Năm 2022, Việt Nam sẽ tiếp tục là nơi gửi gắm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài khi dòng vốn FDI đổ vào vượt mức mong đợi.
Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam 8 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cao nhất trong 8 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Kết quả này khẳng định, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn, cho dù đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhất là ở khu vực phía Nam.
Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài chính là thành quả đáng tự hào trong cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Xác định việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Do đó, hằng năm Chính phủ đã ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như : Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP …
Đặc biệt, trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động lớn, để tạo cơ sở pháp lý thu hút nhiều hơn nữa FDI, Chính phủ cũng đã có những nỗ lực tạo hành lang pháp lý thông thoáng. Như Luật Đầu tư năm 2020, đã kế thừa và khắc phục những hạn chế của Luật Đầu tư năm 2014 và có nhiều điểm mới tạo động lực cho thu hút FDI vào Việt Nam.
Với sự quyết tâm đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực. Hàng nghìn điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được bãi bỏ; Công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu đã được đổi mới cơ bản theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với nhiều loại hàng hoá; số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng nhanh… Đáng chú ý, những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đã hình thành làn sóng tái sản xuất trên diện rộng, khai thác tốt hơn nguồn vốn trong dân.
Cơ hội khi Việt Nam liên tiếp ký kết các FTA thế hệ mới: Các FTA thế hệ mới (đặc biệt là CPTPP) đã giúp Việt Nam tiếp cận với nền kinh tế của 60 nước, trong đó có 15/20 nước thuộc khối G20. Thông qua việc đàm phán và ký kết các FTA, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu chú ý, quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam.
Cơ hội khi luồng vốn FDI dịch chuyển do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung: Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp tục, nhiều công ty công nghệ của Hoa Kỳ, Nhật Bản rời Trung Quốc sang các nước khác đầu tư và Việt Nam được coi là một điểm đến.
Cơ hội khi luồng vốn FDI dịch chuyển do tác động của đại dịch Covid-19: Đại dịch Covid-19 là chất xúc tác thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch, sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng chính là cơ hội để các nước trên thế giới nhận thấy sự phụ thuộc lớn vào các chuỗi sản xuất, cung ứng từ Trung Quốc. Chính vì lý do này, các tập đoàn đa quốc gia muốn dịch chuyển đầu tư sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Cơ hội được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá có vị trí chiến lược trong đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu, là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn: Những bất ổn liên quan đến năng lượng ở Trung Quốc đã khiến nhiều nhà đầu tư tìm kiếm các giải pháp thay thế, và Việt Nam được cho là một lựa chọn sáng giá.
Thách thức hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực pháp lý, năng lực quản lý và quản trị, chất lượng nhân lực: Việt Nam cần phải vượt qua những thách thức đang trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, như: sự thiếu ổn định về chính sách, các quy định pháp luật chưa rõ ràng và thiếu minh bạch, gây ra những khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện; cơ sở hạ tầng cho các hoạt động logistics chưa phát triển đồng bộ; nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao còn hạn chế, thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp…
Thách thức do khả năng kết nối với doanh nghiệp FDI của doanh nghiệp trong nước yếu, cùng các khó khăn trong phát triển công nghiệp phụ trợ và tham gia chuỗi cung cứng toàn cầu: Các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay gặp khó khăn trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chưa đủ năng lực để chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với xu thế mới. Từ đó, làm giảm năng lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài. Hay nói cách khác, các doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” và Nhà nước không thể hỗ trợ vì những ràng buộc về các nguyên tắc của các FTA.
Thách thức suy giảm dòng vốn FDI toàn cầu: Trong khi các nguồn vốn đầu tư đang sụt giảm thì các thị trường mới nổi hấp dẫn nhà đầu tư ngày càng xuất hiện nhiều như : Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… với đủ các hình thức thu hút đầu tư hấp dẫn khác nhau. Họ có lợi thế tương đồng hoặc riêng biệt, vẫn đang cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam. Các quốc gia này cũng đang ban hành nhiều chính sách rất mạnh mẽ để giữ chân, cũng như lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài như : ưu đãi về thuế, xây dựng các khu công nghiệp, gói hỗ trợ đào tạo thợ lành nghề, hoặc những cam kết sẽ cải thiện môi trường kinh doanh nội địa…
Nội dung: Diệu Hương
Đồ họa: M.N