Thái Lan đột ngột “quay lưng”, gây sốc với TQ
Tham vọng vươn ra biển lớn của Trung Quốc sẽ tạm thời bị kẹt lại ở eo biển Malacca, khi Thái Lan công khai ý định tìm kiếm giải pháp mới thay vì xây kênh đào nối liền Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Trong bài xã luận đăng tải trên tờ tfipost, tác giả Akshay Narang nhắc đến 2 quyết định gây bất lợi cho Trung Quốc gần đây của chính phủ Thái Lan.
Thứ nhất, trước sức ép từ dư luận trong nước, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã thông báo ngừng mua thêm 2 tàu ngầm Trung Quốc trị giá 724 triệu USD.
Theo thỏa thuận năm 2015, Thái Lan là một trong những nước đầu tiên mua tàu ngầm của Trung Quốc và dự định mua 3 chiếc. Tàu ngầm duy nhất Thái Lan mua của Trung Quốc dự kiến sẽ được bàn giao vào năm 2024.
Yutthapong Jarassathian, Phó chủ tịch tiểu ban của đảng Pheu Thai, đảng đối lập Thái Lan nói: “Thủ tướng phải lựa chọn giữa tàu ngầm và sự sống còn về kinh tế đối với người dân”.
Thứ hai, chính phủ Thái Lan đang nghiêm túc cân nhắc dự án xây đường bộ nối Biển Đông và Ấn Độ Dương, mở ra hướng vận chuyển hàng hóa mới thay vì các tàu chở hàng phải đi qua eo biển Malacca.
Mỗi năm, khoảng 1/4 lượng hàng hóa thương mại toàn cầu đi qua eo biển Malacca. “Eo biển này đã trở nên khá tắc nghẽn. Sử dụng một tuyến đường thay thế đi xuyên Thái Lan có thể giảm thời gian di chuyển xuống hơn 2 ngày”, Bộ trưởng Giao thông vận tải Thái Lan Saksiam Chidchob nói hồi cuối tháng 8.
Theo ông Saksiam, Thái Lan dự tính xây hai cảng biển nước sâu ở cả hai phía của khu vực bờ biển phía Nam nước này. Hai cảng biển trên sẽ được nối bằng các tuyến cao tốc và đường sắt.
Tuyến đường dài 100km trên mặt đất sẽ thay thế dự án xây kênh đào Kra gây tranh cãi. Với kênh đào Kra, các tàu thuyền có thể di chuyển trực tiếp qua Thái Lan ra Ấn Độ Dương, rút ngắn hành trình 1.200km. Dự án từng được lên kế hoạch rồi lại bị hủy bỏ nhiều lần trong hàng thập kỷ qua.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn luôn thúc giục Thái Lan theo đuổi dự án xây kênh đào Kra. Kênh đào là tham vọng dài hạn của Trung Quốc để tàu thuyền tránh phải đi qua eo biển Malacca. Đây là eo biển hẹp nằm giữa bán đảo Malay và quần đảo Sumatra, ngăn cách Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Eo biển Malacca từ lâu đã là nút thắt trong tham vọng toàn cầu của Trung Quốc. Các tàu chở hàng đáp ứng 80% nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc phải đi qua eo biển này. Đây cũng là tuyến đường huyết mạch để Trung Quốc giao thương với châu Âu và Trung Đông.
Nhờ lợi thế địa lý, Ấn Độ có thể dễ dàng đưa tàu chiến chốt chặn ở phần phía tây của eo biển, nếu xung đột Trung – Ấn nổ ra.
Đề xuất mới là dấu hiệu cho thấy Thái Lan không còn muốn xây kênh đào Kra nữa. Dự án trị giá khoảng 30 tỉ USD không đem lại lợi ích kinh tế đủ lớn, trong khi khiến Thái Lan đối mặt với những bất ổn mới.
Kênh đào Kra không tạo ra bước ngoặt lớn về địa lý do kênh dào Suez hay kênh đào Panama, để khiến các quốc gia sở hữu kênh đào trở nên giàu có.
Kênh đào Suez và Panama đều là những tuyến đường tắt đi xuyên châu lục, giảm đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa và chi phí liên quan.
Đối với kênh Kra, tàu thuyền di chuyển qua Thái Lan không tiết kiệm được đáng kể nhiên liệu, chỉ rút ngắn về thời gian. Lợi ích hạn chế của việc xây kênh đào không tương xứng với chi phí xây dựng lên tới 30 tỉ USD.
Theo các chuyên gia, dự án kênh đào Kra do Trung Quốc hậu thuẫn thực chất mang ý nghĩa địa chính trị nhiều hơn. Dự án là mảnh ghép quan trọng trong Sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc.
Nhưng đối với Thái Lan, dự án không hề có lợi. Dự án sẽ chia cắt khu vực miền nam Thái Lan, càng khích động các phần tử vũ trang ly khai.
Một khi xung đột vũ trang nổ ra, Trung Quốc có thể giữ lập trường trung lập, chỉ nghiêng về bên nào nắm quyền kiểm soát kênh đào.
Do đó, không hề ngạc nhiên khi Thái Lan muốn hủy dự án kênh đào Kra, thay bằng hai cảng biển ở hai bờ và đường cao tốc nối liền hai cảng biển này.
Có thể nói, chỉ trong vài ngày, Thái Lan đã hai lần gửi thông điệp gây sốc với Trung Quốc. Bắc Kinh giờ đây sẽ lại phải loay hoay tìm kiếm giải pháp cho vấn đề “nút thắt Malacca”, theo tác giả Akshay Narang.
Minh Nhật/DV