‘Thách thức xuất xứ’ từ EVFTA
Chỉ có tuân thủ quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt, quản lý tốt việc lợi dụng xuất xứ, hàng Việt Nam có cơ hội lớn tại thị trường EVFTA.
Đó là một trong các nội dung ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam trao đổi với báo giới bên lề Diễn đàn thương mại Việt Nam – EU năm 2019 với chủ đề Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU: Chân trời hợp tác rộng lớn, toàn diện. Diễn đàn do Bộ Công thương và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Phòng Thương mại châu Âu tổ chức tại TP.HCM hôm nay (30.7).
Xuất xứ làm khó dệt may nhận ưu đãi
Ông Giang nhấn mạnh, ngoài việc đáp ứng được mẫu mã các thị trường lớn đưa ra, vấn đề chủ động nguồn nguyên liệu để đáp ứng tiêu chí về quy tắc xuất xứ là rất quan trọng. Hiện khó khăn của doanh nghiệp dệt may phải đối mặt vẫn là yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Hàng dệt may Việt Nam vào EU phải sử dụng vải sản xuất tại Việt Nam, việc cắt may được thực hiện bởi doanh nghiệp Việt hoặc doanh nghiệp EU. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp dệt may trong việc nhận ưu đãi do trong nước chưa chủ động sản xuất sợi và vải. Nguồn nguyên liệu này lâu nay doanh nghiệp nhập khẩu từ các quốc gia không thuộc khối EU. Tuy nhiên, theo ông Giang, doanh nghiệp đang nỗ lực để xoay chuyển vấn đề này bằng gia tăng đầu tư, liên kết đầu tư mở rộng… Mục đích cuối cùng hưởng được mức thuế 0% của hiệp định thương mại đã được ký kết.
Dệt may, da giày, điện thoại di động, máy tính, nông sản là các mặt hàng theo Bộ Công thương là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Phát biểu tại điễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh việc tận dụng hết ưu đãi từ EVFTA đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác nhiều bên từ cấp cao nhất là Chính phủ, hiệp hội, doanh nghiệp và đặc biệt là tư vấn quý giá của các chuyên gia kinh tế, thương mại. Trong vòng 18 năm Việt Nam và EU thiết lập quan hệ ngoại giao, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, giá trị thương mại hai chiều đã tăng hơn 13 lần từ khoảng 4,1 tỉ USD vào năm 2000 lên 55,84 tỉ USD vào năm 2018. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt gần 41,9 tỉ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 13,9 tỉ USD.
“Đồng thời về đầu tư trực tiếp, đến hết 6 tháng năm nay, EU có 27 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 3.205 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 53,1 tỉ USD. Tôi cho rằng với kết quả này, rõ ràng EU là một trong những đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam”, ông Vượng nhấn mạnh.
Cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Bà Miriam Garcia Ferrer – Trưởng ban kinh tế và thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, thành viên đoàn đàm phán EU nhận xét, EVFTA là cơ hội hợp tác giữa hai bên nhiều hơn và bền vững hơn. Châu Âu hiện là thị trường thứ 2 về xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và đứng thứ 5 đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, các chuyên gia thương mại đến từ châu Âu nhấn mạnh, EVFTA tạo nhiều cơ hội cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là lợi thế của doanh nghiệp Việt nhưng cũng là thách thức. Doanh nghiệp Việt vừa và nhỏ muốn tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa hưởng lợi từ EVFTA phải chuẩn hóa quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất, lao động, xuất xứ, nguyên phụ liệu… Đặc biệt, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản thực phẩm phải nỗ lực nhiều nhất do sản phẩm của doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực sản xuất này chưa được người tiêu dùng EU biết đến, thậm chí chưa tạo được uy tín đáng kể.
Ngoài cơ hội từ thương mại, ông Jean Jacques Bouflet – Phó chủ tịch EuroCham Việt Nam cho rằng, các hiệp định thương mại Việt Nam mới ký kết với EU sẽ khơi mở dòng vốn từ EU và xu hướng tổ chức này nhìn thấy là các nhà đầu tư về năng lượng sạch, kinh doanh nông nghiệp sản xuất thực phẩm… Khảo sát của Phòng Thương mại Đức tại Việt Nam cho thấy, trên 55% doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam muốn mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và xu hướng chung của các doanh nghiệp EU là liên kết xây dựng chuỗi sản xuất với doanh nghiệp tại địa phương.
Trong phần trình bày của mình, bà Nguyễn Sơn Trà – Phó trưởng phòng WTO và đàm phán thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công thương nhận xét, doanh nghiệp Việt chưa thực sự chủ động trong việc tìm hiểu về EVFTA để tận dụng cơ hội tốt. Bà nói, doanh nghiệp trong nước cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu, nắm bắt các cam kết của Việt Nam với EU, nhằm hiểu rõ hơn lợi thế mình có thể tận dụng. Thay đổi tư duy làm ăn là điều cực kỳ quan trọng. Tư duy đó bao gồm cái nhìn về thị trường lớn, cải tiến sản phẩm, chất lượng mẫu mã… để có thể chào hàng và gây ấn tượng ngay từ đầu với khách hàng đến từ EU.
(Theo Thanh Niên)