Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp, cấm tụ tập đông người ở Bangkok vì biểu tình
Phát ngôn viên chính phủ Thái Lan cho hay Bangkok đã cấm tụ tập từ 5 người trở lên để ngăn các cuộc biểu tình chống chính phủ.
“Đã có các lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên và cấm phát tán tin tức qua các phương tiện điện tử có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”, phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan hôm nay cho hay, ít giờ sau khi một cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra ở thủ đô Bangkok.
Sắc lệnh khẩn có hiệu lực vào 4h sáng, cho phép chính quyền phong tỏa bất kỳ khu vực nào được chỉ định.
Ngay sau sắc lệnh, cảnh sát chống bạo động Thái Lan đã giải tán hàng nghìn người biểu tình bên ngoài văn phòng thủ tướng nước này. Một số người biểu tình cố gắng kháng cự bằng cách dựng hàng rào tự chế từ thùng rác, nhưng họ nhanh chóng bị trấn áp. Đến rạng sáng, hàng trăm cảnh sát đã kiểm soát các con phố ở Bangkok và các công nhân bắt đầu dọn dẹp.
Chính phủ Thái Lan cho hay hành động nhằm đối mặt với tình trạng hỗn loạn ngày càng gia tăng do biểu tình ở nước này, đặc biệt là sau hành động cản trở đoàn xe của Vua Vajiralongkorn hôm 14/10.
“Việc đưa ra một biện pháp khẩn cấp nhằm chấm dứt tình trạng này một cách hiệu quả, đồng thời duy trì hoà bình và trật tự là vô cùng cần thiết”, truyền hình nhà nước Thái Lan bình luận khi thông báo về sắc lệnh mới.
Phong trào biểu tình dâng cao ở Thái Lan từ giữa tháng 7 nhằm yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, cải cách chế độ quân chủ do Vua Maha Vajiralongkorn đứng đầu, xây dựng hiến pháp mới và tổ chức bầu cử. Cung điện Hoàng gia đến nay chưa đưa ra bình luận nào về cuộc biểu tình hay yêu cầu cải cách.
Vua Maha Vajiralongkorn, 68 tuổi, người dành phần lớn thời gian sống ở Đức, đang có chuyến trở về Thái Lan hiếm hoi nhân kỷ niệm 4 năm ngày mất của cha ông, Quốc vương Bhumibol Adulyadej, người được nhân dân tôn kính.
Khi đoàn xe chở nhà vua Thái Lan đi qua phía bên kia đường ngày 14/10, những người biểu tình giơ cao 3 ngón tay biểu tượng cho phong trào chống chính phủ và yêu cầu thả những người bị bắt.
Cảnh sát Thái Lan hôm 13/10 bắt 21 người trong một cuộc biểu tình ở Bangkok, khiến hàng trăm người khác đụng độ với cảnh sát và ném sơn xanh vào họ. Trong số những người bị bắt có lãnh đạo phong trào biểu tình Jatupat Boonpattararaksa và ca sĩ Chaiamorn Kaewwiboonpan. Cảnh sát cho biết những người bị bắt sẽ bị buộc tội thích đáng.
Trong ngày 14/10, người biểu tình tập trung và tuần hành quanh khu vực hoàng cung tại Bangkok. Xô xát đã xảy ra giữa những người kêu gọi cải cách dân chủ và những người bảo hoàng (áo vàng). Những người áo vàng tuyên bố ủng hộ hoàng gia và chính phủ đương nhiệm, kêu gọi lãnh đạo của nhóm chống đối chính phủ hãy rời khỏi Thái Lan và khẳng định những hành động như vậy chỉ làm tổn hại sự đoàn kết của đất nước.
Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp
Ngoài việc hạn chế tụ tập, sắc lệnh cũng cấm phương tiện truyền thông xuất bản tin tức có chứa thông điệp gây sợ hãi hoặc cố ý bóp méo thông tin, tạo hiểu nhầm gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, hòa bình và trật tự.
Trong một thông báo trên truyền hình, cảnh sát Thái Lan khẳng định sắc lệnh khẩn cấp là cần thiết để duy trì hòa bình và trật tự khi nhiều nhóm người kích động, thực hiện các cuộc tụ tập công khai trái pháp luật ở Bangkok.
Sắc lệnh khẩn cấp được ban bố trong bối cảnh các cuộc biểu tình lớn liên tiếp nổ ra tại Thái Lan thời gian qua. Hàng nghìn người biểu tình, chủ yếu là sinh viên tập trung ở Tòa nhà Chính phủ, văn phòng Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha với lời kêu gọi vị thủ tướng đương nhiệm từ chức và sửa đổi hiến pháp.
Vua Vajiralongkorn những tháng gần đây dành phần lớn thời gian sống trong khách sạn Grand Hotel Sonnenbichl trên dãy Alps, bang Bavaria, Đức cùng “hậu cung” thời hiện đại lên tới 20 thê thiếp. Berlin đã cảnh báo ông không nên cai trị đất nước từ Đức, trong khi biểu tình chống chế độ quân chủ đang diễn ra ở Thái Lan, khiến nhiều người cho rằng nhà vua đang dần đánh mất sự ủng hộ cả ở trong lẫn ngoài nước.
Người Thái từ lâu đã bị cấm phát ngôn tiêu cực về hoàng gia và có thể đối diện 15 năm tù vì tội khi quân. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người biểu tình ủng hộ dân chủ bất chấp luật này. Từ khóa #whydoweneedaking (Tại sao chúng ta cần một vị vua) đang lan truyền trên Twitter và người biểu tình công khai kêu gọi cải cách chế độ quân chủ.
Thành Nhân/AFP, Reuters, Royal Gazette