Thái Bình xử lý 20 vụ liên quan vợ chồng Đường Nhuệ trong 1 thập kỉ qua
Qua rà soát từ năm 2010 đến nay, lực lượng công an đã xử lý 20 vụ, 12 đối tượng có mối quan hệ với Đường, Dương. Trong các vụ việc này, chủ yếu là do đàn em của Đường thực hiện.
Trong thông báo của Ban Chỉ đạo 1593, Tỉnh ủy Thái Bình về kết quả đấu tranh, xử lý ban đầu với ổ, nhóm tội phạm do Nguyễn Xuân Đường, (Đường nhuệ), Nguyễn Thị Dương cầm đầu, Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, cuối năm 2007, sau khi đi lao động tự do tại Liên bang Nga về địa phương, Đường thường xuyên có biểu hiện tụ tập một số đối tượng không có công ăn, việc làm, gây ra một số vụ cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng.
Năm 2008, Đường kết hôn với Nguyễn Thị Dương sinh năm 1980 quê quán ở xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Sau khi cưới, vợ chồng Dương Đường bắt đầu hoạt động môi giới, buôn bán bất động sản.
Qua rà soát từ năm 2010 đến nay, lực lượng Công an đã xử lý 20 vụ, 12 đối tượng có mối quan hệ với Đường, Dương. Trong các vụ việc này, chủ yếu là do đàn em của Đường thực hiện, Đường không trực tiếp ra mặt nên việc đấu tranh, xử lý đối với Đường gặp nhiều khó khăn.
Được biết sau khi vợ chồng Đường nhuệ bị cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi cố ý gây thương tích và chiếm đoạt tài sản, nhiều đối tượng được cho là đàn em của vợ chồng này cũng dính vòng lao lý.
Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình nhận định tại một số địa bàn, người dân đã phản ứng về các hoạt động có dấu hiệu khống chế, thao túng, thông đồng trong hoạt động đấu giá đất của nhóm Đường “Nhuệ”. Sau khi Đường “Nhuệ” bị bắt, cơ quan điều tra đã làm rõ các hành vi thao túng, thông đồng trong hoạt động đấu giá đất tại một lô đất thuộc phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình, báo PLO cho hay.
Công an đã khởi tố, bắt giam bốn cán bộ thuộc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản và Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thái Bình về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ban Nội chính Tỉnh ủy yêu cầu cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xử lý nghiêm người liên quan, nhất là cán bộ, không để xảy ra tình trạng sót người, lọt tội.
Theo Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình, từ tháng 12/2017, bằng nhiều thủ đoạn đe dọa, gây rối, khống chế, nhóm Đường “Nhuệ” đã buộc Công ty Thành Phát là đơn vị làm dịch vụ hỏa táng trên địa bàn tỉnh Thái Bình phải ngừng hoạt động. Đường “nhuệ” và Ninh Đức Lợi lập nên hiệp hội tang lễ để thao túng lĩnh vực hỏa táng.
Đường “Nhuệ” phân chia địa bàn cho các doanh nghiệp dịch vụ tang lễ, thu tiền “luật” dưới danh nghĩa hội phí và quỹ từ thiện. Bằng các hành vi đe dọa, cưỡng ép, Đường “Nhuệ” đã buộc các doanh nghiệp dịch vụ tang lễ chấp nhận “luật” của mình. Do sợ nhóm Đường “nhuệ”, các doanh nghiệp này không dám tố cáo.
Đối với hành vi chiếm giữ doanh nghiệp, đập phá, lấy tài sản của Công ty Lâm Quyết, Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình cho biết công an tỉnh này đã chỉ đạo xem xét lại hồ sơ sự việc để xử lý theo quy định của pháp luật.
Chi Chi/GĐVN