Thái độ với khẩu trang
Tất cả chúng ta cần hành xử “không chủ quan nhưng không bi quan, hoang mang”, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Hôm qua tôi được “mừng tuổi” một hộp khẩu trang y tế. Buổi sáng hôm kia, khi bước vào thang máy không đeo khẩu trang, tôi bị những ánh mắt trên những khuân mặt bịt kín khẩu trang nhìn đầy nghi kỵ như là một kẻ mắc dịch. Còn tối hôm trước nữa, khi dân cư họp về các biện pháp phòng dịch, tôi bị quát vào mặt khi không đeo khẩu trang. Hầu hết các tòa nhà chung cư, các công sở, văn phòng ở Thủ đô, những nơi tôi đến hay tìm hiểu, đều có quy định phải đeo khẩu trang và các loại dung dịch rửa tay.
Rõ ràng, tinh thần “chống dịch như chống giặc”, từ chính sách của Chính phủ đến hành động của người dân, đã thực sự lan tỏa đến rất nhiều nơi ở đất nước này.
Tôi là người đã đeo khẩu trang liên tục trong suốt 20 năm nay cứ khi nào ngồi lên xe máy ra đường. Song phải nói thật, việc đeo khẩu trang ở gần như mọi người, mọi lúc, mọi nơi trong những ngày này, dù rất đáng mừng ở góc độ tự bảo vệ mình, bảo vệ những người xung quanh trước bệnh dịch, có gì đó quá đi chăng?
Tôi luôn tin vào những khuyến cáo dựa trên cơ sở khoa học của các nhà chuyên môn. Hôm qua, chủ trì buổi họp báo thông tin về diễn biến dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trích dẫn khuyến cáo chính thức của WHO: “Không cần đeo khẩu trang y tế vì chưa có bằng chứng khoa học cho thấy có lợi ích bảo vệ với người không bị bệnh”. TS. BS. Phạm Hùng Vân, giảng viên môn vi sinh, Khoa Y, Trường Đại học Y Dược TP.HCM khuyến cáo: “Đừng lầm tưởng đeo khẩu trang là phòng được virus corona”. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khuyên người dân nên nghe theo lời khuyên của bác sĩ về cách bảo vệ bản thân, trong đó không cần mang khẩu trang nếu họ thấy khỏe. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị đeo khẩu trang không phải là biện pháp để ngăn ngừa lây nhiễm với những du khách khỏe mạnh… Còn rất nhiều những nhà chuyên môn khác, các tổ chức uy tín khác đã khuyến cáo tương tự.
Tất nhiên, tôi hoàn toàn không phản đối đeo khẩu trang, nhưng cách chúng ta dùng nó với tâm thế hiện nay có gì đó quá đi. Tôi biết một số người mua đến 20-30 hộp khẩu trang một lúc để tích trữ ở nhà. Vì sao họ lại phải mua nhiều như thế? Tâm lý này làm xuất hiện tình trạng khan hiếm khẩu trang ở Việt Nam chúng ta.
Theo thông báo của Bộ Công Thương, hiện có 38 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang 3 lớp tại Việt Nam với năng lực trên 1,24 triệu chiếc/ngày, “có thể” đáp ứng nhu cầu trong nước. Bộ Công thương dùng từ “có thể” với hàm ý là nguồn cung là khá khiêm tốn. Nếu người dân ở quốc gia gần 100 triệu dân như chúng ta mà đổ xô đi mua khẩu trang thì rõ ràng là “vỡ trận” mà chưa hẳn đã bảo vệ được mình.
Gần đây, báo chí và dư luận bắt đầu gọi những người chủ cửa hàng thuốc là “con buôn”, “gian thương” khi quy cho họ đã tăng giá bán khẩu trang. Đã có những biện pháp hành chính ‘xử lý nghiêm’ các chủ tiệm thuốc tăng giá bán khẩu trang; cũng có nhiều phân tích liên quan đến đạo đức của họ và công lý cho người tiêu dùng khẩu trang. Tôi không phủ nhận những phân tích đó, nhưng cho rằng cần nhìn ở góc độ thị trường. Cầu vượt quá cung thì giá đương nhiên tăng; cung vượt quá cầu thì giá đương nhiên giảm. Đó là quy luật tất yếu khách quan mà không một giá trị luân lý, đạo đức nào có thể biện giải được. Ví dụ, trước đây, chủ nhà thuốc mua 20 ngàn đồng/hộp về bán với giá 30 ngàn/hộp; nay họ nhập với giá 40 ngàn đồng/hộp thì làm sao “bắt” họ bán với giá cũ bằng mệnh lệnh hành chính được. Không phải bất kỳ chủ nhà thuốc nào cũng là “con buôn găm hàng”, “ăn trên nỗi đau đồng loại”.
Xin chia sẻ góc nhìn của Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh của trường Đại học Fulbright. Ông khẳng định: “Từ phương diện quản lý kinh tế, tôi không ủng hộ việc xử phạt hành vi găm khẩu trang ở thời điểm này. Chính xác hơn, việc xử phạt này chỉ nên là hành động bất đắc dĩ cuối cùng, khi các lựa chọn khác của chính quyền đã cạn kiệt mà vẫn không đủ để khắc phục thất bại của thị trường và/hoặc khi tình trạng dịch bệnh trở nên cấp bách đến mức khẩu trang trở thành “hàng hóa thiết yếu”, và do vậy buộc phải dùng đến biện pháp bất thường”. Từ phía nhà thuốc, hành vi găm khẩu trang xuất phát từ động cơ lợi nhuận nhờ sự khan hiếm tạm thời về khẩu trang y tế. Nhìn từ góc độ kinh tế, điều này không có gì sai”. Tất nhiên, ông cũng nhìn từ góc độ con người, rằng, việc găm hàng để trục lợi từ sự lo lắng và sợ hãi của đồng loại là “thiếu nhân bản”, “thiếu lương tâm”.
Tôi đồng tình với nhiều ý của Tiến sỹ Tự Anh.
Nhân tiện, xin trích dẫn định nghĩa về dịch trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm: “Dịch là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định”. Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam đã phát hiện 10 ca nhiễm, trong đó có 3 ca khỏi bệnh ra viện. “Khi sơ kết 10 ca nhiễm nCoV tại Việt Nam, đa phần bệnh nhân chỉ điều trị triệu chứng, duy chỉ có 1 ca người Trung Quốc có tiền sử bệnh phổi nhưng cũng chỉ thở oxy, không cần thở máy. Các ca bệnh được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, tiệm cận với các phác đồ của thế giới và không có gì cao siêu”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Theo định nghĩa về dịch và thông tin về số ca nhiễm như trên, liệu có địa phương nào đã đối mặt với một đợt dịch hay chưa? Liệu gần như tất cả các địa phương đều cho các trường nghỉ học thêm môt tuần nữa có quá đi? Đó là chưa kể còn nhiều chính sách kinh tế khác nữa.
Khả năng lây lan của virut corona trong vụ dịch này là nhanh. Tất cả chúng ta cần hành xử “không chủ quan nhưng không bi quan, hoang mang”, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Hi vọng mọi người, nhất là người tiêu dùng, bình tĩnh và có trách nhiệm ở góc độ cá nhân mình trong việc dùng khẩu hay không. Có thể bệnh dịch sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi thuyên giảm. Hi vọng mỗi người chúng ta cùng nhau bình tĩnh vượt qua đợt này.
Tư Giang/VNN