaroenrat đã trở thành chính đảng mạnh nhất và xã hội Thái Lan đang thay đổi việc nhìn nhận về hoàng gia rất nhiều.
Bích Vân