Thái độ “dị thường” của giới chức Ukraine giữa khủng hoảng
Trong khi Mỹ liên tục cảnh báo cuộc tấn công từ Nga, động thái bình tĩnh của giới chức Ukraine khiến các nhà phân tích đặt ra nhiều câu hỏi về suy tính của chính quyền Kiev.
Việc Nga tăng cường quân sự ở sát biên giới Ukraine là điều dễ nhận thấy.
Hình ảnh vệ tinh những ngày gần đây cho thấy các bãi xe tăng phủ đầy tuyết ngày càng mở rộng dọc theo biên giới Ukraine, trong khi một loạt bài đăng trên TikTok ghi lại cảnh đoàn tàu Nga chở binh lính, bệ phóng tên lửa và chiến hạm chậm rãi di chuyển về phía Tây. Mỹ cảnh báo một cuộc tấn công có thể xảy ra và đặt các lực lượng NATO trong tình trạng “báo động cao động”.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Ukraine dường như vẫn xem nhẹ mối đe dọa từ Nga, theo New York Times.
Động thái này đã khiến các nhà phân tích phải “đoán già đoán non” về suy tính của Kiev. Một số người cho rằng đó là cách để chính quyền Kiev giữ ổn định thị trường, ngăn chặn sự hoảng loạn và tránh kích động Moscow.
Trong khi đó, số khác lại nhận định điều này thể hiện Ukraine chấp nhận một hiện thực không dễ dàng là xung đột với Nga đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Mối đe dọa đã có từ lâu
Giữa lúc Điện Kremlin và phương Tây ở tình trạng đối đầu, sẵn sàng cho chiến sự nổ ra bất cứ lúc nào, các quan chức Ukraine vẫn đang “tận hưởng” một bầu không khí yên bình.
Ngay trong tuần này, bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đã khẳng định lực lượng Nga hiện nay không có sự thay đổi đáng kể nào so với giai đoạn được huy động tăng cường vào mùa xuân năm ngoái.
Người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia Ukraine cáo buộc một số nước phương Tây và các hãng thông tấn đã phóng đại quá mức về mối nguy hiểm vì mục đích địa chính trị. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đầu tuần này cũng chỉ trích Mỹ và Anh vì đã yêu cầu thân nhân của các nhà ngoại giao rời khỏi đại sứ quán ở Kiev.
Các tuyên bố này được đưa ra sau bài phát biểu trước quốc gia của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tuần trước.
“Có gì mới không? Đây không phải là hiện thực trong suốt 8 năm qua sao?”, ông nhấn mạnh.
Vào tối 25/1, trước hành động rút bớt người của các đại sứ quán, ông Zelensky viết trong một bài đăng trên Facebook rằng điều này “không có nghĩa là không thể tránh khỏi căng thẳng leo thang”.
Cơ quan tình báo quân sự của Ukraine cho biết sát biên giới nước này đang có ít nhất 127.000 binh sĩ Nga. Con số này chưa bao gồm số lượng binh lính và thiết bị quân sự đang trên đường đến nước láng giềng Belarus – một đồng minh của Nga – trước thềm các cuộc tập trận vào tháng tới.
Mỹ nói rằng những cuộc tập trận này có thể được xem như cái cớ để Moscow bố trí lực lượng trong khoảng cách gần nhằm tấn công trực tiếp thủ đô Kiev của Ukraine.
Mặc dù vậy, trong cuộc phỏng vấn hôm 24/1 với đài truyền hình Ukraine ICTV, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đặt nghi vấn xoay quanh những ồn ào này.
“Hôm nay, ngay tại thời điểm này, không có một nhóm tấn công nào của lực lượng vũ trang Nga được thành lập. Điều này chứng minh rằng ngày mai họ sẽ không xâm lược”, ông Reznikov nói. “Đó là lý do tại sao tôi yêu cầu mọi người không lan truyền sự hoảng loạn”.
Phản ứng khác nhau
Các nhà phân tích cho biết có nhiều lý do khác nhau dẫn đến phản ứng và thông điệp không thống nhất giữa các quan chức Ukraine và những người đồng cấp Mỹ.
Ông Zelensky phải khéo léo đưa ra thông điệp để giữ cho phương Tây tiếp tục duy trì viện trợ, trong khi tránh chọc tức Nga và trấn an người dân Ukraine.
Ngoài ra, sau 8 năm chiến tranh với Nga, các chuyên gia cho rằng Ukraine chỉ đơn giản là có cách tính toán mối đe dọa quân sự khác với đồng minh phương Tây.
Năm 2014, các báo cáo cho rằng đơn vị biệt kích của Nga đã góp phần trong quá trình sáp nhập bán đảo Crimea và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã cố gắng truy quét hai tỉnh miền Đông Ukraine.
Trong bối cảnh đó, từ 8 năm trước, nhiều người lính Ukraine đã xuất hiện nơi chiến hào chiến tuyến, tham gia các vụ đấu súng và quen thuộc với màn mưa bom bão đạn. Hơn 13.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột.
“Chúng tôi hiểu các kế hoạch và ý định của Nga. Nhưng đối với chúng tôi, giờ đây khóc lóc vì sợ hãi là điều không cần thiết”, Oleksii Danilov, người đứng đầu hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine, cho biết.
Ông Danilov và những người khác trong chính phủ Ukraine cho rằng việc gieo rắc hoảng loạn, dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất kiểm soát trong xã hội Ukraine là một phần trong chiến lược của Nga.
“Nhiệm vụ của chúng tôi giờ đây là thực hiện công việc của mình trong một môi trường bình tĩnh và cân bằng”, ông Danilov nói.
Tuy nhiên, không phải tất cả người dân đều đồng ý với cách tiếp cận của chính phủ hiện tại. Cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo phe đối lập ở Ukraine đã thúc ép Tổng thống Zelensky gác lại các lời kêu gọi bình tĩnh và chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh.
Kể từ khi nhậm chức cách đây ba năm, ông Zelensky đã áp dụng chiến thuật mềm dẻo trong các cuộc đàm phán với Moscow. Nhưng bà Maria Zolkina, một nhà phân tích chính trị của Tổ chức Sáng kiến Dân chủ có trụ sở tại Kiev, cho rằng đối mặt với cuộc khủng hoảng mới này, cách tiếp cận như vậy có thể tỏ ra yếu thế.
Nhiều thành viên Quốc hội từ các đảng phái khác nhau, cũng như cựu tổng thống, thủ tướng và ngoại trưởng, đã ký một thông cáo chung kêu gọi ông Zelensky huy động lực lượng của Ukraine để đối phó với “mối đe dọa chết người, đang rình rập từ Nga”.
“Nếu Nga bắt đầu xâm lược, chúng ta phải quên đi chính trị và bảng xếp hạng tín nhiệm, bởi tôi không chắc chúng ta sẽ có cơ hội tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội hoặc tổng thống tiếp theo”,cựu Thủ tướng Arseniy P. Yatsenyuk nói.
Hàng nghìn người Ukraine đã đăng ký học kỹ năng chiến đấu trong các lớp học do chính phủ Ukraine và nhóm bán quân sự tư nhân tổ chức. Mục tiêu là đào tạo ra một lực lượng bảo vệ dân sự, có thể tiến hành cuộc nổi dậy nếu lực lượng chính của quân đội Ukraine bị tiêu diệt trong cuộc tấn công.
Minh Anh